Nuôi Hàu Thân Thiện Với Môi Trường
Trước đây, quanh đầm Lập An, thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), người dân chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm hay lên rừng đốn củi, nhiều đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng vì nghèo. Nhưng...
Từ khi có nghề nuôi hàu, đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Đi dọc con đường quanh đầm Lập An những ngày này, người ta rất dễ thấy cảnh bà con đang tấp nập thu hoạch hàu, ai cũng hứng khởi vì việc mua bán diễn ra thuận lợi.
Một người dân ở đây cho biết: Để có được những con hàu to, chắc thịt, thông thường vào khoảng tháng 4 của năm trước, bà con đã phải tìm mua lốp xe máy thải loại với giá 1.000 – 1.500 đồng/chiếc. Đem lốp về chà sạch rồi xẻ làm đôi, móc lốp vào một thanh tre, sau đó đóng những chiếc cọc xuống đầm, treo thanh tre nằm ngang cọc để làm sao cho lốp xe nằm sâu cách mặt nước chừng 10cm, mỗi cái cách nhau khoảng 30cm. Hàu bám vào lốp sẽ sinh sôi, phát triển thành từng chùm.
“Trước đây lốp xe thải loại ở thị trấn này đều đem đốt hoặc vứt thành đống bên đường, vừa nhếch nhác bẩn thỉu, vừa ô nhiễm môi trường. Từ khi người dân bắt tay vào nuôi hàu, vùng này không còn chiếc lốp xe nào bị vứt bỏ hay đốt đi cả. Mỗi lốp xe thả xuống đầm có thể thu hoạch từ 5-10kg hàu chưa tách vỏ” – anh Nguyễn Văn Dương, một chủ tiệm sửa xe máy cho biết.
Mua lốp xe trong thị trấn không đủ, thời gian gần đây người dân Lập An phải tìm mua lốp xe từ khắp nơi trong tỉnh và các vùng lân cận. Đặc biệt là từ khi chính quyền địa phương khuyến khích bà con nuôi hàu, người dân các xóm chài nghèo ở thôn Lập An, Loan Lý, Hót Mít, Hói Dừa… không phải lọ mọ mò cua bắt cá trên đầm, hay lên rừng đốn củi như trước nữa, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Chị Hoàng Thị Kim Liên -người dân thôn Loan Lý vui vẻ cho biết: Hiện giá hàu chưa tách vỏ đạt khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, hàu đã tách vỏ giá 70.000 đồng/kg. Trung bình các hộ làm nghề nuôi hàu thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/vụ, hộ nào nuôi nhiều có thể đút túi cả trăm triệu đồng/vụ. “Nhà tui hồi xưa cực lắm, nhưng nhờ nuôi hàu mà có tiền sắm tivi, tủ lạnh, xây nhà, mua xe và nuôi con ăn học đàng hoàng” – chị Liên chia sẻ.
Cũng theo chị Liên, thịt hàu được nuôi ở đầm Lập An nổi tiếng thơm ngon, béo bùi, nuôi hàu vừa tốn ít chi phí, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu nhập lại cao nên ai cũng ham.
Ông Trần Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết thêm: “Năm 2008, một số hộ dân bắt đầu nuôi hàu trên đầm Lập, đến nay có khoảng 100 hộ nuôi. Trung bình mỗi hộ thu nhập từ 20-30 triệu đồng/vụ, hộ nào nuôi nhiều thì có thể đút túi vài trăm triệu đồng/vụ. Hiện nay, chúng tôi đã có đề án quy hoạch lại khu vực nuôi hàu với diện tích khoảng 100ha để vừa bảo đảm cảnh quan môi trường, vừa giúp người dân yên tâm sản xuất”.
Related news
Mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã sản xuất được nhiều loại giống lúa gắn mác chất lượng cao, song thu nhập của người trồng lúa vẫn rất thấp. Nguyên nhân được nhìn nhận ban đầu là do khâu sản xuất giống, thu mua và xuất khẩu còn nhiều bất cập.
Bọ xít đen (Black rice bug) là loại dịch hại ít quan trọng ở Việt Nam. Theo ghi nhận, bọ xít đen đơi khi xuất hiện và gây hại trong vụ HT vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng.
Hầu hết địa phương đã cấp phép ồ ạt, hoặc làm ngơ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở chế biến ngay trên vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp có trước đã đầu tư và quản lý theo hệ thống, dẫn đến tổng công suất chế biến cao hơn nhiều lần so với khả năng cung ứng nguyên liệu.
Thôn 3, xã Tân Lập (Kon Rẫy) bị thiệt hại lớn nhất với 40ha lúa bị phá rụi. Mật độ ốc gây hại trung bình 20-25 con/m2; cá biệt lên đến 30-40 con/m2. Chính quyền địa phương nhiều nơi đã xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ cho người dân bắt ốc.
Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi chim cút Nguyễn Hồ, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, từ cuối năm 2013 đến nay, trang trại của ông phối hợp với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang đã xuất sang Nhật Bản hơn 12 triệu trứng cút đóng lon, với giá cao hơn thị trường nội địa khoảng 20%.