Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Ao Đất

Tận dụng con nước khi lũ về và diện tích đất canh tác bên bờ sông Hậu, nhiều nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân - An Giang) đã mạnh dạn đào ao nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Phan Văn Chưng (ngụ ấp Bình Quới 2) cho biết, do gần bờ sông, chịu ảnh hưởng của nước lũ nên năm nào gia đình ông cũng chỉ làm rẫy được hai vụ, mùa nước thì bỏ trống hoặc trồng rau nhút.
Thấy tôm càng xanh dễ bán, có lợi nhuận kinh tế cao và tận dụng được những nơi nước ngập nên năm 2000, ông đã đầu tư đào 6.000m2 ao để thả nuôi tôm càng xanh. Mới nuôi tôm, chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên số lượng tôm giống hao hụt nhiều, năng suất thu hoạch cuối vụ không cao, nhưng vẫn còn lời.
Ông tiếp tục tìm tòi, học hỏi cách nuôi, vừa tự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của bản thân. “Vụ tôm vừa qua, tui thả 130.000 con tôm càng xanh giống, vừa thu hoạch gần 1,2 tấn tôm, bán tôm trứng loại 60 con/kg với giá 130.000 đồng/kg và tôm càng thương phẩm loại 30 con /kg bán với giá 220.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn và con giống, còn lời gần 10 triệu đồng/công ao” - ông Chưng chia sẻ.
Theo ông Chưng, tôm càng xanh không khó nuôi, ao để nuôi tôm có mực nước khoảng 1 mét, mật độ thả nuôi khoảng 20 con/m2 ao, bố trí quạt nước liên tục để tôm không bị thiếu dưỡng khí. Thức ăn cho tôm chủ yếu là thức ăn công nghiệp, hàm lượng đạm trong thức ăn phải thích hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Ngoài ra, có thể cho tôm ăn thêm thức ăn tự chế biến kết hợp với cám viên để giảm chi phí đầu tư. Thức ăn tự chế biến gồm các thành phần: Bánh dầu, ngũ cốc các loại và thực phẩm giàu đạm như cá tạp, trùn, các phế phẩm động vật khác. Trong ao nuôi cũng cần thả chà để làm nơi trú ẩn cho tôm, đặt vó để theo dõi sự phát triển và khả năng bắt mồi của tôm.
Kết thúc mỗi vụ tôm, phải tiến hành nạo vét bùn ở đáy, rải vôi khử trừng và phơi ao 3 ngày. Khi bơm nước vào ao, phải thông qua túi lọc để loại bỏ cá tạp làm hao hụt tôm giống. Đồng thời, cấy các loại men vi sinh, diệt khuẩn và điều chỉnh độ pH của nước trước lúc thả tôm giống. Tôm giống khi mua phải chọn các giống tôm khỏe mạnh từ các trại giống có uy tín về chất lượng.
Những ngày đầu sau khi thả tôm giống thường xuyên theo dõi, quan sát tôm có thích nghi với môi trường hay không để điều chỉnh nước cho phù hợp. Hàng tuần phải bơm thay nước bẩn, định kỳ khoảng 15 ngày xử lý nước bằng dung dịch iot, vôi bột… để làm sạch môi trường sống giúp tôm phát triển nhanh.
Ngụ cùng ấp, anh Phan Văn Tròn cũng đang nuôi 3.000m2 ao tôm càng xanh, tâm sự: “Lúc trước, tui cũng trồng rẫy quanh năm, thấy không có lời nên tui quyết định nuôi tôm. Nuôi đến nay cũng đã gần 15 năm, so với làm rẫy thì nuôi tôm không cực hơn là bao nhưng lời hơn rất nhiều lần.
Tôm tuy được nuôi trong ao nhưng gần sông, rất dễ thay nước nên tỷ lệ sống đạt hơn 70%, tôm càng rất mau lớn, trọng lượng từ 20-30 con/kg. Tôm thả nuôi từ 3,5- 4 tháng là có thể thu hoạch tôm tỉa (tôm trứng) bán để có tiền bù đắp vào chi phí mua thức ăn, đến khoảng tháng thứ 7 có thể thu hoạch tôm càng thương phẩm. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ rất chạy hàng và giá cả rất ổn định…”.
Những năm qua, nuôi tôm càng xanh trong ao đất đã giúp nhiều nông dân nơi đây ăn nên làm ra, tạo thu nhập ổn định cho gia đình ngay cả trong mùa nước nổi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Related news

Dự án bò Heifer do Hội Nông dân (ND) Long An và Công ty Heifer triển khai tại huyện Thủ Thừa (Long An) đang mang lại những kết quả tích cực. Từ con bò giống mượn của dự án, nhiều hộ đã có tài sản tích lũy.

Thời tiết khô hạn kéo dài khiến năng suất, sản lượng mía niên vụ 2012 - 2013 ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, những diện tích mía đủ nước tưới vẫn có năng suất cao hơn năng suất trung bình 30 - 40%.

Đầu năm 2013, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi hàu thương phẩm ven biển. Đến thời điểm này, có thể xem đây là hướng nuôi thủy sản triển vọng, vừa tận dụng nhiều diện tích mặt nước ven biển vừa tạo thu nhập cao cho người nuôi.

Hiện việc tiêu thụ rau an toàn (RAT) rất khó khăn do hệ thống bán lẻ chưa phát triển dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được RAT với các loại rau thường.

Theo các doanh nghiệp chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, năm nay, mặt hàng tôm chân trắng xuất khẩu khoảng hơn 35 nghìn tấn, chiếm hơn 70% sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu.