Mỗi khi mùa mưa bão về, các ngư dân huyện đảo Phú Quý phải “di dời” cá mú lồng bè tránh bão. Để đối phó, ngư dân Dương Thanh Phong – xã Long Hải (Bình Thuận) đã có ý tưởng xây ao chắn quanh bờ biển để nuôi trồng hải sản. Không những tiết kiệm đất đai và cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn giúp ngư dân yên tâm vào mùa mưa bão.
Ao chắn và hiệu quả bước đầu
Có dịp ghé thăm mô hình nuôi hải sản bằng ao chắn ven biển của anh Dương Thanh Phong, mới cảm nhận được những khó khăn vất vả anh đã trải qua. Những năm trước, cứ đến mùa mưa bão gia đình anh lại thấp thỏm lo sợ. Bởi hàng chục triệu đồng anh đầu tư nuôi cá mú lồng bè nếu không cẩn thận sẽ trôi theo biển cả. Ngày đêm trăn trở, anh đã nghĩ ra mô hình xây ao chắn nuôi hải sản thay thế bằng lồng bè. Bắt đầu vào năm 1999, ngày ngày anh Phong chở từng bao xi măng ra bãi biển Mộ Thầy (xã Long Hải) để xây ao chắn nuôi hải sản.
Là người đầu tiên nghĩ ra và xây dựng ao chắn ven biển nên anh vấp phải không ít thất bại. Anh Phong chia sẻ: “Khó khăn nhất là công đoạn xây xi măng dưới nước. Nhiều lần xây mà không thành, cuối cùng, anh đã nghĩ ra cách đúc bi bằng ống. Sau một thời gian nước rút, anh sắp các lớp bi và tận dụng đá đen ven biển chồng lên nhau. Rồi đổ xi măng xen kẽ bi và đá đen lên cao chừng 2m. Chờ xi măng khô và nước rút lần nữa, anh đổ bê tông lên cao khoảng 2 – 3m quá mặt nước. Đặc biệt là giữa ao chắn và biển phải có một cái ống để thông nước biển vào ao. Như vậy, hải sản mới có điều kiện sinh trưởng và phát triển được”. Cứ vậy, anh Phong đã dần dần hoàn thành cái ao đầu tiên với hơn 300 m2 của mình quanh bãi biển lởm chởm đá đen. Khi hoàn thành, anh bắt đầu bỏ cá mú giống vào nuôi. Nhờ có môi trường nước thuận lợi, cá mú phát triển nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi được gần 200 triệu đồng.
Trải qua chục năm phát triển, những ao chắn sóng này vẫn vững chãi giữa biển khơi. Chỉ cần nguồn nước biển trong lành là cá mú, tôm hùm, tôm đỏ của anh Phong sẽ phát triển và sinh trưởng tốt. Thấy vậy, nhiều ngư dân ở đảo học hỏi kinh nghiệm làm ao chắn nuôi hải sản ở ven biển của anh Phong. Hiện tại, ở đảo Phú Quý đã có hàng chục hộ phát triển hàng trăm ao nuôi hải sản. Các hộ nuôi cá mú ở ao chắn cho biết, trên diện tích 100 m2 thì có thể thả nuôi 1.000 con cá mú giống. Sau khi trừ chi phí, các hộ lãi từ 50 – 200 triệu đồng tùy diện tích. Nhờ đó, đời sống của bà con ngư dân đã dần ổn định.
Ông Huỳnh Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện đảo cho biết: Hộ nuôi hải sản bằng ao chắn ven biển so với nuôi lồng bè hiệu quả kinh tế tương đương nhau. Tuy nhiên, nuôi cá mú bằng lồng bè tỷ lệ rủi ro cao. Hơn nữa, về mặt bền vững thì ao chắn ven biển rất bền vững, bão tố hay sóng gió vẫn chịu được. Chính vì sự bền vững đó, sau khi họp bàn, huyện đã thống nhất tạo điều kiện để bà con ngư dân tiếp tục phát triển ao chắn ven biển.
Hiện nay, huyện đang tiếp tục khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để quy hoạch gắn phát triển ao chắn với phục vụ du lịch. Cụ thể, tại eo vịnh Mỏm Đá, nếu có khả năng lấn biển được, huyện sẽ quy hoạch và định hướng kỹ thuật để bà con làm ao chắn. Tuy nhiên, sắp tới huyện sẽ cải tiến thêm 1 bước là có thiết kế gắn với mỹ quan và chất lượng công trình. Từ đó, người dân vừa trực tiếp nuôi trồng hải sản, vừa tạo điều kiện để khách du lịch có thể tham quan, chiêm ngưỡng cảnh hoang dã hiện có của huyện đảo Phú Quý.