Nuôi Lươn, Trạch - Làm Dễ Mà Lãi Cao

Về thôn Đức Long 3, xã An Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) hỏi anh Lê Văn Phương nuôi lươn, trạch thì ai cũng biết. Nổi tiếng như vậy vì anh là người đầu tiên khởi xướng nghề nuôi lươn, trạch ở xã An Nông và là người trong xã có thu nhập cao từ nghề này.
Anh Phương tâm sự, trước đây anh chỉ nuôi ếch. Nuôi một thời gian, thấy hiệu quả không còn cao, anh quyết định giảm số lượng ếch để chuyển sang nuôi trạch. Theo anh Phương, nuôi trạch không khó, không cần nhiều diện tích. Thức ăn của trạch lúc nhỏ là cám công nghiệp, khi chúng lớn có thể tận dụng những cây cỏ có sẵn hoặc các loại sinh vật phù du trong môi trường nước để nuôi.
Đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc nhưng trạch phát triển nhanh, hầu như không gặp dịch bệnh. Điều cần chú ý, trạch không chịu được nhiệt độ cao, nhiệt độ ao nuôi từ 28-30 độ là tốt nhất. Lúc đầu anh nuôi thử nghiệm với số lượng ít trên diện tích hơn 500m2 ao. Từ tiền bán trạch, anh đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi. Hiện, mỗi năm anh Phương thu 1 tấn trạch thương phẩm, trừ chi phí còn lãi 50-70 triệu đồng/năm.
Cùng với nuôi trạch, anh còn nuôi lươn thịt và lươn giống. “Nuôi lươn khó hơn nuôi trạch vì thức ăn chủ yếu của chúng là đồ tươi sống nên tôi nuôi một ao cá nhỏ để đảm bảo cung cấp đầy đủ thức ăn cho chúng” - anh Phương cho hay. Mỗi năm anh thu 5 - 7 tạ lươn thịt, bán với giá 150.000 đồng/kg. Còn lươn giống, anh bán khoảng 80.000 con/năm.
Anh Phương cho biết, trừ hết chi phí, tổng thu nhập từ trạch và lươn mỗi năm của gia đình anh khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ bán ở thị trường trong nước, lươn, trạch của anh còn xuất bán qua Trung Quốc. Tháng 5.2013, anh đã đấu thầu 0,5ha diện tích đất của xã để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Bà con muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi trạch, lươn hoặc muốn mua con giống, liên hệ với anh Phương, số điện thoại: 01656.469.692.
Related news

Nước Mỹ đã “mở cửa” để vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vào thị trường là tín hiệu vui với những người trồng vải. Hiện nay, ngành chức năng và người dân vùng vải đang tập trung chăm sóc vải thiều, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Mỹ vốn khắt khe và khó tính.

Hiện tại, tổng diện tích cây thanh long của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hơn 19 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, năm 2014, Hội Nông dân (HND) xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vận động cán bộ, hội viên và nhân dân trồng chuối già cấy mô. Qua gần 1 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích đất canh tác.

Từ đầu tháng 3 đến nay nắng hạn đến sớm khiến đất trong các nhà vườn trở nên khô khốc, cây trồng thiếu nước. Theo nhận định của bà con nông dân, nắng hạn sẽ làm cho nhà vườn giảm năng suất trái cây mùa hè này và ảnh hưởng đến năng suất một số cây công nghiệp cho thu hoạch trong mùa khô.

Những giống cam nổi tiếng xứ Bắc như: cam sành Bố Hạ, cam Đường Canh, quýt vàng Lạng Sơn… đã đem về quả ngọt cho người dân Sơn Lang khi chỉ với hơn 600 gốc cam, mỗi năm đem về cho chủ nhân bạc tỷ.