Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Hàu Thiếu Quy Hoạch Đe Dọa Vịnh Lăng Cô

Nuôi Hàu Thiếu Quy Hoạch Đe Dọa Vịnh Lăng Cô
Publish date: Monday. February 24th, 2014

Vịnh Lăng Cô (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế), một trong những vịnh đẹp thế giới vừa giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm vì khói bụi từ các lò vôi hàu, nay đứng trước nỗi lo khác là mất dần vẻ đẹp và có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vì tình trạng nuôi hàu ồ ạt, không có quy hoạch.

Mạnh ai nấy nuôi

Vịnh đẹp Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Nơi đây, có đầm Lập An rộng 1.600ha được xem là một bức tranh thiên nhiên đẹp và cũng là nơi giúp cho nhiều người dân trong vùng ổn định cuộc sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản.

Do địa chất, nguồn nước ở đầm Lập An nên con hàu rất thích nghi, phát triển tốt. Ngày trước, hễ cắm cọc tre, cọc gỗ xuống đầm là hàu đeo bám sống. Từ năm 2000, người dân chú trọng đến việc nuôi hàu trên đầm và trở thành một nghề mang lại nguồn thu đáng kể, ổn định đời sống của nhiều người dân quanh đầm. Ông Hoàng Tiếp ở thôn Loan Lý cho biết, nuôi hàu ở đầm Lập An là nghề làm chơi nhưng ăn thiệt.

Chi phí ít, chỉ cắm cọc tre, cọc gỗ ở đầm sau một thời gian ngắn đã thu hoạch được hàu. Gia đình ông vốn là buôn bán nhỏ ở mặt đường QL1A, nhưng vào dịp đầu năm tranh thủ cắm vài trăm cọc tre, cọc gỗ ở đầm để kiếm bạc. Ông nhẩm tính, việc cắm 500 cọc tre ở đầm, mỗi năm bình quân thu 4 tấn hàu. Tùy giá lên xuống từng thời điểm, nhưng bình quân mỗi năm, ông thu khoảng 40-50 triệu đồng (khấu trừ chi phí không đáng kể).

Chính từ hiệu quả đó, bà con trong vùng đều chiếm dụng mặt nước trên đầm Lập An để nuôi hàu. Người nhanh nuôi trước thì sở hữu diện tích mặt đầm lớn, người chậm nuôi sau thì diện tích nuôi nhỏ hơn, không có sự phân chia cũng như quy hoạch rõ ràng từ chính quyền địa phương.

Bây giờ, đứng bên QL1A nhìn ra đầm Lập An chỉ thấy cọc tre, cọc gỗ cắm chằng chịt. Chạy dọc theo đường Tố Tâm hay phía tây quanh đầm Lập An sẽ thấy dây lưới, cọc tre, cọc gỗ, lốp xe giăng mắc lộn xộn dày đặc. Thực tế, khi nhìn bức tranh chung cảnh quang của vịnh Lăng Cô không còn nguyên sơ, đẹp trong xanh như trước, bởi do cảnh nhếch nhác của đầm Lập An.

Đầm Lập An “chết” dần

Những năm trước, nuôi hàu chủ yếu bằng cọc tre, gỗ cắm xuống mặt nước cho hàu bám vào. Cách nuôi đó làm cọc mau hư, không giữ được lâu. Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân “phát hiện” ra lốp xe (hàu không ăn được, nước không làm lốp xe bị hỏng) nên đổ xô đi dùng lốp xe cũ để nuôi hàu.

Đến thời điểm này, hơn 200 hộ dân trong khu vực nuôi hàu bằng lốp xe, bình quân mỗi hộ cắm khoảng 3-5 nghìn lốp. Ông Hoàng Tiếp nói, kể từ ngày bà con ồ ạt nuôi hàu bằng lốp xe, sản lượng thu hoạch hàu cuối vụ giảm đáng kể.

Chính nguồn thu từ hàu hai năm gần đây của gia đình ông cũng giảm đi hơn 50% so với thời gian trước. Không riêng gia đình ông mà nhiều bà con trong khu vực cũng bị mất trắng vì trường hợp hàu chết non trong giai đoạn đầu. Với tình trạng đó, nhiều hộ không thu hoạch cứ để cọc, lốp xe ngâm dưới đầm năm này sang năm khác.

Theo chúng tôi tìm hiểu, nhiều người dân ở đây cho rằng, việc ngâm lốp xe lâu ngày dễ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thuỷ hải sản sống ở đầm Lập An cũng như cảnh quan của vịnh Lăng Cô. Thế nhưng, do hộ này làm được, hộ khác làm theo không ai ngăn cấm, dẫn đến làm mất cảnh quan, ảnh hưởng đến giao thông thủy nội vùng.

Ông Hoàng Văn Dũng, ngư dân thôn An Cư Tây nói: “Cho đến nay, vẫn chưa có đánh giá cụ thể nào về tác động của việc sử dụng lốp xe nuôi hàu ở đầm Lập An ảnh hưởng đến môi trường nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ điều đó là nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước làm hàu chết và mong các ban ngành chức năng cấp trên xem xét kiểm tra để chính quyền có cơ sở giải quyết xử lý”.

Ông Trần Đình Vui, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho rằng, hiện nay chính quyền địa phương đã có phương án quy hoạch, sắp xếp lại việc nuôi hàu trên đầm Lập An, nhằm lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trong khu vực theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo cảnh quanh môi trường vịnh Lăng Cô. Tuy nhiên, thực tế chính quyền địa phương rất lúng túng, bởi kinh phí hạn hẹp nên đến thời điểm này vẫn chưa đẩy nhanh tiến độ.

“Để trả lại cảnh quan môi trường du lịch của vịnh đẹp Lăng Cô nhất thiết chúng tôi phải sớm vào cuộc. Thế nhưng, thực tế này rất mong các ngành các cấp quan tâm hỗ trợ cho chính quyền địa phương bởi khi triển khai đề án đặt ra nhiều vấn đề như hỗ trợ, bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân lâu đã gắn bó với nghề nuôi hàu từ đời này qua đời khác...”. Ông Vui nói.

Phương án tháo dỡ sắp xếp lại cọc trên đầm Lập An của UBND thị trấn Lăng thực hiện 1.278 triệu đồng, do UBND huyện Phú Lộc cấp. Hiện tại, đã thống kê có khoảng 244 hộ nuôi hàu với 142.440 cọc tre, gỗ và hơn 1.007.150 lốp xe chiếm khoảng 239ha mặt nước đầm.

Chưa kể các loại đáy rớ, ngư lưới cụ đang nuôi trồng đánh bắt trên đầm. Việc tháo dỡ, sắp xếp trên đầm Lập An tại các vùng mũi Rạng Đình, mũi Cửa Khẩu, vịnh Loan Lý, An Cư Tân, An Cư Đông, Mũi Chùa, An Cư Tây và sắp xếp lại từ mũi Đình Rạng đến Hói Dừa sau đó phân cụm hoặc phân thành nhóm để sản xuất chung theo tiêu chí: - vùng nuôi có độ sâu trung bình 2m, cách bờ từ 50m và phát triển ra tối đa không quá 200 mét; mỗi cụm có quy mô 200-400m2 và cụm cách cụm tối thiếu 15-20m; phải để luồng lạch đi lại cho tàu thuyền ra vào bờ tối thiểu từ 50m trở lên; đồng thời không bố trí vùng có khe suối nước ngọt, nước thải và các vùng trao đổi nước kém có năng suất sản lượng thấp.


Related news

Thành Triệu Phú Nhờ Nuôi Ếch Thành Triệu Phú Nhờ Nuôi Ếch

Hiện nay, ở các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Tiền Giang... một số hộ đi tiên phong và đã thành công khi chọn nghề nuôi ếch giống Thái-lan để tăng thu nhập gia đình. Ðây là mô hình khá phù hợp với những nông dân ít đất sản xuất, thời gian nuôi ngắn nên đồng vốn xoay vòng nhanh và có thể kết hợp thả cá trong ao.

Thursday. April 17th, 2014
3 Tháng Đầu Năm Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản Giảm 3 Tháng Đầu Năm Sản Lượng Nuôi Trồng Thủy Sản Giảm

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3 của cả nước ước đạt 176 ngàn tấn, tăng 0,3% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 499 ngàn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ.

Thursday. April 17th, 2014
Tàu Đầy Cá, Ngư Dân Vẫn Lỗ Tàu Đầy Cá, Ngư Dân Vẫn Lỗ

“Tôi phải năn nỉ mãi, bên thu mua mới tăng thêm 200 đồng/kg cá sơn. Vậy mà chuyến biển vẫn lỗ gần 30 triệu đồng”, anh Nguyễn Út (ngụ Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), chủ tàu giã cào đôi QNg 947… TS than thở khi vừa bán xong hai tàu cá tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Thursday. April 17th, 2014
Nuôi Tôm Càng Xanh Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Tôm Càng Xanh Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Cao Lãnh cho biết, toàn huyện hiện có 124ha nuôi tôm, sản lượng thu hoạch 234 tấn, năng suất khoảng 1,8 tấn/ha. Riêng xã Nhị Mỹ có tổng điện tích 118ha, sản xuất 2 năm 3 vụ. Được sự hướng dẫn của các ngành chuyên môn, vụ tôm hiện tại đạt năng suất đạt khoảng 1,8 tấn/ha, lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa”.

Thursday. April 17th, 2014
Vụ Cá Nuôi Lồng Bè Chết Ở Sông Trà Khúc Do Vi Khuẩn Aeromonas Sobria Vụ Cá Nuôi Lồng Bè Chết Ở Sông Trà Khúc Do Vi Khuẩn Aeromonas Sobria

Theo kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng IV, nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt thời gian qua của các hộ nuôi lồng bè trên sông Trà Khúc ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) là do vi khuẩn gây bệnh đóm đỏ và hội chứng lở loét Aeromonas Sobria.

Thursday. April 17th, 2014