Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi thủy sản tập trung hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở Tân Yên

Nuôi thủy sản tập trung hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở Tân Yên
Publish date: Monday. October 12th, 2015

Trang trại nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát, xã Việt Lập.

Những “cánh đồng bạc”

Xã Việt Lập là một trong những điểm sáng về phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung ở huyện Tân Yên từ nhiều năm nay.

Hiện, 13 thôn trong xã đều có diện tích ao nuôi cá, điển hình như: Đồng Sen, Nguyễn, Đông Am Vàng, Đông Khoát.

Nói về những vụ cá bội thu, anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát cho biết:

“Cách đây hơn chục năm, gia đình tôi nhận thầu và dồn đổi ruộng cho các hộ thành một khu rồi đầu tư xây bờ bao thành các ô riêng biệt nuôi thả cá với diện tích hơn 2,5 ha.

Do áp dụng phương pháp thâm canh, nuôi các giống cá chất lượng cao nên mỗi năm tôi thu 25 - 30 tấn cá, lãi 300 - 400 triệu đồng”.

Tương tự, với gần 2 ha ao nuôi cá, ông Nguyễn Văn Quyết, thôn Đông Am Vàng thu lãi mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Với mục đích hỗ trợ nhau về con giống, vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 350 hộ dân ở các thôn trong xã đã liên kết thành lập HTX Chăn nuôi thuỷ sản 1 và 2.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, Việt Lập hiện có gần 150 ha mặt nước nuôi cá, trong đó khoảng 120 ha nuôi thâm canh, sản lượng cá thương phẩm đạt 900 tấn, doanh thu khoảng 25 tỷ đồng/năm.

Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,8%.

Khai thác lợi thế về nguồn nước do gần các tuyến kênh, những năm qua, xã Song Vân chuyển đổi hơn 30 ha ruộng trũng, ao hồ sang nuôi cá, tập trung ở các thôn: Đồng Kim, Đồng Sào…

Nhiều hộ tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh cao, sử dụng chế phẩm khử trùng nguồn nước, phòng bệnh cho cá đã giúp tăng năng suất, chất lượng. Ước tính 2 - 3 năm gần đây, sản lượng cá thương phẩm toàn xã đạt 350 tấn/năm.

Từ hiệu quả kinh tế cao, nhiều vùng nuôi cá tập trung ở các xã: Quế Nham, Hợp Đức, Liên Chung, An Dương, Cao Thượng, Ngọc Châu cũng dần hình thành. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay toàn huyện có 1,1 nghìn ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có 900 ha nuôi thâm canh cao.

Giá trị thủy sản tăng từ 85 tỷ đồng năm 2010 lên 220 tỷ đồng vào năm nay với sản lượng ước đạt gần 9 nghìn tấn.

Nhân rộng "làng thủy sản"

Theo ông Lê Ánh Dương, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, hiện nay thủy sản đang từng bước trở thành thế mạnh trong số các sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Việc phát triển và nhân rộng vùng thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, thuận lợi trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từng bước tạo ra sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng.

Nhằm nhân rộng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, huyện Tân Yên đã thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ đồng bộ như:

Chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi thủy sản với quy mô gần 500 ha; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất nhằm khai thác lợi thế về đất đai theo hướng mỗi xã, thị trấn có ít nhất ba khu, mỗi khu có diện tích tối thiểu 3 ha làm trang trại.

Đặc biệt, năm 2013, huyện quy hoạch xây dựng 3 làng chăn nuôi thủy sản với diện tích gần 50 ha tại các thôn: Tân Minh, Phú Thọ, Tân Châu của xã Ngọc Châu; hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng, cá giống.

Năm 2014, huyện tiếp tục quy hoạch thêm 3 làng thủy sản ở xã Việt Lập. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất, đưa cá giống mới vào nuôi thả.

Để giúp các hộ mở rộng quy mô, giai đoạn 2012 - 2015 huyện phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT triển khai Đề án “Mở rộng đầu tư cho vay nuôi trồng thủy sản” nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn.

Ngân hàng huyện đã bố trí hơn 40 tỷ đồng cho các hộ có quy mô trang trại thủy sản từ 2 ha trở lên vay vốn.

Cùng với các giải pháp của huyện, từ năm 2012 đến nay, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) phối hợp với huyện xây dựng một số mô hình nuôi cá thâm canh cao, mô hình điểm nuôi cá theo hướng VietGAP, tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi cá an toàn sinh học.

Các hộ dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống cá theo hướng tăng tỷ lệ nuôi những giống cá có năng suất, chất lượng cao, giảm giống cá truyền thống.

Bởi vậy, cá chất lượng hiện chiếm 80% cơ cấu giống cá nuôi.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, thủy sản là một trong những mũi nhọn của phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Huyện đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hằng năm là 6% - 7%.

Để đạt chỉ tiêu này, huyện tiếp tục quy hoạch và hỗ trợ nhân rộng các làng thủy sản, liên kết với cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung tâm giống thủy sản trong, ngoài tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật và chuẩn hóa giống cá nuôi.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hai năm gần đây, huyện Tân Yên luôn đứng đầu về sản lượng thủy sản trong toàn tỉnh. Việc mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm đang là hướng đi đúng để tăng thu nhập cho hộ dân.


Related news

Phá Bỏ Hàng Loạt Vườn Cao Su Phá Bỏ Hàng Loạt Vườn Cao Su

Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Đông đến miền Trung, người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác do giá mủ cao su giảm mạnh.

Friday. June 13th, 2014
Thanh Long Nóng Giá, Nóng Điện Thanh Long Nóng Giá, Nóng Điện

Chưa có thanh long chính vụ nào lại được giá cao như thế, như năm ngoái được đánh giá là cao nhất mọi năm cũng dừng ở 18 ngàn đồng/kg. Dù vậy, dân trồng thanh long lại đang lo. Có người phân tích, vì thanh long đang bị nấm trắng, vì để dưỡng sức cho dây nên đợt trái này, trước đó mới ra búp nhiều chủ vườn đã lặt bỏ để bảo vệ cây.

Saturday. July 5th, 2014
Nông Dân Bị Ép Giá Vì Thiếu... Cầu Nông Dân Bị Ép Giá Vì Thiếu... Cầu

Chỉ cách quốc lộ 20 chưa đầy 20 km, tốn phí qua phà đối với vận chuyển hàng hóa nông sản ra và ngược lại vận chuyển vào vật tư nông nghiệp phân bón thuốc bảo vệ thực vật, lý ra, hàng nông sản của nông dân Thanh Sơn bán giá phải cao hơn để bù đắp chi phí. Thế nhưng, ngược lại, hàng nông sản của họ bị ép giá thấp hơn mức bình thường 10 đến 15%.

Saturday. July 5th, 2014
Nhiều Lúc Ta Tự Dìm Hàng Mình Nhiều Lúc Ta Tự Dìm Hàng Mình

Tôi cho rằng đó là vấn đề tư tưởng. Nông dân ta vốn cần cù, chịu khó nhưng tư tưởng nhiều người còn thủ cựu, còn bị kìm hãm. Họ bảo thủ nên khi vận động để làm lợi cho họ mà có khi không làm hoặc làm nhưng ẩu. Làm cho chính mình, có người hướng dẫn ở đó thì đúng nhưng không có là làm sai. Làm cho chính mình nhưng có hỗ trợ mới tích cực còn không thì qua loa, đại khái.

Friday. June 13th, 2014
Khuyến Cáo Không Nên Nhổ Bỏ Hàng Trăm Hécta Ớt Khuyến Cáo Không Nên Nhổ Bỏ Hàng Trăm Hécta Ớt

Ngoài ra, nông dân không nên mở rộng diện tích trồng ớt tràn lan, tránh việc bị ép giá. Trước đó, giá ớt chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg thay vì gần 30.000 đồng/kg, khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải phá bỏ vườn ớt đang thu hoạch.

Saturday. July 5th, 2014