Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông, thủy sản hụt hàng tỉ USD

Nông, thủy sản hụt hàng tỉ USD
Publish date: Monday. November 9th, 2015

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 134,6 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh 9,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 16,9 tỉ USD.

Giá bán nhiều mặt hàng giảm làm kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mất tới 1,82 tỉ USD.

Xuất khẩu thủy sản tụt dốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết trong quý III/2015, hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp vẫn chưa có tín hiệu phục hồi và thậm chí giảm tới 16,5% so với cùng kỳ.

Mười tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước chỉ đạt 5,45 tỉ USD.

Trong đó, tôm là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm 27 - 30% từ đầu năm đến nay, chỉ đạt 2,4 tỉ USD. Các mặt hàng khác như cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc cũng giảm từ 11 - 30% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Mỹ mất gần 27%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 19% và Nhật 15%.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam liên tục sụt giảm từ đầu năm.

“Nhà nhập khẩu tìm cách ép giá, các nước đối thủ đẩy mạnh xuất khẩu khiến cho xuất khẩu cá tra vốn trong tình trạng kém sôi động từ 2 năm nay lại thêm áp lực từ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR10 và POR11 với mức thuế cao…

Kết quả, xuất khẩu các mặt hàng này khó có cơ hội tăng trưởng trở lại” - đại diện Vasep nhận định.

Dù nhu cầu tiêu dùng cuối năm đối với các mặt hàng thủy sản sẽ tăng mạnh, dự báo của Vasep cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ đạt khoảng 6,6 tỉ USD, giảm 15% so với năm ngoái.

Với mặt hàng gạo, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 5,32 triệu tấn với kim ngạch 2,26 tỉ USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 11,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động xuất khẩu gạo chỉ thật sự khởi sắc gần đây khi Việt Nam trúng thầu các hợp đồng cung cấp gạo cho thị trường Philippines và Indonesia.

Còn khó đến hết năm

Thị trường tiêu thụ kém, giá xuất khẩu hạ và biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so với USD đã ảnh hưởng lớn đến ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Làn sóng mất giá và thả nổi đồng nội tệ so với USD ở các thị trường và các nước xuất khẩu chính khiến cho không chỉ tôm mà cả các mặt hàng khác của Việt Nam khó cạnh tranh tại các thị trường nhập khẩu, nhất là tại Mỹ.

Đồng tiền một số nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam tại các thị trường Mỹ, EU đã giảm rất mạnh từ đầu năm đến nay, như đồng rupiad (Indonesia) giảm hơn 40% và đồng rupee (Ấn Độ) mất giá 20%...

Theo Bộ Công Thương, dù Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu nhưng trong bối cảnh nhiều nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Brazil, Ấn Độ, Indonesia… đều hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu sẽ tạo ra khó khăn cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế những tháng cuối năm.

Chưa kể, Mỹ đang dự thảo nguyên tắc cho việc cân nhắc những loài thủy hải sản thuộc diện nguy cơ bị đánh bắt IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo…).

Một số loài thủy hải sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang nằm trong danh sách “những loài có nguy cơ”.

Nếu áp dụng danh sách này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn.

Khó đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm Mục tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2015 tăng 10% so với năm ngoái với 165 tỉ USD.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 134,6 tỉ USD, tương đương 81,6% kế hoạch năm, do đó mỗi tháng cuối năm phải đạt gần 15,2 tỉ USD.

Theo Bộ Công Thương, đây là nhiệm vụ rất khó khăn nên các bộ ngành cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.


Related news

Thắng Tôm Thẻ, Đừng Chê Tôm Sú Thắng Tôm Thẻ, Đừng Chê Tôm Sú

Năm qua là một năm đại thắng lợi của con tôm thẻ chân trắng. Trên đà đó, tôm thẻ tiếp tục được phát triển mạnh ở ĐBSCL và đang tiếp tục át vía tôm sú, kể cả ở những nơi chưa cho phép nuôi loại tôm này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng không thể bỏ tôm sú bởi nó vẫn có giá trị lớn.

Saturday. January 11th, 2014
Giá Gỗ Nguyên Liệu Giấy Tăng Mạnh Giá Gỗ Nguyên Liệu Giấy Tăng Mạnh

Từ đầu tháng 12.2013 đến nay, giá gỗ nguyên liệu keo, bạch đàn trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tăng, hiện đang ở mức 1,15 - 1,2 triệu đồng/tấn; tăng 300 - 400 ngàn đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh là do các nhà máy dăm trong tỉnh cạnh tranh mua nguyên liệu, đẩy giá lên cao.

Wednesday. December 25th, 2013
“Sống Khỏe” Nhờ Dừa Mã Lai “Sống Khỏe” Nhờ Dừa Mã Lai

Là một trong những người đầu tiên mang loại dừa xiêm Mã Lai về trồng tại vùng đất Lê Minh Xuân, anh Lê Minh Đức (sinh năm 1973, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiện đang “sống khỏe” nhờ loại cây này.

Wednesday. December 25th, 2013
Cách Làm Mới Để Thoát Nghèo Cách Làm Mới Để Thoát Nghèo

Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất trong tỉnh Cà Mau với trên 2.200 ha. Nếu như trước đây, những hộ giàu, hộ khá, hộ có đất nhiều mới nuôi, thì bây giờ, không ít hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đất sản xuất ít vẫn mạnh dạn nuôi và bước đầu đã thành công.

Saturday. January 11th, 2014
Lộc Bình Vào Vụ Khoai Tây Lộc Bình Vào Vụ Khoai Tây

Năm nay, nông dân xã Bằng Khánh, một trong những địa phương có diện tích khoai tây vụ đông lớn nhất huyện, xuống giống trên 30ha. Như đã thành nếp, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân trong xã bắt tay vào làm đất, trồng khoai tây vụ đông với phương châm “lúa thu hoạch đến đâu, làm đất trồng khoai tây đến đó”. Ở Bằng Khánh, nhà ít cũng trồng 1 - 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nhà nhiều trồng 4-5 sào khoai tây.

Wednesday. December 25th, 2013