Nuôi Gà Thịt An Toàn Sinh Học Thời Gian Ngắn, Hiệu Quả Cao
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển khá ổn định. Tổng đàn gia cầm hiện có trên 3,7 triệu con. Tuy nhiên, người dân chủ yếu nuôi giống gà địa phương, chất lượng tốt nhưng thời gian nuôi kéo dài, hiệu quả kinh tế không cao.
Bên cạnh đó, vấn đề phòng, chống dịch bệnh chưa được người chăn nuôi quan tâm, chú ý. Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học tại xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Như nhiều gia đình khác trong xã, những năm gần đây, do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên gia đình chị Trần Thị Huế ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến đã chọn chăn nuôi lợn và gà để phát triển kinh tế gia đình. Giống gà địa phương chăn thả tự nhiên nên chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng ưu chuộng.
Nhưng do phải nuôi trong thời gian dài (khoảng 6 tháng) trong khi chị Huế chưa chú trọng đến khâu phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại… nên đàn gà thường phát triển chậm và hay mắc bệnh khô chân, dịch tả… Từ khi tham gia mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học, chị được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn theo dõi và kiểm tra các khâu thực hiện trong quá trình chăn nuôi.
Chị cho biết: “Tôi thấy chăn nuôi an toàn sinh học thật sự mang lại nhiều lợi ích. Tỷ lệ gà sống đạt gần như 100%, gà ít mắc bệnh, nhanh lớn. Do sử dụng đệm lót sinh học nên khu vực chăn nuôi sạch sẽ, không có mùi, hết lứa gà còn tận dụng lớp lót làm phân bón cho cây trồng”.
Chị Huế đã tuân thủ đầy đủ các biện pháp kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn như: chuồng trại bảo đảm yêu cầu về diện tích, chống nóng, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát và được vệ sinh tiêu độc khử trùng; trang bị đầy đủ các dụng cụ chăn nuôi như: trấu, cót, đèn sưởi, thuốc thú y, thức ăn…
Trong quá trình nuôi, chị thường xuyên theo dõi, quan sát đàn gà bảo đảm nhiệt độ sưởi ấm và đủ ánh sáng trong 4 tuần tuổi đầu; cho ăn thức ăn công nghiệp đến tháng thứ 2, thả gà ra vườn và cho ăn thêm tinh bột như cám ngô, thóc, chất xơ để gà quen dần với điều kiện chăn thả và giảm chi phí thức ăn; thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: phòng bệnh bằng vắcxin, thuốc kháng sinh và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như: vệ sinh tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh, không nuôi chung nhiều loại gia cầm, không nhốt chung gà các lứa tuổi; thay lớp lót chuồng và ủ phân sau mỗi lứa nuôi, hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi…
Nhờ đó, sau 3 tháng, 400 con gà ri lai đã đạt trọng lượng bình quân 1,85kg/con, tổng trọng lượng trên 736 kg. Với giá bán 75.000 đồng/kg, đàn gà sẽ cho thu nhập trên 57,2 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 13 triệu đồng.
Nếu nuôi loại gà ri truyền thống phải mất từ 180 - 210 ngày/lứa, cùng thời gian đó, nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học có thể nuôi được hai lứa, thu nhập sẽ tăng lên từ 3 - 4 lần. Sau khi tham gia mô hình thấy có hiệu quả, vừa qua, chị Huế tiếp tục mua 300 con giống về nuôi và dự kiến sẽ cho xuất chuồng vào đúng dịp tết Nguyên đán.
Nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học có thời gian nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, dễ tiêu thụ, góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi và nhận thức của người dân trong chăn nuôi gia cầm…
Đây là điều kiện thuận lợi để mô hình được nhân ra diện rộng nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt, giải quyết vấn đề an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm. Kỹ sư Nguyễn Thị Nhàn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhấn mạnh: “Chăn nuôi gà an toàn sinh học không những là giải pháp tích cực để phòng, chống bệnh cúm gia cầm, bảo đảm cho chăn nuôi phát triển bền vững mà còn cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Chúng tôi đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhằm nhân rộng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân”.
Nguồn bài viết: http://www.baoyenbai.com.vn/12/118984/Nuoi_ga_thit_an_toan_sinh_hoc_Thoi_gian_ngan_hieu_qua_cao.htm
Related news
Thêm một sản phẩm trong loạt 7 chủng loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang là sầu riêng Ngũ Hiệp vừa được Ban quản lý dự án QSEAP tỉnh này trao chứng nhận VietGAP.
Ngày 24-3, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (BCĐ NTM) tổ chức sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các bộ ngành và 19 tỉnh thành trong 3 khu vực tham dự hội nghị.
Dù có nhiều nước cùng xuất khẩu cá hồi như Chile, Canada… nhưng Na Uy chiếm 72% thị trường thế giới. Với chất lượng và nghệ thuật tiếp thị, các công ty của Na Uy đã thuyết phục được người tiêu dùng Nhật Bản, vốn rất khó tính, thay đổi suy nghĩ, sử dụng cá hồi nuôi Na Uy như món ăn không thể thiếu, thay vì trước đó chỉ sử dụng cá khai thác từ biển để chế biến các món ăn truyền thống.
Khánh Hòa hiện có 62 cơ sở đang nuôi chim yến, tập trung phần lớn tại TP.Nha Trang, với tổng đàn khoảng 26.000 con. Ngoài ra, tỉnh còn có 30 cơ sở nuôi mới hình thành, chưa có chim yến làm tổ.
Nhiều ngư dân ở xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) góp vốn với chủ tàu mua lưới đánh bắt hải sản. Sau tết, họ hối hả vươn khơi thay vì phải nằm bờ như nhiều tàu cá ở các địa phương khác, do thiếu bạn đi biển.