Nuôi Tôm Theo Kiểu Phong Trào

Nuôi tôm theo kiểu phong trào ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi như hiện nay là không bền vững...
Sau thời gian lao đao, gần đây do giá tôm thẻ chân trắng tăng nên nhiều hộ dân ở vùng ven biển Quảng Ngãi đổ xô nuôi tôm. Đáng chú ý là người dân nuôi tôm theo kiểu phong trào, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp về lịch thời vụ, môi trường ao nuôi, nguy cơ dẫn đến thất bát là điều khó tránh khỏi.
Vài năm trở lại đây, khi con tôm thẻ chân trắng có giá trở lại thì dòng sông Kinh Giang, đoạn qua thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh bị “xẻ thịt” từng ô bàn cờ để nuôi tôm. Có người còn bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thả tôm giống ồ ạt, trái với lịch thời vụ. Việc làm này đã dẫn đến những hệ quả do thiên tai gây ra. Trong trận lũ lịch sử vào trung tuần tháng 11 năm ngoái, hàng chục hồ nuôi tôm ở đây bị nước lũ tràn vào, cuốn trôi toàn bộ tôm nuôi.
Ông Lê Bền, ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Bà con nghĩ tháng 9, tháng 10 hiền nên xuống giống hết. Mới xuống mươi bữa, nửa tháng, bà con thiệt thại đôi trăm triệu. Bây giờ bà con trắng tay hết”.
Sau lũ dữ, người nuôi tôm ở xã Tịnh Khê vội vàng sửa chữa lại hồ nuôi tôm. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở đây lại “sốt” lên. Người có điều kiện kinh tế không chỉ đầu tư nuôi trên diện tích ao nuôi của mình mà còn thuê hồ khác để thả tôm. Có những gia đình bỏ đi biển tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhiều hộ còn vay “nóng” để nuôi tôm.
Chị Nguyễn Thị Lê Dung ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Trước kia, làm nghề biển lỗ, thấy hồ dơ quá, tôi bỏ luôn. Tôi chưa nuôi nhưng đầu tư gần 200 triệu đồng rồi. Nếu bỏ giống là cả 300 triệu đồng nữa. Tại thấy bà con làm hết, mình phải làm, không có vốn thì phải vay”.
Một số người nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê cho biết, sở dĩ bà con ở đây “mê” nuôi tôm thẻ chân trắng là do mấy năm nay tôm sú bị dịch bệnh hoành hành làm chết hàng loạt, trong khi tôm thẻ chân trắng thắng lớn về năng suất lẫn giá cả. Mặt khác, thời gian gần đây nhiều nước trên thế giới rất chuộng tiêu thụ tôm thẻ, vì thế mà kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ của nước ta tăng mạnh và người nuôi thu lãi nhiều nhờ bán được giá cao.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi tôm vẫn chủ quan về bài học “được mùa mất giá” có thể xảy ra khi phong trào nuôi tôm ồ ạt như hiện nay. Ông Võ Văn Tàu, một người nuôi tôm ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Nếu giá khoảng 80.000 đồng/kg thì người nuôi tôm có lãi, nếu 70.000 đồng/kg thì bà con lỗ chắc”.
Việc bùng nổ tôm thẻ đang bộc lộ nhiều bất cập. Diện tích tôm thẻ phát triển quá nhanh sẽ phá vỡ qui hoạch, vượt khả năng kiểm soát của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Đây là điều mà ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương lo lắng khi diện tích tôm thẻ chân trắng dự báo tăng đột biến trong năm nay.
Ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Việc phát triển nuôi tôm như thế này không mang tính bền vững, chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người, một sô hộ. Trước tình hình phát triển nóng như thế này, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương”.
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng nuôi theo kiểu phong trào ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh như hiện nay là không bền vững.
Related news

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những ngày này không khí ở xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) náo nhiệt hẳn lên, bởi bà con đang bước vào mùa thu hoạch cam với niềm vui được mùa. Khắp các vườn trong xóm, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy màu vàng chín rộ của những vườn cam quả trĩu cành.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi đang phát triển nhanh, nhưng giá trị từ các mô hình liên kết vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị ngành chăn nuôi. Do đó, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi GTGT vẫn còn rất lớn.

Ông Huỳnh Văn Năng ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Vụ này tôi trồng 4 công khoai mì chỉ bán được hơn 5 triệu đồng, trừ hết các chi phí như phân bón, thuốc BVTV, thuê nhân công thu hoạch coi như công sức mấy tháng trời chẳng thu được đồng nào. Người trồng càng nhiều càng lỗ nặng hơn”.

Trồng thanh long sau Long An nhưng Bình Thuận nhanh chóng trở thành thủ phủ của cây này với 24.000 ha, gấp 1.000 lần so với cách đây 20 năm. Năm 1990, anh Trần Ngọc Hiệp bán chiếc xe máy Honda 67 mua được 3 ha đất tại Hàm Thuận Nam đã trồng thử và điều bất ngờ đã đến, đất đai tại Bình Thuận còn hợp thanh long hơn so với Long An, nơi anh lấy giống. Rồi từ 3 ha đấy anh phát triển lên 30, 70, 100, 300 ha.