Nuôi tôm càng xanh toàn đực theo hướng VIETGAP
Nuôi tôm càng xanh toàn đực bằng con giống nhân tạo theo VietGap góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và tính bền vững trong chăn nuôi.
Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi tôm càng xanh thường được xây dựng ở vùng gần kênh, rạch nơi trao đổi nước dễ dàng bằng thủy triều hay máy bơm. Đặc biệt là không bị nhiễm bẩn bởi chất thải công nghiệp hay hóa chất trong nông nghiệp. Một trong những tính chất quan trọng nhất của đất đối với ao nuôi là tính giữ nước và không sinh phèn. Đất sét, thịt pha sét đều đảm bảo được chức năng giữ nước.
Ao có hình chữ nhật là thích hợp nhất, diện tích nuôi thích hợp từ 1000 – 5000 m2. Mức nước thích hợp từ 1 – 1,5 m. Bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ, không hang hốc làm nơi trú ẩn cho các sinh vật hại tôm. Đối với nuôi tôm xen trong ruộng lúa cần lưu ý: bờ bao phải chắc chắn, bề rộng mặt bờ 1 – 2 m; mặt bờ cao hơn mức nước cao nhất 0,5 m.
Cải tạo ao nuôi: Xả cạn nước, sên vét bùn đáy, chừa lớp bùn dày không quá 10 cm. Tiến hành bón vôi cho ao, dùng vôi sống CaO, hoặc vôi nông nghiệp CaCO3 bón cho ao lượng 10 – 12 kg/100 m2, sau khi bón vôi phơi nắng 5 – 7 ngày.
Chuẩn bị ao: Bao lưới quanh khu vực ao nuôi, ngăn chặn sự xâm nhập của cá dữ, địch hại vào trong ao nuôi. Lưới cao từ 1 – 1,5 m (cỡ lưới 5 mm), chân lưới chôn sâu xuống chân bờ 0,2 – 0,3 m. Lấy nước vào ao qua túi lọc nước, hoặc lưới chắn tạp ngăn đầu cống cấp. Mức nước lấy vào ao từ 1,2 – 1,5 m, tiến hành gây màu nước ao nuôi. Dùng phân chuồng đã ủ hoai, lượng 25 – 30 kg/100 m2. Tốt nhất là dùng phân vô cơ như DAP lượng 200 – 300 g/100 m2 ao nuôi. Khi nước ao có màu xanh nõn chuối thì tiến hành thả giống.
Chọn giống và thả giống
Với những ao tiến hành cải tạo triệt để, có thể thả nuôi từ cỡ PL15. Những ao không thể gạn cạn nước, ao có thời gian nuôi lệ thuộc vào thời tiết, cần ương tôm lên cỡ 2 – 3 cm, thả nuôi an toàn hơn. Chọn tôm giống có cỡ loại đồng đều nhau, hạn chế chênh lệch đàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống.
Kích cỡ giống thả (giống nhân tạo) từ 1,2 – 1,5 cm. Đối với nuôi xen trong ruộng lúa hoặc xen trong vườn có thể thả giống tự nhiên với kích cỡ lớn hơn. Với giống tự nhiên cần chọn nguồn giống được khai thác gần khu vực nuôi.
Mật độ và cách thả
Giống nhân tạo cỡ 0,5 g/con thả 10 – 15 con/m2. Nếu dùng con giống tự nhiên thả với mật độ 5 – 7 con/m2. Thời gian thả tôm nên thực hiện vào lúc sáng sớm, chiều mát. Nếu chuyển giống từ xa về, khi thả cần có thời gian ngâm bao ôxy chứa tôm con xuống ao dự kiến thả giống trong thời gian 15 – 30 phút, để các thông số hai môi trường cân bằng nhau, hạn chế sốc cho tôm con.
Quản lý thức ăn và môi trường
Do việc nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh nghĩa là thức ăn tự nhiên vẫn còn vai trò quan trọng, kết hợp dùng thức ăn viên, nhằm hạ giá thành sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nên cần chọn thức ăn có hàm lượng đạm từ 25 – 30%. Căn cứ vào chất lượng môi trường ao nuôi, mương dơ hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn. Kết hợp sàng ăn và rải thành nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.
Cần theo dõi hàng ngày, duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng phù hợp như lượng ôxy hòa tan, pH nước ao, nhiệt độ, độ mặn, độ đục, độ trong nước ao, các khí độc,…
Cần thực hiện bẻ càng tôm để kích thích tôm mau lớn và hạn chế hao hụt do ăn thịt lẫn nhau vào thời điểm lột xác.
Cần bẻ càng ở đúng khớp gần cơ thể và hạn chế thương tổn nhất bằng cách giữ chặt 2 càng và để tôm búng tự nhiên sẽ tự long càng ra. Khoảng 3 – 4 tháng sau thì tôm sẽ mọc lại càng. Sau khi tiến hành bẻ càng, cần chuyển tôm sang nuôi thương phẩm.
Tiến hành ghi chép, theo dõi các chi phí phát sinh, tình hình sức khỏe tôm nuôi theo từng giai đoạn. Đó sẽ là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm vào cuối vụ nuôi và định hướng cho vụ nuôi tiếp theo. Nhằm giúp nuôi tôm theo một quy trình đồng nhất, sản phẩm đồng đều về trọng lượng, năng suất cao, hình thức đẹp; giảm giá thành, tăng lợi nhuận thông qua việc ghi chép chi phí sản xuất một cách rõ ràng, chi tiết; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Related news
Tôm càng xanh chậm phát triển khi bị nhiễm vi khuẩn E. cloacae.
Ngành nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) có triển vọng đầy hứa hẹn, nhưng một số vấn đề đang làm cản trở sự phát triển đó là chất lượng tôm post
Bài báo cáo này sẽ đề cập hàm lượng 2 loại acid amin thiết yếu là Arginine và Lysine để tối ưu hóa tăng trưởng trên tôm càng xanh.