Nông Dân Mất Nhiều Tỷ Đồng Vì Giá Cà Phê Rớt Thảm
Chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 12, cà phê đã mất mốc 41 triệu đồng/tấn vào đầu tháng xuống mức 39 triệu đồng/tấn vào cuối tuần qua (ngày 12/12).
Giá cà phê giảm mạnh
Cụ thể, giá cà phê trên thị trường nội địa trong 2 ngày đầu tháng 11 giá đã giảm 600.000 đồng/tấn, từ 40,5- 41,1 triệu đồng/tấn xuống còn 40,1- 40,7 triệu đồng/tấn.
Đến ngày 4/12 giá cà phê tăng 400.000 – 500.000 đồng/tấn , lên lại mức 40,5 – 41,1 triệu đồng/tấn.
Sau đó giữ đà giảm giá từ 5/12 đến hết ngày 12/12, giá đã giảm giảm 1,7 triệu đồng/tấn, từ mức 40,4 – 41 triệu đồng/tấn xuống còn 39 – 39,5 triệu đồng/tấn.
Trong khi trước đó, từ đầu niên vụ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2014 giá cà phê trong nước luôn giao động trong khoảng 40-41 triệu đồng/tấn, thậm chí trước đầu niên vụ 2014-2015 giá từng đứng vững ở mức 42 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, cũng thời điểm này hàng bán ra và xuất khẩu lại không nhiều, chỉ khoảng 190.800 tấn cà phê, trong đó tháng 11/2014 đạt 95.000 tấn (số liệu Tổng cục Thống kê ước tính).
Việc giá giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn khiến nông dân trồng cà phê tiếc nuối, nhiều người đã phải tìm cách vay ngân hàng để không phải bán ra với giá thấp như hiện nay.
Theo lý giải của chuyên gia trong ngành hàng cà phê, thời điểm đầu niên vụ người mua và giới đầu cơ đã từng mong giá thấp để mua vào nhưng do việc xuất bán không nhiều, không tạo thành sức ép bán ra nên giá kỳ hạn và nội địa đã có điều kiện đứng ở mức cao như vậy.
Một số chủ doanh nghiệp lý giải, cả bên mua và bên bán đều đang thăm dò nhau do những dự báo được đưa ra trước đó về việc mất mùa cà phê khiến tâm lý giữ hàng xuất hiện trên thị trường.
Bằng chứng là ảnh hưởng từ 2 trận bão số 4, 5 vừa qua mặc dù không trực tiếp nhưng có thể khiến hàng ra chậm 1-2 ngày, mưa đã kích hoa của vụ sau ra sớm, song sẽ không sinh trái nhiều do đó nhiều nhà vườn dự báo sản lượng giảm, tâm lý mấy mùa ở niên vụ tới khiến người bán có ý định găm hàng.
Phụ thuộc thị trường thế giới
Không ngoại lệ so với nhiều mặt hàng nông sản khác, cà phê của Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới do tổng tiêu thụ cà phê của thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng cà phê sản xuất và có tới 90% còn lại xuất khẩu.
Theo đó, trong thời gian vừa qua khi sàn kỳ hạn tăng, giá trong nước cũng tăng nhưng chỉ tăng mức khiêm tốn trong khi giá kỳ hạn giảm giá nội địa lại rớt thảm hại.
Để khắc phục việc phụ thuộc vào thị trường thế giới, biện pháp đưa ra là nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê nhờ việc chế biến, thúc đẩy tiêu dùng nội địa đồng thời nâng cao chất lượng cà phê nhân thô và có những đàm phán có lợi hơn khi thực hiện với các nhà nhập khẩu cà phê Việt Nam.
Kết quả cuộc khảo sát về thị trường cà phê tại Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực châu Á năm 2013 của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh) cho thấy, thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam sẽ đạt 573,75 triệu USD vào năm 2016.
Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước cũng đưa ra ước tính rằng, chỉ cần 20% số dân Việt Nam uống thêm một ngày một ly cà phê (bình quân 25g/ly), mỗi năm sẽ tiêu thụ thêm 128.000 tấn cà phê bột, tương đương với 196.000 tấn cà phê nhân, chiếm 14% sản lượng cà phê hàng năm.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang thị trường nội địa hiện chỉ diễn ra ở một vài doanh nghiệp cà phê lớn, còn đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cho rằng rất khó khăn.
Nguyên nhân chính bắt nguồn từ nhu cầu xoay vòng vốn và cân đối lợi nhuận. Để làm ra 1kg cà phê rang xay loại phổ thông doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí khoảng 23.000-27.000 đồng.
Nếu muốn bán tại thị trường nội địa, doanh nghiệp sẽ phải cộng thêm các chi phí rất lớn khác như chi phí đưa hàng vào siêu thị, nhân công, tiếp thị sản phẩm. Chưa kể phải khấu trừ các khoản hàng tồn kho, gối đầu.
Vì thế dù giá bán đến người tiêu dùng có thể gấp ba lần giá thành nhưng lợi nhuận thu được chỉ vào khoảng 5-7%. Trong khi, nếu xuất khẩu cà phê nhân thì lợi nhuận có thể lên tới 30-50%.
Nguồn bài viết: http://cafef.vn/nong-thuy-san/nong-dan-mat-nhieu-ty-dong-vi-gia-ca-phe-rot-tham-2014121611572470017ca52.chn
Related news
Đạ Huoai, vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất ở Lâm Đồng, đang tiếp tục bị thiệt hại nặng do nấm Phytophthora Palmivora gây ra trên diện rộng. Đáng chú ý, hiện tượng bệnh nấm gây hại tại hầu hết tám xã và hai thị trấn của huyện đã kéo dài hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được
Sau 3 tháng chăm sóc, những cây bí này bắt đầu ra hoa, kết trái. Theo sự chỉ dẫn của những người bạn ở bên Mỹ, ông Phan hái bỏ những quả nhỏ, yếu, chỉ để lại những quả to, khỏe để cây tập trung nuôi dưỡng. Đến nay, vườn bí ngô của gia đình người đàn ông này có 24 quả chín, có màu vàng bóng, vỏ mỏng
Theo nhiều đánh giá, mô hình nuôi cua đồng cho lợi nhuận cao, một phần do cua nhanh cho thu hoạch, dễ tiêu thụ, dễ chăm sóc, một phần là do trên cùng một diện tích đó, người dân có thể thu được 3 - 4 sản phẩm có giá trị kinh tế khác như lúa, chạch, cá...
Cây bần chua được trồng trên tuyến đê của xã Triệu Phước thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không chỉ trở thành một “vành đai xanh” chắn sóng mà còn tạo thêm thu nhập cho người dân.
Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quốc gia (TTKNKNQG) phối hợp Sở NN-PTNT Hà Nội vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với Chuyên đề “Liên kết trong SX và tiêu thụ RAT theo hướng VietGAP”. Các đại biểu đã mổ xẻ, phân tích thì thấy rằng mô hình RAT vẫn loay hoay chưa tìm được bước đi đột phá.Các địa phương vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển RAT