Nông Dân Tích Cực Chăm Sóc Dưa Hấu Tết

Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh đang ra sức chăm sóc những rẫy dưa với hy vọng có được vụ mùa bội thu. Qua khảo sát, trong vụ dưa hấu tết năm nay đa phần nông dân đều lựa chọn trồng giống dưa chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp và được thị trường ưa chuộng.
Ngoài các giống dưa Hắc Mỹ Nhân, Thành Long được trồng đại trà thì nhiều nông dân chọn trồng các giống dưa truyền thống có mẫu mã đẹp, giữ được lâu và bán chạy như: An Tiêm, Hồng Cúc cho trái to tròn, thường sử dụng để chưng trong dịp tết. Vì thế, sản phẩm dưa hấu phục vụ thị trường tết năm nay nhìn chung khá phong phú, đa dạng về chủng loại và chất lượng hơn so với năm trước.
Thay vì trồng rau cải như những vụ trước, năm nay nhờ điều kiện thuận lợi nên anh Thạch Hồng Thắng ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên quyết định trồng dưa hấu phục vụ thị trường tết. Theo anh Thắng, thời tiết năm nay thuận lợi nên sâu bệnh ảnh hưởng đến dưa hấu cũng hạn chế khá nhiều. Anh cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi hy vọng vụ dưa hấu tết năm nay sẽ có giá cao”.
Hiện nay, bà con trong xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên đang tập trung chăm sóc, theo dõi sự phát triển của loại cây trồng này. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, bà con đã chủ động chuyển sang trồng một số loại cây màu khác nên so với cùng kỳ năm 2014 thì diện tích trồng dưa Tết của xã giảm khoảng 1/4, chỉ còn 5 ha, nguyên nhân chủ yếu là do bà con đã nắm bắt được nhu cầu của thị trường dưa Tết những năm qua, đồng thời ý thức được sự cạnh tranh của dưa Tết ở nhiều địa phương khác nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu làm dưa rớt giá.
Anh Dương Tha, ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên nói: “Năm nay tôi không trồng dưa mà trồng khổ qua vì giá dưa hấu năm rồi quá thấp”.
Trồng dưa hấu được xem là mô hình khá hiệu quả, nhờ nó mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên để mô hình trồng dưa hấu phát triển ngày càng bền vững, thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp như: vận động bà con chuyển sang trồng các loại màu khác nhằm ổn định diện tích sản xuất, tránh tình trạng nông dân trồng ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá, gây tổn thất cho bà con, đồng thời tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con có một vụ mùa bội thu.
Ông Ngô Công Thoại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Diện tích trồng dưa hấu Tết trên địa bàn giảm một phần do chính quyền địa phương vận động bà con chuyển sang trồng các loại màu khác do lo ngại cung vượt cầu dẫn đến tình trạng rớt giá như năm rồi”.
Thời tiết năm nay ít mưa nên dưa hấu ít bị sâu bệnh, hiện dưa đang trong giai đoạn phát triển tốt, bà con đang tập trung chăm sóc. Do vậy bà con nông dân hy vọng giá dưa hấu sẽ được đẩy lên cao và hút hàng hơn các năm trước để góp thêm phần thu nhập khi tết đến xuân về.
Related news

Khi thấy việc trồng trọt không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước, năng suất ngày càng giảm, anh Trần Quang Khải (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã tìm cho mình một hướng đi mới từ chăn nuôi dê. Đầu năm 2004, với số tiền ít ỏi dành dụm được, anh mua 5 con dê giống về nuôi thử, đồng thời trồng cỏ lấy thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 20.000ha đất quy hoạch sản xuất lúa đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khiến vùng ven biển, ven sông đều nhiệm mặn.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho thấy xuất khẩu thủy sản trong quý I năm nay đạt khoảng 1,5 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm nay sẽ đạt 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu cá tra sẽ là 1,8 tỉ USD, bất chấp thị trường Mỹ đang gặp khó khăn vì nước này áp thuế chống bán phá giá ở mức cao gây bất lợi cho cá tra của Việt Nam.

Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là ba công cụ mà các nước nhập khẩu thời gian qua đã áp dụng vào hàng hóa thủy sản của Việt Nam.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, thời tiết nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nuôi; bên cạnh đó, một số tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng quá nhanh nên nguồn nước, chất lượng nước không được đảm bảo làm xảy ra dịch bệnh, dẫn đến tôm chết nhiều.