Bắc Ninh Chống Rét Cho Cá Giống
Hiện nay, nuôi giữ cá lưu đông không chỉ giúp người dân chủ động về nguồn giống chất lượng mà còn tạo điều kiện cho các hộ thâm canh tăng vụ lên 2 - 3 vụ/năm. Vì vậy, ngay khi bước vào đầu mùa rét, các hộ nuôi trồng thủy sản đã có nhiều biện pháp tích cực chăm sóc, chống rét cho cá giống.
Anh Trịnh Đắc Ngọc, thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ - Bắc Ninh), một người có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản nhiều năm cho biết: “Tính theo âm lịch, năm nay có tháng nhuận nên vừa qua, tôi mới tiến hành thả 200.000 con giống rô phi xen lẫn cá mè và cá trắm.
Thời điểm xuống giống này tương đối muộn so với mọi năm, ngay sau đó lại gặp đợt gió bắc cường độ mạnh tràn về nên tôi phải khẩn trương triển khai các biện pháp chống rét”.
Theo anh, biện pháp đơn giản, chi phí thấp với nguyên liệu sẵn mà các hộ có thể dễ dàng triển khai là dùng bèo tây phủ trên 1/2 - 2/3 diện tích ao, theo hướng về phía bắc để cản gió. Nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ, có thể sử dụng bạt ni lông để che phủ mặt nước.
Tuy nhiên, anh Ngọc cũng lưu ý, cần có biện pháp để cố định bèo tây hay nilon để tránh làm xao động mặt nước. Trong thời gian lưu đông, các hộ nên thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp để tăng sức đề kháng cho cá, đặc biệt, khi nhiệt độ xuống dưới 200C cần giảm hoặc ngừng cho ăn để tránh lãng phí thức ăn và nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.
Trước đó, kể từ khi tiến hành nuôi giữ cá qua đông lấy giống, anh đã chia khu nuôi trồng thủy sản thành 7 ao nhỏ để tiện theo dõi và chăm sóc cá theo từng kích cỡ khác nhau và các ao đều đảm bảo độ sâu từ 2 - 3m cho cá lưu trú khi nhiệt độ xuống thấp. Nhờ có kinh nghiệm chống rét và chăm sóc tốt, năm 2013, cá giống lưu đông của gia đình anh Ngọc đạt tỷ lệ sống gần 80%. Sau khi cung cấp lượng giống lớn cho các hộ nuôi trồng tại địa phương và lân cận, anh vẫn chủ động được nguồn giống để cá nuôi thương phẩm tại gia đình với sản lượng thu được từ 20 - 30 tấn.
Được biết, năm 2013, toàn tỉnh có 322 hộ được hỗ trợ nuôi cá giống lưu đông với diện tích đạt gần 50 ha. Số lượng cá hỗ trợ là gần 21 triệu con, chủ yếu là cá chim trắng và rô phi đơn tính, tỷ lệ sống đạt trên 70%, đáp ứng cơ bản nhu cầu về cá giống trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, mặc dù diện tích mặt nước không tăng nhưng sản lượng thủy sản đều tăng nhẹ qua các năm, bình quân đạt 35.000 tấn.
Năm nay, diện tích đăng ký hỗ trợ cá giống lưu đông ở các địa phương dự kiến tăng từ 2 - 2,5 lần và thời điểm này các đơn vị cung ứng đang tiến hành giao cá giống cho các hộ. Ngay khi chuẩn bị bước vào vụ đông, Chi cục Thủy sản Bắc Ninh đã ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời cử cán bộ đi kiểm tra, đôn đốc nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cá.
Chi cục cũng chỉ đạo các đơn vị cung ứng cá giống lớn của tỉnh như HTX giống thủy sản Nam Sơn, Công ty Sông Thiên Đức, Xí nghiệp Thái Giang, Công ty TNHH Dung Đạt và Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1… cam kết đảm bảo chất lượng cá giống trước khi giao cho nông dân.
Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, những đợt rét đậm bất thường kéo dài xảy ra nhiều ngày, một số loài cá như: cá rô phi, chim trắng, cá trê… dễ bị chết rét. Vì vậy, nhằm hạn chế tối đa rủi ro bởi thời tiết, các hộ dân cần tránh chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp chống rét, tích cực chăm sóc cá giống để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi trồng đầu năm đạt năng suất cao.
Nguồn bài viết: http://baobacninh.com.vn/news_detail/84862/chong-ret-cho-ca-giong-.html
Related news
Đáng chú ý là bệnh do nấm và vi khuẩn. Toàn tỉnh có trên 1.550 ha bị nhiễm bệnh cháy bìa lá, tỉ lệ phổ biến từ 10% đến 20% lá, trong đó có 178 ha bị nhiễm đến 40% lá. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông cũng xuất hiện trên diện tích hơn 800 ha, đã có một số diện tích bị nhiễm đến 20% bông.
Chỉ trong tuần cuối tháng 7, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 400-500 đồng/kg, vượt lên mức cao nhất trong một năm qua. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết sắp tới Philippines sẽ ký hợp đồng mua 500.000 tấn gạo Việt Nam.
Có mặt trên vùng duyên hải Nam Trung Bộ khô hạn từ hơn 100 năm trước, cây nho ở Ninh Thuận được ví như cây trồng “nữ hoàng”, giúp người dân miền gió cát thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, thực tế nho Ninh Thuận hiện chưa phát triển ngang tầm với danh hiệu độc tôn của nó.
Để bảo vệ vườn chuối, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức tập huấn cho người trồng chuối về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại chuối, đồng thời tiến hành áp dụng mô hình trồng chuối cao sản để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Xác định phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cơ bản trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), thời gian qua, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM và hình thành được những mô hình chăn nuôi bước đầu có hiệu quả.