Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông sản trước ngưỡng 5 ăn 5 thua

Nông sản trước ngưỡng 5 ăn 5 thua
Publish date: Monday. November 2nd, 2015

Cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở, cơ hội không thiếu, nhưng nhiều loại nông sản nước ta đối diện cạnh tranh khốc liệt tại sân nhà.

Gạo Việt “đi trước về sau”

“Tham gia TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam sẽ “5 ăn, 5 thua” - một chuyên gia nông nghiệp đã dùng cách nói hình tượng như thế.

Thực tế, trồng trọt, lương thực, thủy sản có cơ hội nhưng mía đường, đậu tương, ngô (bắp) sẽ gặp khó.

Thái Lan, Ấn Độ chưa vào TPP, đó sẽ là cơ hội cho gạo Việt.

Đáng chú ý, lĩnh vực chăn nuôi sẽ “nguy cấp” với 3 đối tượng chính là heo, gà và bò.

Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị thua thiệt.

Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi.

Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh...

Chính vì vậy cả ngành chăn nuôi heo và gà có thể đứng trước nguy cơ bị thua thiệt.

Bò thịt và bò sữa chịu sức ép nặng nề.

Cần một chiến lược hiệu quả tiêu thụ lúa gạo !

Cánh cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng mở cửa.

Hàng nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để chen chân vào thị trường nước ngoài.

Song, sự cạnh tranh hàng nông sản sẽ khốc liệt ngay tại thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, sản xuất nông nghiệp theo xu hướng chất lượng cao là tất yếu để tạo lập được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh thị trường.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đưa ra một ví dụ sinh động: “Gần đây nhất, Tim Cook, CEO của Apple, cho biết chỉ vài ngày khi chiếc Iphone 6S xuất hiện trên thị trường đã bán được 13 triệu chiếc với giá từ 13 đến 19 triệu đồng/chiếc.

Trong cùng thời gian đó thì gạo Việt Nam giá tụt thấp thê thảm mà vẫn khó bán! Câu hỏi đặt ra, chúng ta đã có khoảng 25 năm xuất khẩu gạo, nhưng sao vẫn chưa thể gọi là chuyên nghiệp trong lĩnh vực này” !?

Nhìn lại, Việt Nam tăng sản lượng nông sản khá dễ.

Từ thiếu ăn, thiếu mặc chuyển sang dư thừa để xuất khẩu.

Vì chính sách đổi mới quản lý nông nghiệp khuyến khích sản xuất cá thể, nông dân có thủy lợi, giống mới, vật tư nông nghiệp mua bán tự do, mạnh ai nấy sản xuất theo khả năng mình.

Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều điểm yếu đã bộc lộ.

Nổi lên là tập quán “hùa nhau bắt chước” trồng cây, nuôi con bất chấp nhu cầu thị trường.

Và tất nhiên, sẽ dẫn đến hệ lụy.

Cụ thể, sản phẩm nông nghiệp khó tăng chất lượng vì không theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng kỹ thuật nuôi trồng theo kinh nghiệm, mẫu mã sản phẩm không đúng chuẩn nông nghiệp cao GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Thủy sản phát triển nhưng không bền vững.

Chăn nuôi phát triển chậm, khó tìm đầu ra.

Cảnh trúng mùa rớt giá nhãn tiền, chuyện “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng” gây thiệt hại lớn cho nhà nông luôn tiếp diễn.

Cái vòng loay hoay đó phần nào giải thích vì sao “gạo Việt Nam đi trước về sau Campuchia”.

Tìm “liều thuốc tăng lực”

Tìm mô hình liên kết sản xuất tiên tiến, tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất là vấn đề sống còn của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu rộng.

Lấy cây lúa làm ví dụ, Nhà nước và nhân dân cùng tập trung đầu tư đúng cho thủy lợi, nhưng để nông dân làm nhà lưới, mua máy móc hiện đại sản xuất nông nghiệp thì còn nhiều vấn đề.

Ngay trong sản xuất lúa, khâu giống, kỹ thuật gần như giao cho các viện nghiên cứu và giao cho họ “tìm nguồn tiền” chứ không giao cấp kinh phí nghiên cứu về cây lúa.

Thực tế nhiều viện, trường gặp khó khi vận động tổ chức nước ngoài tài trợ - họ nói: “Gạo anh xuất khẩu rồi, hỗ trợ gì” !?

“Những doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu gạo như các tổng công ty lương thực đã đầu tư gì nghiên cứu cho cây lúa? Đó là một câu hỏi theo dạng dân gian hay nói “có qua, có lại mới toại lòng nhau”, GS-TS Võ Tòng Xuân nêu vấn đề.

Đâu là mô hình sản xuất, tạo lập giống lúa có thương hiệu tương thích cho vựa lúa ĐBSCL luôn là đề tài nóng trong hàng chục năm qua.

Các chuyên gia nông nghiệp thường cho rằng, để thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún hiện nay, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, hoặc với tổ chức đại diện cho các hộ nông dân trong kinh doanh xuất khẩu gạo để có nguồn cung bảo đảm chất lượng, ổn định, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo là tất yếu.

Thực tế vừa qua, quy mô hợp tác, liên kết trên danh nghĩa thì nhiều, nhưng liên kết chặt chẽ lại ít.

Bằng chứng là quy mô hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân thì nhiều, nhưng thực hiện lại ít.

Quan trọng hơn, cho dù các hợp đồng liên kết, hợp tác như vậy có được thực hiện đầy đủ thì phần lớn gạo “Made in Vietnam” vẫn không có thương hiệu, vì không có gì bảo đảm rằng không bị lẫn loại, kiểm soát được dư lượng hóa chất… Khó có thể hình thành được các cánh đồng lúa thực sự lớn, còn các cánh đồng lúa lớn được đầu tư hiện đại lại càng khó khăn hơn, thậm chí có thể còn rất xa vời.

Nếu vậy, phải chăng là cần tiếp tục nghiên cứu tiếp cận vấn đề tiêu thụ nông sản chiến lược lúa gạo ở vùng ĐBSCL theo một hướng khác.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích đã đặt ra một vấn đề khá thú vị: “Thay vì khuyến khích, hỗ trợ khâu trung gian cánh đồng lớn phức tạp, ít có hiệu quả, Nhà nước chỉ tập trung hỗ trợ khâu cuối cùng.

Rõ ràng, cách thức hỗ trợ, khuyến khích như vậy vừa hiệu quả, vừa đơn giản hơn rất nhiều”.

Một khi quá trình xây dựng thương hiệu gạo phát huy được hiệu quả, việc chăm lo xây dựng các vùng lúa nguyên liệu của các chủ thể kinh doanh đi vào nền nếp, đó có thể cũng là lúc Nhà nước cần nghiên cứu, quyết định chi những khoản kinh phí lớn, thậm chí rất lớn để đầu tư xây dựng các cánh đồng lúa thật sự lớn, hiện đại, xứng tầm của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Đó cũng là liều “thuốc tăng lực” vô cùng quan trọng cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho làn gió đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Trước hết, các trường cao đẳng nghề hoặc đại học thực hành phải thiết kế chương trình đào tạo nhân lực chuyên môn cung cấp cho HTX nông nghiệp, các khu công nghiệp chế biến hàng nông sản, các chương trình tiếp thị.

Nguồn nhân lực đại học, cao đẳng có năng lực quản lý kinh doanh nông nghiệp này sẽ tham gia trong Ban điều hành của HTX nào chưa có cán bộ dạng này.

Xã viên các HTX phải được huấn luyện thật kỹ quy trình GAP của loại sản phẩm nuôi trồng, bảo đảm năng lực cạnh tranh trong sản xuất ngành hàng.

Mọi nông dân đổi mới, không làm ăn cá thể nữa, mà phải tham gia HTX hoặc Hiệp hội sản xuất ngành hàng...


Related news

Vụ Tôm Nước Lợ Được Mùa, Được Giá Vụ Tôm Nước Lợ Được Mùa, Được Giá

Vụ 1 nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ năm 2013, nhân dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã nuôi trồng được 2.557 ha, trong đó có 1.907 ha tôm sú, 615 ha ngao, 50 ha tôm thẻ chân trắng.

Monday. July 29th, 2013
Kinh Nghiệm Làm Đường Nông Thôn Ở Các Nước Kinh Nghiệm Làm Đường Nông Thôn Ở Các Nước

Hầu hết các nước có tốc độ phát triển nhanh nhiều năm qua đều là những nước đã hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông nông thôn.

Thursday. June 20th, 2013
Sản Lượng Lúa Cả Năm 2012 Ước Đạt Hơn 43 Triệu Tấn Sản Lượng Lúa Cả Năm 2012 Ước Đạt Hơn 43 Triệu Tấn

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả năm 2012 đạt gần 7,75 triệu ha, tăng 1,2% so với năm 2011; năng suất bình quân ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn (+2,6%) so với năm trước.

Friday. September 28th, 2012
Cá Tra Dầu Sông Mê Công Bị Đe Dọa Tuyệt Chủng Do Các Đập Thủy Điện Cá Tra Dầu Sông Mê Công Bị Đe Dọa Tuyệt Chủng Do Các Đập Thủy Điện

Nghiên cứu mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mê Công có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây.

Friday. June 21st, 2013
Nhím Nuôi Rớt Giá Ở Bình Thuận Nhím Nuôi Rớt Giá Ở Bình Thuận

Hàng loạt hộ nuôi nhím ở Phú Quý, Phan Thiết và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đang gặp khó do không tiêu thụ được động vật có nguồn gốc hoang dã này. Cách đây không lâu, nuôi nhím trở thành phong trào rầm rộ khi hàng trăm hộ xây chuồng trại, mua con giống, đẩy giá nhím giống lên trên 10 triệu đồng/đôi.

Sunday. September 30th, 2012