Nuôi vịt siêu thịt trên đệm lót sinh học
Nuôi vịt chạy đồng hiện đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, rủi ro thiệt hại về kinh tế là rất cao. Mô hình nuôi vịt trên đệm lót sinh học theo hướng chuyên thịt và chuyên trứng đang là hướng đi mới giúp đảm bảo kinh tế, hạn chế nhiều rủi ro. Ngoài ưu điểm ích dịch bệnh, hình thức nuôi vịt trên đệm lót sinh học kết hợp với con giống chất lượng cao giúp vịt mau lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian nuôi, qua đó chủ động sản phẩm đầu ra khi cần thiết.
Nằm trong dự án phát triển chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 – 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu xây dựng mô hình nuôi vịt siêu thịt trên đệm lót sinh học tại hộ nông dân Phạm Thanh Tùng, xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu bước đầu đem mang lại những kết quả tích cực.
Chú Phạm Thanh Tùng là người có gần 30 năm theo nghề nuôi vịt, và cũng chừng ấy năm chứng kiến sự bấp bênh của nghề nuôi vịt chạy đồng. Giữa tháng 6 năm 2018, chú Tùng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chuồng trại, làm đệm lót sinh học và tiến hành nuôi thử 100 con vịt chất lượng cao. giống vịt siêu thịt Super M2, hay còn gọi là giống vịt bầu cánh trắng. Giống vịt này có nguồn gốc từ nước Anh, được xem là giống vịt dễ nuôi, lớn rất nhanh, chất lượng thịt ngon, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt.
Sau 50 ngày nuôi, trọng lượng bình quân của đàn vịt là 2,9kg. Trọng lượng cao nhất có con đạt 3,2kg, trọng lượng thấp nhất đạt 2,8kg. Thị trường đầu ra ổn định, giá dao động từ 45 đến 60 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, việc úm vịt con trên đệm lót sinh học giúp vịt con khi lớn lông đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt, giúp giảm tỷ lệ vịt mắc các bệnh về đường tiêu hóa, từ đó nâng cao tỷ lệ nuôi sống. Nuôi vịt trên đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tươi, mượt và sạch.
Đệm lót sinh học là một hỗn hợp được phối trộn theo công thức để tạo thành nền chuồng, có tác dụng tự tiêu phân của động vật. Sử dụng chế phẩm Balasa N01 làm đệm lót lên men trong chăn nuôi ngoài việc giúp phân bị phân hủy, chế phẩm này còn giúp giảm lượng khí độc như Amoniac (NH3), Hydro sulfua (H2S) trong chuồng nuôi. Từ đó giúp môi trường chăn nuôi không bị ô nhiễm, giúp người nuôi ít tốn công sức quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi.
Chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học sẽ đạt được “tiêu chuẩn 4 không”: Không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn thải và không dọn vệ sinh. Đệm lót sinh học là kỹ thuật tiến bộ, đồng thời cũng là giải pháp hay nhất trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kỹ thuật này cũng đã được áp dụng nhiều nơi ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi ước tính giúp tiết kiệm 60% chi phí lao động, giảm 10% chi phí thức ăn, đây cũng là mô hình ứng dụng công nghệ cao nhưng đơn giản và dễ thực hiện.
Với những tiến bộ của công nghệ sinh học, đệm lót sinh học là một giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế mùi hôi chuồng trại, giảm công sức lao động và tiết kiệm năng lượng. Từ đó không những bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần giúp ngành chăn nuôi Tân Châu phát triển bền vững trong tương lai.
Related news
Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đòi hỏi sản xuất nông sản phải có sự cải cách về đầu tư và nâng cao trình độ
Tại Hợp tác xã kinh tế Xanh, Bạc Liêu, chất thải từ nuôi lợn được chuyển thành biogas chạy máy phát điện, phục vụ trang trại, các ao nuôi tôm.
Việc nuôi rắn ráo trâu đã mang lại thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm cho ông chủ trẻ Nguyễn Tấn Phong (Đồng Nai).