Nuôi Sò Huyết - Làm Chơi, Ăn Thiệt Ở Hòa Bình (Bạc Liêu)
Hàng loạt hộ dân vùng ven biển huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) tận dụng lòng kênh xáng nội đồng để nuôi sò huyết. Cách làm mới lạ này đã giúp nhiều hộ kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi…
Đi đầu trong phong trào nuôi sò huyết dưới kênh xáng nội đồng ở Hòa Bình là bà con nông dân ven biển xã Vĩnh Hậu A. Theo ông Trần Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, nông dân xã Vĩnh Hậu A manh nha nuôi sò huyết trong vuông tôm sú quảng canh hơn chục năm qua nhưng kiểu nuôi ngoài kênh xáng chỉ phát triển trong nhưng năm gần đây khi diện tích nuôi quảng canh bị thu hẹp, nhường chỗ cho mô hình nuôi tôm công nghiệp. Ông Trung cho biết: "Nhiều hộ tận dụng mặt nước bãi bồi ngoài kênh xáng nuôi sò huyết tạo thêm nguồn thu, tái sản xuất cho con tôm".
Từ vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, Vĩnh Hậu A có 24 hộ nuôi sò huyết dưới kênh nội đồng với tổng chiều dài hơn 11 km, tập trung nhiều nhất ở tuyến kênh xáng dọc ấp 12. Hộ anh Nguyễn Văn Dũng (ấp 12), nối tiếp thành công ở những vụ nuôi trước, vụ sò huyết năm 2012, anh Dũng đầu tư gần 300 triệu đồng thả sò huyết giống dưới kênh xáng với tổng chiều dài 850m. Sau hơn 3 tháng nuôi, gia đình anh Dũng vừa thu hoạch "sò lở" để bán sò huyết giống cho bà con trong vùng. Anh Dũng cho biết: "Chưa tính số sò huyết chừa lại để nuôi thương phẩm, chỉ tính riêng tiền bán giống anh đã gỡ được vốn, còn lời gần 200 triệu đồng".
Là người duy trì cách nuôi sò huyết ngoài kênh xáng khoảng 7 năm qua nên anh Dũng có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi. Theo anh Dũng, với đoạn kênh khoảng 100m, hộ nuôi đầu tư trung bình khoảng 40 triệu đồng thả khoảng 800.000 sò huyết giống. Theo kinh nghiệm của anh Dũng, tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi thường khoảng 40% (loại sò huyết 10.000 con/kg; còn sò giống lớn hơn tỷ lệ hao hụt càng thấp); thời điểm thả giống thuận lợi phải trước tháng 7 âm lịch hàng năm vì cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch thường có nước ngọt về, nếu thả sò giống lúc này tỷ lệ hao hụt rất lớn. Anh Dũng chia sẻ: "Sò huyết nuôi thương phẩm thường kéo dài từ 10 - 12 tháng, năng suất khoảng 2,5 - 3 tấn/100m chiều dài con kênh. Với giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, hộ nuôi còn lãi từ 35 - 50 triệu đồng".
Ông Trần Minh Trung cho biết: Nhờ tận dụng tốt mặt nước ngoài kênh xáng nuôi sò huyết mà một số hộ trước đây khó khăn giờ đã khấm khá. Ban đầu bà con không đủ vốn nên vài hộ hùn hạp thả nuôi, thay nhau canh chừng. Về sau làm hiệu quả, có tiền nên tách ra làm riêng. Vụ mùa năm 2012 này, phần lớn các hộ đã xuống giống, sò phát triển tốt, dự kiến thời điểm này năm sau sẽ thu hoạch, thời gian kéo dài có thể cận Tết Nguyên đán.
Vụ tôm sú năm 2012, Vĩnh Hậu A là một trong những xã có phần lớn diện tích nuôi bị thiệt hại nặng. Để tạo thêm nguồn thu, một số hộ mua sò huyết giống thả vào vuông tôm. Như trường hợp của bà Chau Thị Sáng, ở ấp 12. Trong số 10 ha đất nuôi tôm quảng canh, vụ mùa 2012 bà đã đầu tư 60 triệu đồng mua sò huyết giống thả vào khu nuôi khoảng 6 ha của gia đình. Hiện sò huyết được khoảng 3 tháng tuổi, đang trên đà phát triển tốt, lớn nhanh. Bà Sáng cho biết: "Theo kinh nghiệm của mấy người nuôi trước thì thả sò huyết trong vuông nuôi tôm tỷ lệ hao hụt thấp hơn so với nuôi trong kênh, chi phí đầu tư ít, sinh lợi nhiều hơn. Ngoài ra, sò huyết không bị bệnh như con tôm sú. Nhưng vuông thả sò huyết thì không thể thả cua biển, vì cua sẽ ăn hết sò".
Do sò huyết chưa sinh sản nhân tạo được nên phần lớn nguồn giống cung ứng cho người nuôi chủ yếu nhờ vào con giống tự nhiên (khai thác từ bãi bồi ven biển). Năm nay, số lượng sò huyết giống tự nhiên nhiều hơn nên nguồn giống không khan hiếm, giá cả ổn định. Đây cũng là tiền đề cho một vụ nuôi thuận lợi, thành công của người nuôi sò huyết Vĩnh Hậu A cũng như một số xã ven biển của huyện Hòa Bình.
Related news
Bên cạnh cái lợi là tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân thì nuôi trồng thủy hải sản trên cát lại tiềm ẩn không ít hiểm họa. Đó là môi trường xung quanh ao nuôi bị ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh, thất thu…
Tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các vùng nuôi tôm của Quảng Ngãi đang được các thương lái nước ngoài đến thu mua và đẩy giá lên cao khiến nhiều người dân đổ xô làm hồ nuôi tôm. Hồ tôm “mọc” lên trong vườn nhà, thậm chí có hộ dỡ nhà lấy mặt bằng làm hồ tôm khiến nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm.
Quảng Trị có thế mạnh phát triển đàn bò thịt không chỉ ở quy mô nông hộ nuôi dưới 10 con mà còn phát triển thành trang trại lớn để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Hiện tại nguồn bò thịt ở địa phương này không đủ cung cấp cho thị trường.
Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, ảnh hưởng đến chăn nuôi và trồng trọt. Để giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.
“Thơm, ngon, ngọt, mềm” là những từ thường được người tiêu dùng dành cho món thịt bò A Lưới. Bất cứ ai có dịp lên A Lưới đều không quên mang vài kg thịt bò về để ăn hoặc làm quà tặng bà con, bạn bè.