Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi đà điểu làm du lịch

Nuôi đà điểu làm du lịch
Publish date: Saturday. May 16th, 2015

Anh Tô Thanh Vũ, nhân viên Công ty Vinh Sang cho biết, khi đưa đà điểu về huấn luyện để phục vụ khách du lịch, anh nghĩ là khó vì tính nết đà điểu rất nóng nảy, bướng bỉnh và không nghe theo sự chỉ dẫn của con người như voi hay chó. Tuy vậy, kết quả cho đến hôm nay đã làm mọi người ngạc nhiên. Hiện đà điểu không chỉ phục vụ khách cưỡi mà trên mình con đà điểu chỗ nào cũng mang lại lợi nhuận. Từ lông đà điểu được làm chổi quét cách điện; da thì làm thuộc da sau đó sản xuất các mặt hàng thời trang như áo, túi xách, ví da, thắt lưng (tốt hơn cả da cá sấu); thịt đà điểu chế biến được rất nhiều món (ngon, bổ và được ưa thích hơn cả thịt bò); trứng đà điểu rất bổ dưỡng, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai; vỏ trứng làm các mặt hàng gia dụng như đèn ngủ, hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm...

Theo anh Vũ, việc chăn nuôi đà điểu không khó, chỉ cần kỹ tính và chu đáo là được. Một điều đặc biệt mà những người chăn nuôi lâu năm nhận ra là đà điểu không hề có bệnh như các loại gia cầm khác. Chúng có sức đề kháng tuyệt vời. Tuy nhiên, không vì thế mà họ lại chủ quan. Khi dịch cúm gia cầm xuất hiện ở ÐBSCL, đà điểu ở trang trại Vinh Sang vẫn được chăm sóc tốt, cải tạo chuồng trại cho thật sạch, và cho uống nhiều thuốc kháng sinh hơn những ngày thường.

Ðà điểu rất mắn đẻ, trung bình một con đà điểu có sức khỏe tốt có thể cho từ 20 - 40 trứng/năm và đẻ xuyên suốt trong khoảng 20 năm. Thời gian ấp trứng khoảng 40 ngày. Có nhiều trường hợp trứng không nở ra được, người nuôi phải soi vào trứng, rồi dùng vật cứng đập vỡ vỏ trứng, vì vỏ trứng khá cứng, để giúp đà điểu con chui ra khỏi vỏ. Khoảng tháng đầu tiên chúng không tăng trọng nhiều, nhưng bắt đầu từ tháng thứ hai là thời kỳ phát triển như “ngựa phi nước đại”. Trong vòng khoảng 1 năm, một con đà điểu trưởng thành có thể đạt trọng lượng khoảng 100 kg.

Chế độ ăn của chúng cũng khá đơn giản, theo anh Vũ thì “chúng ăn bất kỳ thứ gì, từ rau xanh, lục bình... đến cả cát, đá trên sân”. Tuy nhiên, chúng lại ăn không nhiều, mỗi ngày ăn chỉ khoảng 2 kg thức ăn. Có điều, chúng uống nước rất nhiều. Nước uống phải thật sạch và đặc biệt là không để bị nhiễm các chất phèn, hay các loại nước bẩn từ sông rạch. Chuồng trại, nơi đà điểu sinh sống cũng không có gì cầu kỳ. Một khu vực rộng lớn được bao bọc bằng hàng rào lưới B40, dưới tán lá bạch đàn râm mát. Sân chuồng phải phủ đầy cát, như môi trường của sa mạc. Anh Vũ cười nói: “Lúc đầu chúng tôi lọc cát thật kỹ vì sợ lộn trong đó sỏi đá, sau thấy đà điểu mổ cát ăn tỉnh bơ, ăn cả đá sỏi, nên chúng tôi để luôn cát bình thường, không sàng lọc nữa”.

Một kinh nghiệm mà những người huấn luyện đà điểu cho biết là mỗi con có cá tính khác nhau, “cũng như con người”. Có con thì hiền, con thì bướng bỉnh, con đi nhanh, con đi chậm. Tuy nhiên, hiểu biết tính cách của chúng thì rất dễ gần. Anh Vũ chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện đà điểu: “Hãy coi nó như con người, nó cũng biết “làm nũng” nữa đó. Nếu mình thương nó, mỗi khi cho ăn vuốt đầu, vuốt lông hay gần gũi thì nói gì nó cũng nghe. Còn mình “cà chớn” với nó thì không thể tiếp cận được đâu”.

Ðà điểu từ khoảng 2 tháng là bắt đầu huấn luyện. Ðà điểu dùng cưỡi chỉ duy có đà điểu đực vì đà điểu cái chân yếu hơn, không thể chịu được trọng lượng của con người. Thời gian huấn luyện khoảng từ 18 tháng mới có thể phục vụ du khách. Huấn luyện đà điểu là phải rất kiên nhẫn, phải tập từ từ. Một lần huấn luyện thì trong chuồng chỉ có duy nhất một con và người huấn luyện và thực hành trong 2 giờ. Tập cho chúng những cách đơn giản nhất như dắt chúng đi lòng vòng, rồi chỉ cho chúng điểm dừng, điểm uống nước. Khi đã huấn luyện “thành thạo” thì chúng không bao giờ quên và không bao giờ làm khác. Riêng đặc điểm này thì người viết chứng kiến rất tường tận. Khi phục vụ khách du lịch, chúng chỉ đi duy nhất 1 vòng rồi đứng lại ngay vị trí ban đầu, nơi khách lên, không bước thêm bước nào nữa hết.

Người viết đã từng cưỡi voi, cưỡi trâu, cưỡi ngựa và tất nhiên, rất nhiều lần cưỡi... xe gắn máy. Nhưng chỉ duy có con đà điểu này là cảm giác khá lạ. Một sự hồi hộp, lo lo vì nhìn hai chân nó không lớn lắm. Bước đi thủng thẳng, hay chạy, cũng thấy hiu hiu... Có lẽ đó là điểm hấp dẫn nhất đã thu hút khá đông du khách đến đây chỉ để được cưỡi trên mình con vật giống gà này.


Related news

Ra Mắt Chuỗi Liên Kết Chăn Nuôi Thành Phố Hà Nội Ra Mắt Chuỗi Liên Kết Chăn Nuôi Thành Phố Hà Nội

Sáng 25/4, Trung tâm phát triển chăn nuôi, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã ra mắt chuỗi liên kết chăn nuôi TP Hà Nội và khai trương hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm của Công ty CP Cộng Đồng Green Food Hà Nội.

Saturday. April 26th, 2014
Làm Giàu Từ Nuôi Chim Cút Và Bồ Câu Làm Giàu Từ Nuôi Chim Cút Và Bồ Câu

Trại nuôi chim bồ câu, chim cút của anh Trần Thanh Phương ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành, Bình Phước) hiện là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của đông đảo thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Saturday. April 26th, 2014
Nâng Cao Năng Lực Sản Xuất Giống Lúa Cho Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Nâng Cao Năng Lực Sản Xuất Giống Lúa Cho Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Là cơ quan nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới và cung ứng các giống đầu dòng cho hệ thống giống 3 cấp, hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL sản xuất và phân bổ cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hơn 2.000 tấn giống phục vụ nhu cầu sản xuất lúa ở các địa phương.

Saturday. April 26th, 2014
Những Giống Lúa Thích Hợp Cho Vụ Lúa Hè Thu Những Giống Lúa Thích Hợp Cho Vụ Lúa Hè Thu

Vụ lúa hè thu năm nay ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là Sóc Trăng, nông dân sẽ đối mặt với những khó khăn về thời tiết và tình trạng xâm nhập mặn.

Saturday. April 26th, 2014
Tín Hiệu Vui Đối Với Người Trồng Điều Bình Phước Tín Hiệu Vui Đối Với Người Trồng Điều Bình Phước

Ngày 22-4, tại thị xã Thuận An (Bình Dương), Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu điều Việt Hà và khai trương Trung tâm đóng gói điều nhân xuất khẩu.

Saturday. April 26th, 2014