Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Rắn Hổ Hèo Trong Hộc Tủ

Nuôi Rắn Hổ Hèo Trong Hộc Tủ
Publish date: Wednesday. January 2nd, 2013

Vào nhà ông Trần Văn Lèo (60 tuổi), khóm 2, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) chỗ nào cũng tủ lớn nhiều hộc. Thoạt đầu, không hiểu tại sao gia đình ông lại sử dụng nhiều tủ, dạng tủ lưu giữ hồ sơ ở các cơ quan, như vậy? Nhưng có ngờ đâu, mỗi hộc tủ là “khung trời” sinh sống của một con rắn hổ hèo.

Từ nghề thu mua động vật hoang dã

Ông Năm Lèo (biệt danh ở xóm) thực hiện mô hình nuôi rắn hổ hèo (còn gọi rắn gáo trâu) độc đáo này từ tháng 7/2010. Lượng rắn ông nuôi thử ban đầu chỉ đếm trên đầu ngón tay; nhưng sau một năm phát triển, ông Lèo đã có trên 500 con rắn thịt, 300 con rắn cái cho đẻ. Mỗi năm doanh thu từ tiền bán rắn thịt và rắn con cũng khoảng nửa tỷ đồng.

Theo ông Lèo: “Ở Tri Tôn khoảng vài chục năm trước, các loại đặc sản như ba ba, rùa, rắn, chim trời… nhiều vô số kể. Người dân đi đồng bắt được, nhiều quá ăn không hết mang đi bán với giá rất rẻ. Trong lúc đó, những lần ông đi TP.HCM hoặc ngay tại các thành phố đô thị của các tỉnh ĐBSCL, như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… khi vào các nhà hàng, quán ăn, khách hàng gọi các loại đặc sản này phải trả một giá rất đắt.

Thấy có sự chênh lệch cao về giá cả, ông Lèo nhẩm tính thấy lời nên bàn với vợ con chuyển đổi nghề trồng lúa sang thu mua động vật hoang dã bán cho các mối lái các tỉnh ĐBSCL và TPHCM. Ông Lèo kể lại: “Mấy năm trước tui đã đăng ký kinh doanh nên mới có được giấy phép mua bán các loại đặc sản này chứ! Ban đầu vốn liếng ít nên chỉ mua bán nhỏ. Dần dà có chút vốn liếng nên mình mua nhiều hơn”.

Hiện tại, cơ sở ông Lèo chuyên thu mua các loại rắn, rùa, ba ba, gà nước, ốc cao (loại chim nhỏ) với đủ mức giá cả. Riêng về rắn, giá thấp nhất 50.000 đ/kg với rắn trung, rắn hổ ngựa, đến 400.000 - 500.000 đ/kg như rắn hổ đất, ri voi. Rùa, ba ba cũng cũng có nhiều giá, nhưng thấp nhất cũng từ 100.000 - 300.000 đồng/kg.

Theo ông Lèo, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông thu mua các loại động vật trên dưới 3 tấn. Sau khi kết thúc buổi thu mua, ông cho người nhà phân loại theo trọng lượng của từng loài và chờ các thương lái đến cân. Con nào nhỏ, quý hiếm thì ông thả vào bể, vào hộc nuôi lại.

Nói về cái duyên với nghề nuôi rắn hổ hèo, ông Năm Lèo trần tình: “Cũng nhờ thằng con nó đi ra tỉnh Bình Thuận chơi, thấy bạn của nó nuôi rắn trong hộc tủ làm bằng gỗ cũng lạ và hiệu quả nên nó dẫn tui ra tận đó để học hỏi. Sau khi tìm hiểu rõ về cách nuôi, tui đã tận dụng con giống từ việc thu mua rắn của bà con tiến hành nuôi thử. Thấy việc nuôi đạt và phát triển tốt tui chuyển nghề luôn tới giờ”.

Ban đầu ông Năm Lèo chỉ nuôi thử nghiệm trên chục con rắn hổ hèo. Thấy quen và thấy có hiệu quả nên ông đóng thêm 30 cái tủ nữa để nuôi nhân rộng thêm 500 con. Sau hơn 8 tháng nuôi, đàn rắn của ông có trọng lượng trung bình từ 800 gr - 1,5 kg. Ngoài ra, ông Lèo còn sở hữu 300 con rắn cái chuyên cho đẻ và ông cũng đang cho ấp 2.000 trứng rắn. Ông Lèo cho biết, khoảng 30 - 50 ngày nữa là ông đã có trên 1.000 rắn con.

Được biết, rắn hổ hèo bán thịt chia thành 3 loại: Loại 1 rắn có trọng lượng từ 1,2 kg trở lên, có giá 700.000 đ/kg; loại 2 có trọng lượng từ 700 gr - 1,2 kg có giá 600.000 đ/kg; loại 3 có trọng lượng từ 700 gr trở xuống giá 450.000 đ/kg. Nếu tính đàn rắn của ông Lèo trung bình mỗi con 1 kg thì ông cũng có 500 kg rắn thịt. Với giá bán 600.000 đ/kg như hiện nay, ông Lèo nắm chắc thu hoạch mỗi vụ khoảng 150 triệu đồng.

Do loài rắn hổ hèo dễ nuôi, mau lớn nên người dân ĐBSCL đã ào ạt nuôi, con giống trở nên đắt đỏ. Ông Lèo cho biết, tại cơ sở của ông bán 1 con rắn hổ hèo 3 ngày tuổi với giá 270.000 đ mà không có đủ để bán. Bởi vậy trong đợt rắn nuôi thịt này ông tiếp tục chọn thêm từ 50 - 100 con rắn cái khỏe mạnh nữa để nuôi cho đẻ.

Trong căn nhà rộng khoảng 400 m2 của ông Lèo, đâu đâu cũng có những cái tủ bằng gỗ được dựng sát vách tường. Mỗi cái tủ có chiều dài từ 2 - 4m, mặt sau được đóng kính, mặt trước ông chia ra thành nhiều hộc nhỏ. Mỗi hộc tủ có diện tích như nhau, chiều ngang 30cm, chiều dài (chiều sâu) 50 cm, có cánh cửa mở, đóng đàng hoàng. Tính hết các tủ ở đây thì có trên 1.000 hộc. Nhưng ông Lèo chỉ sử dụng 500 hộc tủ để nuôi rắn; 500 hộc tủ còn lại là “nhà dự bị” của đàn rắn khi thực hiện việc vệ sinh chuồng trại.

Ngoài ra, để rắn không bị trầy sước (khi rắn lột da) do va chạm với mặt gỗ nên mỗi hộc tủ, ông lót một tấm thảm (loại dùng để lau chân). Sau 3 - 4 ngày, mang tấm thảm đó ra giặt giũ, phơi khô, chờ ngày sử dụng tiếp.

Nói về tính hiệu quả của cách nuôi độc đáo này, ông Lèo cho biết: “Nuôi theo mô hình này tuy tốn kém hơn cách nuôi trong bể, nhưng được cái là mình tiết kiệm được diện tích và có thể nuôi ngay trong nhà ở của mình. Cái tiện lợi thứ 2 là con nào bỏ ăn (thức ăn của rắn là con nhái còn sống) hay bệnh là mình nhận biết ngay do mỗi con một hộc tủ, không lẫn lộn với con khác. Vì cách nuôi này mà tỉ lệ hao hụt giảm nhiều, người nuôi có lời là chỗ đó”.

Trao đổi về mô hình nuôi rắn hổ hèo có một không hai của ông Lèo, ThS Trần Văn Mì, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn nhận định: “Bấy lâu nay, chúng ta chỉ nghe nói đến việc nuôi rắn trong bể, trong ao hoặc thả vườn…, chứ chưa nghe nói đến việc nuôi rắn trong hộc tủ. Bởi vậy, mô hình nuôi rắn trong tủ của ông Lèo được xem là mô hình đầu tiên ở ĐBSCL. Tuy nhiên, về hiệu quả thực tế của mô hình này như thế nào thì phòng sẽ tiếp tục theo dõi để có đánh giá xác thực trước khi nhân rộng cho bà con nông dân nuôi”.

Khắp các tỉnh ĐBSCL, chưa có một người nào dám thực hiện mô hình nuôi rắn trong hộc tủ như ông Năm Lèo. Bởi vậy, người dân địa phương và những người bắt đầu học nghề nuôi rắn ở ĐBSCL vừa cảm phục, vừa tôn ông Năm Lèo là “vua” rắn hổ hèo cũng quả xứng danh!

Ông Huỳnh Hiệp Thành, GĐ Trung tâm Khuyến nông An Giang: Tạo cho rắn thân thiện với con người

Phong trào nuôi rắn hổ hèo (còn gọi rắn song xưa, ráo trâu) dạng nông hộ, gia đình ở An Giang phát triển rất mạnh qua nhiều năm, tập trung chủ yếu ở các huyện như An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu. Đây là mô hình mới và hiệu quả cao ở An Giang, không tốn diện tích nhiều, đầu tư không cao, rất nhàn so với nuôi con vật khác và đặc biệt nguồn thức ăn dễ tìm như cóc, nhái, chuột… Đây còn là vật nuôi ít dịch bệnh, sống khỏe, mau lớn; trong vòng một năm có thể xuất bán, lại có giá trị thương phẩm cao.

Trước đây, nhiều người dân đi bắt rắn hoang dã về nuôi để bán không những vi phạm Luật Bảo tồn động vật hoang dã, mà hiệu quả kinh tế cũng thấp, do rắn hoảng sợ, giảm sức khỏe, tổn thương khi bị đuổi bắt; do vậy, rắn cũng chậm lớn, lại thất thoát cao. Thông qua mô hình nuôi rắn sinh sản này, người dân không còn bắt rắn con ngoài tự nhiên đem về nuôi, mà người nuôi tự nhân giống, chuyển giao kỹ thuật và bán giống cho người sau.

Nghề nuôi rắn đã làm cho nhiều hộ chuyển sang bắt chuột để bán làm giảm đáng kể nạn “giặc chuột” phá hoại mùa màng tại địa phương, đồng thời đây lại là biện pháp giúp người dân có thêm nguồn thu nhập trong lúc nông nhàn.

Nếu như trước đây với đa số người dân, rắn là nỗi sợ hãi thì hiện nay thông qua việc nuôi rắn, chúng được xem như những người bạn trong mỗi gia đình. Với việc nuôi rắn trong chuồng, tiếp xúc với rắn hàng ngày tạo cho rắn thân thiện với con người.

Có thể nói, rắn đối với người dân rất quan trọng, bởi vì ngoài giá trị làm thuốc để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe, rắn còn có giá trị kinh tế đem lại nguồn thu nhập cao, tạo công ăn việc làm cho họ. Hiện tại ở An Giang có khoảng 100 hộ nuôi rắn giống và rắn thương phẩm đang cho thu nhập khá ổn định. Sắp tới khuyến nông An Giang đang phát động và khuyến khích người dân phát triển.

Về lâu dài, người nuôi rắn cần phải gắn kết với cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp, từ đó có những biện pháp giúp cho các hộ nuôi nắm rõ về kỹ thuật, các quy định khi nuôi đối tượng này vì rắn hổ hèo thuộc động vật hoang dã, khi nuôi phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm.

Cũng như cần nắm bắt việc cung cầu thị trường để tránh cung vượt cầu gây thiệt hại cho các hộ nuôi. Hiện nay, thị trường tiêu thụ rắn rất phong phú và đa dạng. Rắn thương phẩm đang được cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn trong nước và một phần phục vụ cho xuất khẩu.


Related news

Cam Thuỷ (Lệ Thủy - Quảng Bình) Nhiều Gia Trại Thu Nhập Cao Từ Chăn Nuôi Cam Thuỷ (Lệ Thủy - Quảng Bình) Nhiều Gia Trại Thu Nhập Cao Từ Chăn Nuôi

Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...

Monday. September 22nd, 2014
Thanh Hóa Giúp Bà Con Chăn Nuôi Gà Thịt Thả Vườn An Toàn Dịch Bệnh Thanh Hóa Giúp Bà Con Chăn Nuôi Gà Thịt Thả Vườn An Toàn Dịch Bệnh

Người dân xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thường nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây, gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, dẫn đến hiệu quả thấp.

Monday. September 22nd, 2014
Tiêu Hủy Ổ Dịch Cúm Gia Cầm H5N6 Ở Quảng Ngãi Tiêu Hủy Ổ Dịch Cúm Gia Cầm H5N6 Ở Quảng Ngãi

Đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 thứ 4 xảy ra trên đàn vịt tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch cúm A (H5N6) lây sang người.

Monday. September 22nd, 2014
Cải Tạo Đàn Bò Bằng Giống Bò Brahman Cải Tạo Đàn Bò Bằng Giống Bò Brahman

Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.

Monday. September 22nd, 2014
Đánh Giá Hiệu Quả Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Balasa N01 Trong Chăn Nuôi Heo Đánh Giá Hiệu Quả Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Balasa N01 Trong Chăn Nuôi Heo

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 85% chi phí thức ăn, 30% chi phí làm đệm lót sinh học. Qua hơn 2 tháng triển khai mô hình, hiện 53 con heo nuôi tại hộ ông Ngô Kim Sơn trên diện tích chuồng 70m2 đang phát triển tốt. Còn 22 con heo nuôi theo mô hình tại hộ bà Đoàn Thị Kim Khuê đã xuất chuồng với tổng trọng lượng hơn 1,8 tấn heo hơi (bình quân 84kg/con). Với giá bán 48.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 15 triệu đồng.

Monday. September 22nd, 2014