Nuôi Trồng Thủy Sản Hướng Thoát Nghèo Ở Noong Luống
Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.
Tiếp chúng tôi, ông Bùi Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Chúng tôi luôn xác định nuôi trồng thủy sản là nghề mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ giúp bà con tận dụng thời gian nông nhàn, lao động dôi dư tại địa phương mà còn tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân.
Để khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản và giúp các hộ nâng cao thu nhập từ nghề, thời gian qua UBND xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện, Trung tâm Phát triển thủy sản tỉnh tổ chức mô hình trình diễn, tập huấn kiến thức kỹ thuật nuôi thủy sản cho bà con.
Giờ đây phong trào nuôi trồng thủy sản ở xã Noong Luống phát triển mạnh. Hiện cả xã có 450/1.600 hộ nuôi trồng thủy sản, nhiều nhất tại đội 7, 8, 9. Số hộ này đều có đời sống gia đình khá giả, kinh tế ổn định, có điều kiện chăm lo cho con em học hành.
Ngoài gần 50ha mặt nước là ao của các gia đình, còn lại 26ha mặt hồ do UBND xã quản lý được một số hộ gia đình nhận thầu nuôi thả cá. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, thuê máy móc, nhân công đào ao, mở rộng diện tích. 5 năm trước đây phần lớn các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Noong Luống chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, hiệu quả kinh tế khá cao, song trắm cỏ là loài hay bị dịch bệnh, dễ thất thu, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ ngày càng ít.
Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, từ năm 2009 bà con nông dân chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính, là giống chủ lực và thả xen một số loài cá khác có giá trị kinh tế cao như cá chép. Có diện tích nuôi thả cá lớn nhất xã là gia đình ông Đinh Chí Hoàn, đội 12 với gần 1ha ao.
Trước đây ông Hoàn chỉ nuôi ít cá trong ao nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng từ năm 2007, khi có nhu cầu tiêu dùng lớn, ông đã mua thêm đất ruộng gần nhà thuê máy xúc đào ao, be bờ mở rộng diện tích nuôi cá. Trung bình mỗi lứa cá gia đình ông Hoàn xuất từ 3 – 3,5 tấn, trừ chi phí thu về hàng chục triệu đồng.
Do có nguồn nước từ trên khe dẫn về nên chất lượng thịt cá rắn, thơm được người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá. Ngoài cung cấp cho các chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, quán ăn khu vực T.P Điện Biên Phủ, thương lái còn chuyển đi các huyện, thị khác.
Ông Bùi Văn Ba cho biết thêm: Bình quân mỗi năm xã Noong Luống bán ra thị trường trên 300 tấn cá thịt, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm. Do số hộ nuôi cá trên địa bàn ngày càng nhiều, để giúp các hộ có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau, từ cuối năm 2009, UBND xã thành lập Nhóm sở thích nuôi cá với sự tham gia của 50 hộ dân.
Mới đây, Trung tâm Thủy sản phối hợp với UBND xã tổ chức mô hình trình diễn nuôi cá rô phi đơn tính hướng dẫn bà con quy trình dọn ao, thả giống và cho ăn theo định lượng phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cá. Ngoài ra, các hộ dân còn được tham khảo sách báo, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi để cá đạt năng suất, chất lượng cao.
Giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nghề nuôi cá, chính quyền xã Noong Luống khuyến khích bà con tập trung nuôi những loài cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường, chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang nuôi theo hướng thâm canh hàng hóa. Nhờ biết đầu tư đúng hướng, giờ đây đời sống của người dân xã Noong Luống có nhiều đổi thay nhờ vào nghề nuôi trồng thủy sản.
Related news
Cá chình là đối tượng cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, được coi là hàng quý hiếm và đắt tiền. Giá thương phẩm tại thời điểm hiện nay là 300.000đ/kg (trên1kg/con), cao nhất so với các loại đối tượng cá nước ngọt khác
Mô hình nuôi cá kèo trong ao lót bạt của hộ ông Bùi Thành Công ở ấp Rạch Cỏ, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải- Trà Vinh được thực hiện trên diện tích 200m2.
Trồng lúa vụ Đông Xuân, sau đó xuống khoai mỡ, hoặc lúa Đông Xuân – khoai mỡ - tranh thủ vụ củ cải trắng là cơ cấu cây trồng được nông dân các ấp: Long Hòa 2, Long Hòa 1 và Long Phước của xã Long Mỹ, huyện Mang Thít xây dựng thực hiện hàng năm trên đất lúa
Từ ngày 18 – 24/1/2011, đoàn công tác của Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới của Hà Lan đã tìm hiểu thực tế tại Việt Nam.
Cây cóc thuộc loại cây thân mộc, lớn, mọc nhanh, cao 8-18 m (tại Mỹ châu) thuờng trung bình 9-12 m, phân nhánh nhiều cành dễ gẫy