Cà phê mất mùa, mất giá

Ông Nguyễn Văn Viên (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) có 2ha cà phê, hiện đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích.
“Năm nay, cà phê có nước tưới của gia đình tôi chỉ được khoảng 2/3 diện tích, còn lại bị thiệt hại do nắng hạn.
Vì thế, dự kiến sản lượng chỉ đạt hơn 8 tấn, thấp hơn các năm trước 2 - 3 tấn”, ông nói.
Theo ông Viên, tuy mất mùa nhưng năng suất cà phê của gia đình ông cao hơn nhiều so với các hộ khác ở địa phương (khoảng 2,5 - 3 tấn nhân/ha).
Bởi ngoài việc đầu tư bài bản, giống cà phê ông trồng là giống cao sản, được trồng cách đây 6 năm nên toàn bộ diện tích đang đạt kỳ cao điểm thu hoạch.
Theo tính toán của ông, với hơn 8 tấn hạt thu được, giá bán ở mức 31.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình ông chỉ thu được khoảng 240 triệu đồng, thất thu gần 100 triệu đồng so với những năm trước.
Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình, toàn xã có hơn 135ha cà phê, trong đó 115ha đã cho thu hoạch.
Năm nay, nắng hạn kéo dài nên có khoảng 30ha không đảm bảo nước tưới, 85ha tuy có nước tưới nhưng vẫn bị giảm năng suất, chất lượng.
“Dự kiến, năng suất cà phê tại Sơn Bình năm nay chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, giảm khoảng 0,5 - 1 tấn so với những năm trước.
Không chỉ năng suất thấp, hiện giá cà phê giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước”, ông Quang nói.
Được biết, ông Quang cũng trồng cà phê với 700 gốc trên diện tích 0,7ha.
Tính ra, với giá bán cà phê năm nay, ông chỉ thu được hơn 40 triệu đồng, thất thu hơn 15 triệu đồng.
Trong khi đó, xã Sơn Hiệp có gần 65ha cà phê, do nắng hạn nên khoảng 5ha trên địa bàn bị chết; phần diện tích còn lại tuy chủ động được nguồn nước tưới nhưng quả nhỏ, cây chậm phát triển.
Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Bao giờ cũng vậy, cà phê vào chính vụ thu hoạch giá đều xuống thấp, bởi thời điểm này lượng cà phê trong các hộ dân rất nhiều, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang thu hoạch rộ cà phê”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, toàn huyện có gần 600ha cà phê, trong đó phần lớn diện tích đang cho thu hoạch.
Năm nay, nắng hạn đã khiến một số diện tích cà phê trên địa bàn bị ảnh hưởng, chủ yếu là do cây mất sức, cho quả nhỏ, chậm phát triển.
Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn là giống cũ, già cỗi (chiếm 70%) nên năng suất đạt thấp.
Hiện nay, giá cà phê trên địa bàn huyện đang xuống thấp, chủ yếu do biến động chung của giá cà phê trong nước chứ không có chuyện nông dân bị ép giá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do cà phê năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh nên không ít hộ dân ở Khánh Sơn đang tính chuyện bỏ bớt diện tích cà phê để chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc tiêu.
“Huyện đã có định hướng, khuyến khích nông dân chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê giống cũ, năng suất thấp để thay thế bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn.
Cùng với đó, chú trọng việc thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cà phê.
Ngoài ra, địa phương đang khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích trồng cà phê không phù hợp sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Hiếu nói.
Related news

Kiểm soát độc quyền, nâng cao cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ là những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (18/11), tại Hà Nội.

Gia đình ông Vũ Quang Huy ở thôn 14 hiện có hơn 1.000 trụ tiêu và 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày; hàng năm, luôn có mức thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên. Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông Huy thì đối với tiêu, nếu như trước đây thường có tâm lý bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan thì nay, cách làm của gia đình đã khác.

Sau 5 tháng triển khai nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng đạt 0,5 kg/con, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/sào. Trong quá trình nuôi, các hộ dân đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa đã phổ biến kỹ thuật và phát tài liệu về kỹ thuật nuôi một số loại cá cho các hộ dân và khuyến nông viên.

Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những năm qua, huyện Điện Biên Đông luôn nỗ lực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Thông qua các hình thức chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn... Đó là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.