Tiền Giang Thả Nuôi Tôm Sú Năm 2015 Từ Tháng 3 Đến Tháng 10

Ngày 30/12/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang ban hành Thông báo số 4291/TB-SNNPTNT về việc khuyến cáo thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế thiệt hại do những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh cho bà con nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh.
Theo đó, đối với các hộ nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh khuyến cáo bà con không nên thả giống nuôi trong các tháng 01, 02, 11 và 12 (dương lịch), vì trong thời gian này thời tiết không phù hợp với đặc tính sinh học của tôm sú, đồng thời chất lượng tôm giống thường không tốt.
Đối với các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bà con có thể thả giống nuôi ở tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, bà con cần chú ý, phải có thời gian ngưng nuôi giữa hai vụ ít nhất là 02 tháng, để đủ thời gian cải tạo ao đầm, cắt đứt mầm bệnh, hạn chế thiệt hại cho vụ nuôi sau.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị có liên quan trực thuộc Sở, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Phòng Kinh tế thị xã Gò Công tổ chức tuyên tuyền, phổ biến nội dung thông báo này cho tất cả người nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh sớm biết để chủ động thực hiện.
Đồng thời, giao Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã Gò Công theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nuôi, tình hình thời tiết thủy văn, thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, quan trắc mầm bệnh, để có những khuyến cáo cụ thể, phù hợp và kịp thời cho từng vùng nuôi tập trung trên địa bàn.
Trước đó, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo thời điểm thả giống trong vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến năm 2015 bắt đầu từ ngày 22/12/2014. Tuy nhiên, thời điểm thả giống cụ thể tùy theo điều kiện của từng khu vực và đảm bảo độ mặn nước ao thả nuôi hoặc ao ương cao hơn 6%o.
Theo số liệu thống kê, những năm gần đây, tình hình bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp. Năm 2014, tình hình bệnh trên tôm nuôi không còn tập trung vào các tháng nắng nóng với bệnh hoại tử gan tụy là chủ yếu như các năm trước, mà chủ yếu là bệnh đốm trắng và xảy ra tương đối rải đều ở các tháng trong năm.
Cụ thể, tổng diện tích tôm nuôi năm 2014 bị thiệt hại là 587,8 ha, chiếm 17,6% diện tích thả nuôi. Thời gian bị dịch bệnh tập trung nhiều nhất vào đầu tháng 1/2014, với diện tích 164,6 ha (chủ yếu là bệnh đốm trắng), còn các tháng còn lại diện tích tôm bệnh trung bình từ 20 - 60 ha/tháng.
Related news

Để hạn chế những thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trong mùa lũ, bà con nuôi cá lồng bè cần chú ý: Tranh thủ thu hoạch nếu cá đạt cỡ thương phẩm. Nếu cá chưa tới cỡ thu hoạch cần chăm sóc kỹ, cho ăn đầy đủ, đúng liều lượng với những loại thức ăn viên công nghiệp có chất lượng

Ngày 3/10, anh Nguyễn Văn Diện (trú tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, con sư tử biển quý hiếm mà gia đình anh bắt được cách đây hơn 2 tháng đã chết

Giá cá đầu ra bất ổn, lên xuống thất thường như hiện nay, có lúc lên cao đến 29.000 đồng/kg, có lúc xuống mức 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành nuôi là nỗi lo chung của nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Hơn 80 đại biểu nông dân của 4 huyện trong vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường, cùng nông dân tham gia mô hình trồng thâm canh giống mía mới tại xã Vĩnh Thuận

Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đang tập trung phương tiện, vật tư, nguồn vốn đầu tư chăm sóc, phấn đấu niên vụ 2012 - 2013 đạt từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên. Các địa phương trong vùng cũng đặc biệt lưu ý tới vấn đề sâu bệnh thường xuất hiện trên cây, quả cà phê trong mùa mưa.