Nông nghiệp cận đô thị chưa đạt được kỳ vọng
Đến nay, toàn tỉnh có 19 dự án thuộc chương trình nông nghiệp cận đô thị của 9 huyện, thị (Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Ba, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ, Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Sơn, Đoan Hùng) được phê duyệt trên 8 đối tượng sản xuất lúa, rau, ớt cay, nấm, hoa, thủy sản, gà, cây ăn quả. Nguồn vốn của tỉnh đã cấp cho các dự án là gần 7,3 tỷ đồng, trong đó dự án: Sản xuất rau an toàn xấp xỉ 2 tỷ đồng; trồng ớt xuất khẩu 170 triệu đồng; sản xuất nấm trên 482 triệu đồng; sản xuất lúa 845 triệu đồng; chăn nuôi gà 642,5 triệu đồng; nuôi cá lồng gần 1,4 tỷ đồng; sản xuất hoa 658,5 triệu đồng; trồng táo 125 triệu đồng. Đa số các dự án đã được cấp 50% trở lên phần kinh phí được duyệt.
Là một trong những địa phương nằm trong dự án, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba có 50/200ha thuộc diện “cánh đồng mẫu lớn” của toàn huyện. Đánh giá về những mặt đạt được, bà Vi Thị Lan - một hộ nông dân tham gia dự án cho biết: So với cách làm truyền thống, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn có rất nhiều ưu điểm như gieo cùng giống, cấy cùng thời điểm nên thuận tiện cho việc chăm sóc. Trước kia, nhà cấy trước, nhà cấy sau nên sâu bệnh cũng phát triển theo từng thời kỳ khác nhau.
Có khi gia đình này vừa phun xong, gia đình khác chưa kịp phun thuốc, thế là sâu bướm lại dồn cả sang ruộng đó. Làm cánh đồng mẫu lớn ngoài hạn chế được tình trạng này, bà con còn có thể trao đổi với nhau về kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc… nên hiệu quả kinh tế cũng khá hơn nhiều. 8 sào lúa của gia đình tôi cho năng suất cao, trung bình đạt trên 2 tạ/sào, cao gần gấp đôi so với trước. Qua hạch toán kinh tế cho thấy sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn cho lãi 15.484.000 đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình là 4.928.000 đồng/ha.
Thị xã Phú Thọ cũng là một trong những địa phương sớm triển khai hình thức sản xuất nông nghiệp cận đô thị, đặc biệt là rau an toàn trên diện tích 14ha rau an toàn ở các xã Văn Lung, Trường Thịnh, Hà Thạch... Hiện nay, thị xã Phú Thọ đã và đang quy hoạch các khu vực sản xuất thành các vùng có diện tích lớn, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp như vùng trồng lúa, vùng trồng rau xanh, vùng trồng hoa, vùng trồng chè, vùng chăn nuôi… Đây chính là hình thái sản xuất nông nghiệp tiên tiến.
Theo dự kiến, cùng với việc triển khai sản xuất, trong giai đoạn 2013 – 2015 thị xã sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; mở các lớp tập huấn về quy trình trồng và chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho khoảng 4.000 lượt người; đầu tư xây dựng một số mô hình từ nhà lưới trồng rau, nhà sơ chế và bảo quản, đóng gói sản phẩm; xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm; tìm hiểu và mở rộng thị trường ra ngoài thị xã; ra các tỉnh lân cận…
Ông Lê Văn Hưng, một trong những nông dân tham gia dự án ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ cho biết: Trồng rau an toàn so với trồng theo phương pháp truyền thống thì cần sự đầu tư tương đối lớn ban đầu, đồng thời phải tuân thủ khá nhiều nguyên tắc trong chăm sóc như nguồn nước tưới, sử dụng thuốc BVTV; lập sổ ghi chép… Trồng rau xanh bình quân thu được khoảng 7-8 triệu đồng/sào/vụ, một năm trồng khoảng 4 vụ thì thu nhập cũng trên dưới 30 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Nếu như thị xã xây dựng thành công thương hiệu rau an toàn, tin chắc rằng thu nhập của người làm rau như chúng tôi có thể còn cao hơn nữa.
Phát triển nông nghiệp cận đô thị là chính sách mới thực hiện trên địa bàn, sản xuất tập trung thành vùng theo hướng an toàn, do đó nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai, nhất là đối với các dự án sản xuất rau an toàn; thiếu kế hoạch chi tiết triển khai các nội dung được phê duyệt theo dự án; việc phối kết hợp của các chủ đầu tư với các sở, ban, ngành trong chỉ đạo, tổ chức triển khai chưa chặt chẽ, thiếu chủ động.
Việc thẩm định cấp kinh phí tỉnh đối với chủ đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể; công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý cấp tỉnh cũng chưa được thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Một số mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn trên thực tế vẫn chỉ ở dạng gom diện tích đất ruộng nên số hộ tham gia nhiều, khó khăn trong tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện. Vẫn còn tình trạng một số hộ nông dân gieo các giống khác trên cánh đồng, không cùng thời điểm gieo, áp dụng kỹ thuật chưa đúng với quy trình; chưa phát huy vai trò của HTX, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất.
Đối với sản xuất rau an toàn thì việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và ghi chép của người dân chưa triệt để; quá trình xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn rau an toàn còn chậm, chưa chú ý đến xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm. Nhiều dự án khác cũng nằm trong tình trạng người tham gia chưa thực sự tuân thủ nghiêm các quy định; thị trường chưa có sự phân biệt sản phẩm nông nghiệp sạch và chưa sạch nên chưa tạo được tâm lý yên tâm sản xuất cho người dân.
Để xây dựng thành công vùng sản xuất hàng hóa của nông nghiệp cận đô thị, bên cạnh việc xây dựng và giữ vững thương hiệu thì vẫn còn một số khó khăn cần phải khắc phục - mà quan trọng nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Sản xuất nông nghiệp cận đô thị tiên tiến phải tính tới phương án sử dụng máy công cụ, cơ khí hóa, điện khí hóa; sử dụng nguồn nước tưới hợp vệ sinh; có nơi tiêu hủy bao bì đựng hạt giống, thuốc BVTV, xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi…
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là tuyên truyền để người nông dân trong vùng nông nghiệp cận đô thị hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của VietGAP, HACCP, tránh tình trạng lén lút sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng… ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nền nông nghiệp cận đô thị hiện đại, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường của Phú Thọ.
Related news
Cách đây khoảng 15 năm, ông Trần Giáp Thìn ở ấp Miễu, xã Phước Tân, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã thoát nghèo nhờ nghề nuôi dê. Từ 5 con dê giống, chẳng mấy chốc gia đình ông Thìn đã có đàn dê 200 con. Thấy ông Thìn khá lên nhờ dê, nhiều nông dân nghèo trong tỉnh tìm đến ông học tập và mua giống về nhân đàn. Ngày nay, khi đồng cỏ tại ấp Miễu bị thu hẹp, không còn nơi chăn thả, ông Thìn chuyển sang buôn dê, thu nhập bạc tỷ.
Tuy chỉ mới hình thành, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thí nghiệm thành công công nghệ bột sinh khối và đông trùng hạ thảo. Đây là hai công nghệ mới mà từ trước đến nay rất ít người làm được. Thành công này có từ “tiền mua kinh nghiệm” của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Hưng.
Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh, Bình Phước) than thở: Mùa mưa năm nay kết thúc muộn và mưa dầm kéo dài nhiều ngày, khi dứt mưa chuyển qua mùa khô không xảy ra hiện tượng mưa trái mùa như những năm khác nên nông dân khấp khởi mừng là sẽ được mùa điều.
Các diện tích đất này thuộc tiểu vùng 2, 3 của huyện Thạnh Phú - Bến Tre (gồm các xã từ Mỹ An đến Thạnh Hải) là vùng ngập mặn, từ lâu bà con chỉ chủ yếu nuôi trồng thủy sản. Vài năm gần đây, bà con tranh thủ trữ nước ngọt trong vuông tôm để trồng vụ lúa mùa. Và trong những ngày cuối năm này, họ tất bật thu hoạch về nhà chuẩn bị đón Tết. Vụ lúa này được công nhận là trúng mùa, trúng giá.
Chiều ngày 19/2, tức chiều ngày mồng 1 Tết, tại tỉnh Kon Tum bất ngờ có mưa lớn trái mùa. Trận mưa đã tưới mát cho cây trồng, đặc biệt giúp hàng nghìn hộ trồng cà phê tại địa phương bớt được một đợt tưới. Nhận lộc trời ngày đầu năm, nông dân Kon Tum hy vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa.