Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Bớp Lồng Ở Hòn Chuối

Nuôi Cá Bớp Lồng Ở Hòn Chuối
Publish date: Saturday. September 21st, 2013

Gần 3 năm qua, ngư dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã thử nghiệm và thành công bước đầu với mô hình nuôi cá bớp lồng bè. Hiệu quả từ mô hình này đã và đang giúp cho cư dân đảo Hòn Chuối có thêm nguồn thu đáng kể, cải thiện cuộc sống…

Nhà nhà nuôi cá bớp

Cách cầu Hòn Chuối chưa đầy 100m, bè nuôi cá của cư dân trên hòn nhấp nhô theo sóng biển. Trên mỗi bè cá có che chòi để chủ bè cho cá ăn và canh giữ cá. Sở hữu nhiều bè cá bớp nhất là hộ anh Quách Phong Vụ -người đầu tiên nuôi cá bớp tại hòn. Ngày trước, anh Vụ là thương lái nhỏ ra đảo mua cá về đất liền bỏ mối kiếm lời. Thấy quanh Hòn Chuối nước sâu-trong, thuận lợi để nuôi cá bớp lồng nên anh đánh liều nuôi thử một lồng cá bớp.

Vụ nuôi ấy sau Tết năm 2010, sau 6 tháng nuôi, anh Vụ thu hoạch 150 con cá bớp (trên 1,2 tấn), được hơn 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lời trên 50 triệu đồng. Anh cho biết: "Nuôi hiệu quả nên tôi mở rộng từ từ, đến nay có tới 8 lồng nuôi cá bớp, mỗi lồng từ 200 - 250 con. Với chừng ấy bè cá, trong năm 2012 tôi thu lời trên 500 triệu đồng".

Cách bè nuôi cá của anh Vụ không xa là dàn bè cá bớp của anh Kim Ngọc Tính. Anh Kim Ngọc Tính nuôi vụ cá bớp đầu tiên giữa năm 2010, sau khi thấy anh Vụ nuôi thành công. Không chút đắn đo, anh Tính gom hết tiền dành dụm bao năm trời đóng bè nuôi 200 con cá bớp. Hơn 6 tháng sau, anh thu hoạch, lời trên 50 triệu đồng.

Sau đó, anh Tính dần mở rộng số bè nuôi, đến nay gia đình anh có 4 bè cá bớp, mỗi bè thả nuôi từ 150-200 con. Để có tiền cho bầy cá ăn (một ngày khoảng 1 triệu đồng), thời gian rảnh anh còn chạy ghe bán hàng rong cho các tàu thuyền vào hòn neo đậu.

Nhờ cách làm kiểu "lấy ngắn nuôi dài" gia đình anh giờ đã thoát nghèo, trở thành một trong những hộ khấm khá ở Hòn Chuối. Anh còn dư tiền cho mấy người em của mình mượn để đóng bè nuôi cá bớp. "Con cá bớp đã giúp tôi thoát cảnh long đong đi làm thuê cho ghe biển, nguy hiểm nhưng quanh năm vẫn khốn khó. Nếu vụ cá này tiếp tục thành công, tiền lời tôi sẽ tiếp tục đầu tư đóng thêm 2 bè nữa" – anh Tính phấn khởi nói.

Anh Trần Thanh Mỹ, cán bộ thủy sản thị trấn Sông Đốc, cho biết: Đảo Hòn Chuối cách Sông Đốc khoảng 17 hải lý. Nơi đây có 33 hộ dân sinh sống (trong đó có 18 hộ đồng bào Khmer với 127 khẩu). Từ vài hộ nuôi thành công đến nay, phần lớn hộ dân Hòn Chuối đều đóng bè nuôi cá bớp, với 30 hộ, trên 50 bè.

"Cần câu" xóa nghèo

Cá bớp nuôi được quanh năm ở Hòn Chuối, kỹ thuật nuôi đơn giản, cá ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp, cá cơm, thú loại nhỏ. Nguồn thức ăn ấy được tàu khai thác bán quanh năm ở Hòn Chuối. Nguồn cá bớp giống cũng dồi dào, được ghe cào đánh bắt tự nhiên ở biển rồi bán lại cho ngư dân Hòn Chuối, giá từ 70-80 ngàn đồng/con (cá bớp giống dưới 1kg).

Để đầu tư một bè nuôi cá bớp quy mô khoảng 200 - 250 con, theo anh Mỹ cần khoảng 50 triệu đồng tiền đóng bè, khoảng 20 triệu đồng tiền giống, tiền thức ăn cho cá hàng ngày, tùy trọng lượng cá lớn nhỏ, trung bình từ (150.000 – 250.000 đồng/bè). "Cá tăng trọng rất nhanh, chỉ sau 6-7 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng từ 8-10 kg, giá cá thương phẩm tùy thời điểm nhưng dao động từ 90.000-120.000 đồng/kg. Với giá này, nếu lồng nuôi không bị thủng, cá ít hao hụt thì mỗi lồng trừ chi phí người nuôi còn lời trên dưới 50 triệu đồng/lồng/vụ" – anh Mỹ cho biết.

Nuôi cá bớp lồng phát triển mạnh ở nhiều đảo nhỏ của Kiên Giang, nhưng tại Cà Mau mới manh nha và thành công bước đầu tại Hòn Chuối. Đối tượng nuôi mới này không chỉ là "cần câu" giúp hộ dân Hòn Chuối cải thiện cuộc sống mà còn góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nghề nuôi trồng tại vùng biển nước sâu Cà Mau.

Tuy nhiên, nuôi cá bớp lồng ở Cà Mau chỉ mới dừng lại ở tính tự phát, còn nhỏ lẻ, hộ dân chưa có nhiều vốn để mở rộng quy mô. Một số hộ có bè nuôi cá bớp ở Hòn Chuối đã bớt khó khăn so với trước đây, nhưng không phải hộ nào cũng có vốn trăm triệu để đầu tư đóng bè nuôi cá mà phần lớn phải vay mượn thêm bên ngoài, lãi suất cao.

"Nơi đây đã thành lập được tổ hợp tác, tập hợp những người cùng nuôi cá bớp, hợp tác hỗ trợ về con giống, kỹ thuật. Song, để nghề nuôi này phát triển bền vững hơn, chúng tôi rất cần Nhà nước hà hơi, tiếp sức để có thêm nguồn vốn với lãi suất phải chăng, tạo đầu ra ổn định" – ông Nguyễn Hữu Phước một hộ có bè nuôi cá bớp đề xuất.

Nguyện vọng của ông Phước cũng là mong mỏi chung của phần lớn hộ nuôi cá bớp ở Hòn Chuối. Người nuôi cá lồng bè nơi đây còn gặp trở ngại ở đầu ra vì phải bán cho thương lái từ đất liền, luôn bị ép giá vào lúc thu hoạch đồng loạt. Hai tuần sau khi chúng tôi đi thực tế thực hiện bài viết này, ngư dân Hòn Chuối gọi điện cho hay bè nuôi cá nhiều hộ đã thu hoạch xong vụ đầu tiên trong năm 2013 nhưng bị ép giá.

Qua điện thoại, ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối có bè nuôi cá bớp cho hay, giá cá bớp thương phẩm sụt còn 90.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg so với cuối năm 2012. Và hiện tại giá cá bớp thương phẩm tăng lên 100.000 đồng/kg nhưng hộ nuôi cá trên đảo không còn cá bán vì đang tái nuôi vụ mới.


Related news

Thời tiết quá khắc nghiệt, cà phê rụng hàng loạt Thời tiết quá khắc nghiệt, cà phê rụng hàng loạt

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, hiện ở Gia Lai đang xảy ra tình trạng cây cà phê bị rụng quả hàng loạt. Cụ thể, theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 700 ha cà phê bị nhiễm bệnh gây rụng quả với tỷ lệ trung bình khoảng 3%, cá biệt có nơi cao đến 10%. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở các địa phương có diện tích cà phê lớn như: Chư Păh, Ia Grai, Kbang, Chư Sê... và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới khiến năng suất cà phê vụ này có nguy cơ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Tuesday. September 8th, 2015
Cá chết hàng loạt vì ô nhiễm, dân ấm ức mang đến UBND tỉnh Cá chết hàng loạt vì ô nhiễm, dân ấm ức mang đến UBND tỉnh

Quá bức xúc vì các công ty chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt, người dân làng bè Long Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu) đã mang cá chết đến đổ trước cổng nhà máy và UBND tỉnh.

Tuesday. September 8th, 2015
Thu hoạch lúa hè thu chạy đua với mưa lũ Thu hoạch lúa hè thu chạy đua với mưa lũ

Đối với vụ hè thu, thời gian là yếu tố quyết định sự thành - bại. Bởi thế, dù mới bước vào thời điểm thu hoạch đại trà chưa lâu nhưng trên đồng ruộng, không khí thu hoạch đã khẩn trương, vội vã chạy đua với thời gian...

Tuesday. September 8th, 2015
Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn kinh tế của Hà Tĩnh Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn kinh tế của Hà Tĩnh

Từ chính sách “kích cầu” hỗ trợ của tỉnh, nuôi trồng thủy sản (NTTS) dần “xóa” bỏ hình thức nuôi quảng canh thiếu bền vững sang nuôi thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những vùng cát hoang sơ đang được đánh thức với những đầm tôm, cá bơn, cá mú nuôi công nghệ cao, mở rộng hướng làm giàu cho các xã vùng biển.

Tuesday. September 8th, 2015
Thương lái lạ lại thu mua cau non Thương lái lạ lại thu mua cau non

Sau thời gian tạm lắng, gần đây trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre lại xuất hiện thương lái lạ đưa tiền trước cho dân nhờ thu mua cau non bán cho họ. Điều đáng nói là họ chỉ mua cau non không mua cau già với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg (cả buồng).

Tuesday. September 8th, 2015