Nuôi bò vỗ béo mô hình giảm nghèo hiệu quả

Mô hình nuôi vỗ béo bò được Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh triển khai từ nhiều năm nay và đã được nhân rộng ra 6/7 xã, thị trấn trên địa bàn, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Bà con không nuôi với hình thức chăn thả truyền thống mà nuôi trong rông, áp dụng khoa học kỹ thuật vỗ béo bò theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Thức ăn chủ yếu là rau, cỏ; ít tinh bột, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích, tiêu thụ thuận lợi.
Trong thời gian vỗ béo 3 tháng, trung bình mỗi con bò tăng trọng được hơn 90 kg thịt hơi, lợi nhuận hơn 2,5 triệu/con, số tiền này có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân miền núi, nhất là hộ nghèo.
Anh Phạm Minh Tuấn, ở thôn Thanh Minh, xã Canh Hiển, là trụ cột trong gia đình nhưng lại bị đau cột sống, sức lao động hạn chế; nhờ nuôi vỗ béo bò, công việc vừa sức, cho thu nhập cao mà gia đình anh đã có cuộc sống ổn định và có tích lũy.
Chị Nguyễn Thị Trí, ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển, cũng nhờ nuôi vỗ béo bò mà đã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững.
Chị chia sẻ: “Bò dễ nuôi, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như thân cây bắp, dây đậu phụng, trồng thêm cỏ voi, ủ rơm… để làm thức ăn cho bò; cũng không cần chuồng trại quy củ như nuôi heo, nuôi gà; giá cả lại ổn định nên thích hợp với hộ nghèo”.
Nhờ chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa và nuôi vỗ béo bò mà nhiều gia đình ở 2 xã Canh Vinh, Canh Hiển không những đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Từ những con bò gầy yếu được mua về với giá thấp, sau khi vỗ béo từ 3 - 4 tháng, đã mang lại thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Ông Mai Văn Đạt, cán bộ khuyến nông xã Canh Hiển, cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm hộ thực hiện rất thành công mô hình vỗ béo bò, thu nhập vài chục triệu đồng/hộ/năm.
Ở thôn Hiển Đông, nhà nhà nuôi vỗ béo bò thịt trước khi xuất bán.
Hiện tổng đàn bò của 2 xã khoảng hơn 6.300 con, trong đó bò lai chiếm hơn 55%, là điều kiện thuận lợi để các hộ thực hiện vỗ béo bò hiệu quả.
Phong trào chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa và nuôi vỗ béo bò thịt đã bắt đầu phát triển ở một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Đinh Văn Hà, ở làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận, cho biết nhờ trồng cỏ nuôi bò mà gia đình anh và một số hộ trong làng đã thoát nghèo.
Phát triển chăn nuôi bò hàng hóa nói chung và nghề nuôi vỗ béo bò thịt nói riêng đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của huyện miền núi Vân Canh.
Phong trào nuôi vỗ béo bò đã góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, huyện Vân Canh sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, trong đó chú trọng các giải pháp chuyển giao tiến bộ KHKT trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc; vận động người dân đẩy mạnh và mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò, với mục tiêu ổn định đàn bò 15.500 con, trong đó có 65% là bò lai.
Related news

Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vào dịp lễ của các vùng giáo về tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Dự án khai thác tài nguyên bền vững vùng đồi dốc ở huyện Cẩm Thủy được Hội Khoa học thủy lợi Thanh Hóa thực hiện tại xã Cẩm Tâm từ năm 2010. Theo đó, dự án xây dựng 2 mô hình để thực hiện hỗ trợ, gồm: mô hình thu trữ nước mó và mô hình hạn chế lũ quét, bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm đến tháng 10-2014, toàn xã đã đóng mới được 37 phương tiện, trong đó 8 phương tiện có công suất từ 48 đến 63 CV, 29 phương tiện có công suất từ 90 đến 550 CV và thành lập được 1 tổ dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với 4 tàu từ 250 CV trở lên, chủ yếu khai thác các loại hải sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao ở tầm trung và khơi xa.

Theo chân cán bộ xã Thạch Quảng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình anh Bùi Văn Cự tại làng Thố. Không giấu nổi niềm vui khi đã chọn được con đường làm giàu đúng đắn, anh Cự nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những chuồng trại dưới đồi mía và keo.

Vài năm gần đây, nông dân Đắk Lắk và một số tỉnh bắt đầu “bén duyên” với ca cao, loại cây trồng được xem như “cú hích” thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.