Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Hùm Lồng Cần Sự Quản Lý Và Quy Hoạch Để Phát Triển Bền Vững

Nuôi Tôm Hùm Lồng Cần Sự Quản Lý Và Quy Hoạch Để Phát Triển Bền Vững
Publish date: Saturday. May 17th, 2014

Nuôi tôm hùm lồng trên biển ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX và phát triển mạnh từ năm 2000 cho đến nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, cần phải có sự quản lý và quy hoạch một cách hợp lý nhằm đưa nghề nuôi có giá trị kinh tế cao này hướng đến sự phát triển một cách bền vững.

Một nghề nuôi phát triển nhanh và ổn định

Tôm hùm là tên gọi chung của một nhóm giáp xác thuộc họ Palinuridae. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố từ Quảng Bình tới Bình Thuận nhưng tập trung ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển so với các nước khác trên thế giới. Số lượng lồng nuôi có thời điểm lên đến gần 60.000 chiếc, tập trung nhiều ở các tỉnh Nam Trung bộ, từ Bình Định tới Bình Thuận.

Với sản lượng nuôi trung bình hằng năm gần 2.000 tấn, chủ yếu là loài tôm hùm bông (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh (Panulirus homarus), đã đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng mỗi năm và là sinh kế cho hơn 15.000 người dân ven biển các tỉnh Nam Trung bộ.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm lồng đã phát triển tương đối ổn định. Vùng nuôi tôm thường tập trung ở các vũng, vịnh và đầm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như đầm Cù Mông (Bình Định – Phú Yên), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy, vịnh Phan Rang (Ninh Thuận)…, những nơi ít bị ảnh hưởng của gió bão, có dòng chảy do thủy triều, có độ sâu, chất đáy và các yếu tố thủy lý, thủy hóa rất thuận lợi cho nghề nuôi.

Số lượng lồng nuôi tôm hùm năm 2000 có khoảng 17.600 lồng, năm 2006 tăng lên 47.700 lồng, năm 2007 giảm còn 45.800 lồng nhưng đến năm 2008-2009 lại tăng mạnh, đạt gần 60.000 lồng. Những năm sau, số lượng lồng nuôi tôm hùm giảm, dao động trong khoảng từ hơn 40.000 – 50.000 lồng và năm 2013 còn khoảng 42.500 lồng.

Theo đó, sản lượng tôm hùm nuôi năm 2000 mới đạt 685 tấn, năm 2006 tăng lên 1.920 tấn, năm 2007-2008 do dịch bệnh tôm hùm sữa nên giảm chỉ còn 700 tấn. Từ năm 2010 trở đi, sản lượng có xu hướng ổn định và năm 2013 đạt khoảng 1.600 tấn.

Công tác nghiên cứu và phát triển vẫn còn hạn chế

Ngày 31/03/2014, tại Diễn đàn Nông nghiệp với chủ đề “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm” tổ chức tại Tp Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vừa qua, Thạc sĩ Võ Văn Nha (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) cho rằng, cùng với sự phát triển của nghề nuôi tôm hùm lồng tại Việt Nam thời gian qua, kỹ thuật nuôi và các phương pháp phòng trị bệnh cho tôm cũng đã từng bước được nghiên cứu, cải tiến và đề xuất, song lại chưa theo kịp với tốc độ phát triển ồ ạt của thực tế sản xuất.

Chẳng hạn, hiện nay trong nước cũng như trên thế giới chưa sản xuất được giống tôm hùm, thay vào đó, nguồn giống hoàn toàn phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên với kích cỡ không đồng đều, chất lượng không đảm bảo nên tỷ lệ sống rất thấp và tôm chậm lớn.

Thậm chí, do khan hiếm, giá tôm hùm giống có thời điểm lên đến 350.000 đồng/con và dự kiến sẽ còn tăng nữa vì sản lượng giống tôm hùm khai thác từ tự nhiên đang ngày càng giảm một cách rõ rệt.

Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, cho biết việc nghiên cứu cho tôm hùm sinh sản nhân tạo đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III tiến hành hơn 20 năm qua nhưng vẫn chưa khả quan. “Tất cả chỉ mới dừng lại ở việc cho trứng nở thành tôm hùm trắng (tôm mới nở chỉ bằng sợi chỉ) thì chết.

Chúng ta chưa thể nghiên cứu được môi trường sinh sản nào hợp lý cho tôm hùm, chưa biết được nguồn thức ăn của tôm hùm bố mẹ trước khi sinh và của tôm hùm trắng, cũng như quá trình lột vỏ của tôm hùm trắng”- ông Phạm Khánh Ly chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong 10 năm qua (2003-2013), mới chỉ có vỏn vẹn 3 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai thực hiện, trong đó Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III chủ trì 2 đề tài: “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp do vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra ở tôm hùm bông tại Phú Yên, Khánh Hòa và biện pháp phòng trị” (2003) và “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh trên tôm hùm nuôi lồng ở miền Trung” (2011). Viện Công nghệ sinh học (Hà Nội) cũng chủ trì 1 đề tài về “Nghiên cứu bệnh sữa ở tôm hùm bông và biện pháp phòng trị” (2009).

Thực tế trên cho thấy, hiện vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu sâu và đột phá liên quan đến việc thay đổi hay cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi như: chủ động nguồn giống, sản xuất thức ăn riêng cho tôm hùm, cải tiến phương pháp nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và hạn chế dịch bệnh…

Cần có sự quản lý và quy hoạch để phát triển bền vững

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện có 5 nhóm khó khăn, trở ngại chính cho việc phát triển nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung đó là: vấn đề về quy hoạch, nguồn giống, dịch bệnh, công nghệ nuôi và nguồn thức ăn.

Về quy hoạch, hiện một số tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm. Trong khi đó, tại các khu vực đã được quy hoạch chi tiết thì mật độ nuôi lại ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch nuôi, hoặc quy hoạch nuôi tôm hùm nằm chung với khu vực nuôi cá biển và các loài thủy sản khác, gây khó cho quản lý và làm dịch bệnh dễ lây lan. Thậm chí, một số điểm hiện đang nuôi tôm lại nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp của tỉnh, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nghề nuôi lồng, bè…

Đặc biệt, do khan hiếm giống, đã xuất hiện tình trạng người nuôi tự nhập giống từ các nước lân cận như Philippines, Indonesia, Srilanca… mà không có sự kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ. Những nguồn giống này chưa được đảm bảo về chất lượng, năng suất và tiềm ẩn nguy cơ cao làm lây nhiễm dịch bệnh tôm hùm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, để phát triển bền vững và ổn định nghề nuôi tôm hùm, ngay trong năm 2014 Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020 để làm căn cứ cho các tỉnh xây dựng, điều chỉnh chi tiết hiện nay cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã được chính phủ phê duyệt.

Trong đó, do nguồn giống chưa thể sản xuất nhân tạo nên sẽ tiến hành công nhận nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép khai thác cho các hộ dân làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác tôm hùm giống.

Các địa phương sẽ phải phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành điều tra nguồn lợi tôm hùm giống để xây dựng cơ chế giám sát, quản lý nhằm khai thác bền vững nguồn giống.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng để sớm ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn, định mức về quy trình công nghệ cho các hình thức nuôi, tiêu chuẩn con giống và khu nuôi tập trung. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ ban hành các chính sách về việc giao hoặc cho thuê mặt đất, mặt nước; xây dựng chính sách huy động vốn phù hợp; tạo mạng lưới trao đổi thông tin về kỹ thuật và bệnh tôm hùm giữa người nuôi và cơ quan chức năng; tổ chức xây dựng mạng lưới bảo quản và tiêu thụ sản phẩm…

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, Bộ đang tổ chức nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo tôm hùm giống, đồng thời NK nguồn tôm hùm giống đảm bảo chất lượng ở các nước để cung ứng cho nhu cầu người nuôi tại Việt Nam.

"Để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi, cần sớm thành lập Hiệp hội tôm hùm, liên kết tạo đầu mối quản lý nhà nước, liên kết các nhà khoa học, đẩy mạnh XTTM nhằm nâng cao giá trị XK cho tôm hùm, có như vậy người dân mới có thể làm giàu bền vững từ nghề này", Thứ trưởng khẳng định.


Related news

Mô Hình Nuôi Nhím Kết Hợp Nuôi Thỏ Lợi Nhuận Hàng Trăm Triệu Đồng Mô Hình Nuôi Nhím Kết Hợp Nuôi Thỏ Lợi Nhuận Hàng Trăm Triệu Đồng

Nông dân có sáng tạo sẽ mau làm giàu, chính vì nhờ linh động trong phát triển kinh tế, biết tìm tòi học hỏi, tìm giống cây trồng vật nuôi, áp dụng thực tế tại hộ gia đình đã được nhiều nông dân đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ anh Nguyễn Văn Hòa ở ấp Bình Đông 2 xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã chọn phát triển mô hình nuôi Nhím kết hợp với nuôi Thỏ đem lại lợi nhuận hàng triệu đồng mỗi năm. Anh Hòa trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Wednesday. February 8th, 2012
Đại Gia Bị Nông Dân Đến Nhà Đòi Nợ Đại Gia Bị Nông Dân Đến Nhà Đòi Nợ

Sáng 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) ở Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá. Khoảng 10 giờ 30 ngày 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) trên đường 30.4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá.

Monday. February 20th, 2012
Diện Tích Nuôi Cá Nước Ngọt Tăng Diện Tích Nuôi Cá Nước Ngọt Tăng

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, bao gồm các hình thức nuôi như quảng canh trong hồ chứa thủy lợi, nuôi trong ao, nuôi thả lồng trong các hồ chứa, nuôi trong ao lót bạt và nuôi trong ruộng lúa

Wednesday. August 3rd, 2011
Về Làng Bánh Chưng: Sau Tết Vẫn Nhộn Nhịp Về Làng Bánh Chưng: Sau Tết Vẫn Nhộn Nhịp

Làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nổi tiếng về nghề làm bánh chưng truyền thống. Nhờ nghề này, Vĩnh Hòa đã trở thành làng giàu có bậc nhất huyện Yên Thành.

Tuesday. February 21st, 2012
Chăm Sóc Khai Thác Dừa Nước Nam Bộ Chăm Sóc Khai Thác Dừa Nước Nam Bộ

Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải Tây Thái Bình Dương lấy nước dừa làm nguồn thu nhập chính. Ở Philippines, 93% cồn và rượu được sản xuất chủ yếu từ dừa nước trong năm 1910, sản lượng lúc đó đã lên đến 90.000 lít (Gibbs, 1911). Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời chế biến các món ăn hấp dẫn nơi các nhà hàng Thái Lan và Philippines

Friday. July 13th, 2012