Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng giá trị cho nông sản

Nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng giá trị cho nông sản
Author: Bích Hồng
Publish date: Wednesday. September 12th, 2018

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đòi hỏi sản xuất nông sản phải có sự cải cách về đầu tư và nâng cao trình độ công nghệ; trong đó trọng điểm là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp. Cùng với tham vọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một đòi hỏi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị - TTXVN

Theo các chuyên gia nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Đó là những công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Hay công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý sản xuất nông lâm thủy sản (hệ thống theo dõi, giám sát, điều tiết, dự báo) giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Công nghệ sinh học được ứng dụng trong chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao…

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ tại một số vùng, tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: rau hoa cao cấp, tôm, bò sữa, lợn, gà tại Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An….

Cả nước đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập, có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thâm canh tôm, hoa, lúa được 4 địa phương công nhận ở: Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang.

Đến nay, cả nước cũng có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực gồm: 12 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.

Để nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư vào đúng trọng tâm, trọng điểm, theo Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Hội Doanh nhanh trẻ Việt Nam), cần xây dựng quy hoạch mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả, ưu tiên cho những ngành, sản phẩm mũi nhọn của nông nghiệp từ khâu quy hoạch cho đến chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư, xúc tiến thương mại

Việc rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm đặt trong bài toán tổng thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương và phải bảo đảm phù hợp với điều kiện sinh thái, ổn định đời sống, bảo vệ lợi ích của người nông dân, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Quy hoạch logistics đi sau và đi kèm quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển, phân phối.

Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài nên rất cần sự đảm bảo ổn định và bền vững của quy hoạch khi quyết định đầu tư, đồng thời khâu giám sát việc thực hiện đầu tư theo quy hoạch cần được quy định chặt chẽ, tránh hiện trạng chồng chéo, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp theo quy hoạch.

Cùng chung nhìn nhận, ông Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, phải có quy hoạch tổng thể tốt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong quy hoạch cần gắn kết với yếu tố thị trường, xây dựng các kênh phân phối chứ không chỉ riêng về vốn.

Theo ông Hùng, công nghệ cao không chỉ là công nghệ sản xuất mà bao gồm cả công nghệ tiếp cận thị trường, bán hàng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong quy hoạch cần bảo đảm tính liên ngành, liên vùng khi hội nhập, cần xây dựng cơ chế liên kết giữa các ngành và các tỉnh trong quy hoạch sản xuất, điều phối nguồn lực, tài nguyên để sử dụng hiệu quả.

Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cũng cho rằng, để có thể sản xuất hàng hóa phải tạo điều kiện cho tích tụ đất đai và hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất. Do đó, cần nghiên cứu, tổng kết các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã triển khai trong thực tiễn thời gian qua.

Qua đó, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của mỗi mô hình làm căn cứ thực tiễn để đề xuất giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất hiệu quả, khả thi, vừa bảo vệ được quyền lợi của nông dân, vừa tạo được sự an tâm của doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp thâm dụng nguồn lực sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách thức người nông dân học hỏi và tiếp cận các thông tin về kỹ thuật, công nghệ và thị trường, thương mại. Muốn đưa người nông dân sản xuất manh mún tự cung tự cấp vào sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ thì Nhà nước phải có chính sách đào tạo cũng như định hướng các cơ hội và rủi ro tiềm ẩn nếu không thay đổi tư duy và thực hiện chuyển đổi.

Đồng thời, doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân để sản xuất lớn phải tạo được việc làm cho người lao động và cảm giác an toàn cho người nông dân bởi nó liên quan trực tiếp tới đời sống và sản xuất của người nông dân. Doanh nghiệp phải là nơi trực tiếp hỗ trợ đào tạo cho lao động, ngoài trang bị máy móc, vật tư nông nghiệp cần có sự hướng dẫn chi tiết về quy trình, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch nông sản đảm bảo chất lượng.

Nhìn từ ngành mình, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, mỗi năm cà phê nhân chỉ được hưởng 1/20 trong chuỗi giá trị cà phê thế giới khoảng 500 tỷ USD. Để tăng giá trị hạt cà phê phải đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác. Do đó, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất hợp lý và chi phí bảo lãnh các nguồn vay trung hạn để đầu tư vào công nghệ chế biến.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, phải tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thực thi các chính sách ưu đãi cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế. Hỗ trợ các nhà khoa học xác định được giá trị sáng chế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, mua bán và góp vốn bằng giá trị sáng chế.

Với vấn đề tạo vốn cho doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần mở rộng các loại tài sản để các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thế chấp vay vốn, điều chỉnh cơ chế định giá để sát với giá thực tế đối với các tài sản hình thành trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các tài sản là sáng chế khoa học công nghệ đã được công nhận.

Song song đó, phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.  Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp lớn, xây dựng các mô hình vườn ươm công nghệ cao cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp để nhân rộng tại các địa phương. Tập trung vào nhóm thanh niên trẻ, các trang trại, hộ kinh doanh cá thể tại địa phương nhằm khơi dậy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Để hấp thụ được những công nghệ tiên tiến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động.


Related news

Khởi nghiệp thoát nghèo nhờ trồng xoài đài Loan Khởi nghiệp thoát nghèo nhờ trồng xoài đài Loan

Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, mô hình trồng giống xoài Đài Loan đã đem đến cho đời sống kinh tế của gia đình chị một sự thay đổi.

Tuesday. September 11th, 2018
Nuôi chim công thu nhập 200 triệu đồng/năm Nuôi chim công thu nhập 200 triệu đồng/năm

Anh Trần Văn Toản, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ hiện nuôi 10 cặp chim công bố mẹ, 20 con chim công từ 7 - 9 tháng tuổi và 10 cặp trĩ ngũ sắc

Tuesday. September 11th, 2018
Phòng trị bệnh đốm rong trên cây ăn trái trong mùa mưa Phòng trị bệnh đốm rong trên cây ăn trái trong mùa mưa

Vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi để các loại rong, tảo phát sinh gây hại trên cây ăn trái.

Tuesday. September 11th, 2018