Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Liên Kết Trong Chăn Nuôi

Nông Dân Liên Kết Trong Chăn Nuôi
Publish date: Thursday. May 17th, 2012

Nhờ mạnh dạn liên kết làm ăn theo mô hình Câu lạc bộ (CLB) mà thời gian qua, nông dân thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi) không chỉ "né" được những rủi ro, nâng cao chỉ số lợi nhuận mà còn tạo sức lan tỏa trong phong trào phát triển chăn nuôi ở địa phương.

Ra đời từ cuối năm 2010, CLB chăn nuôi An Tỉnh thu hút 22 hội viên tham gia nuôi hàng chục nghìn con heo, gà thả vườn. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, vốn thì các hội viên trong CLB còn thống nhất bố trí lệch thời gian chăn nuôi để tránh quá tải đầu ra của sản phẩm.

Hiệu quả của liên kết

Anh Lương Văn Thanh, hội viên CLB chăn nuôi An Tỉnh cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nuôi gà với mục đích cải thiện bữa ăn, chứ không dám tính chuyện làm ăn lớn vì ngán… dịch bệnh! Nhưng từ khi tham gia vào CLB, tôi đã mạnh dạn nâng số lượng gà từ vài chục lên 500 - 1.000 con". Lý giải cho sự thay đổi này, anh Thanh bảo rằng: Sau khi tham gia vào CLB, "tay nuôi" của anh Thanh "mát" hẳn nhờ được nhiều chủ gà chia sẻ kinh nghiệm từ khâu lựa chọn con giống, thức ăn đến việc phát hiện và chữa bệnh cho gà. Nhờ vậy mà chỉ sau 2 năm, từ một nông dân "trắng" kiến thức và kinh nghiệm nuôi gà, anh Thanh trở thành người dẫn đầu về số lượng đàn gà trong CLB. "Nuôi gà dễ mà khó vì phải thường xuyên quan sát, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường của nó để điều trị kịp thời, nếu không dịch bệnh sẽ quét sạch", anh Thanh chia sẻ.

Nếu như sau khi tham gia vào CLB, anh Thanh có thêm nghề nuôi gà, thì anh Huỳnh Quốc Hưng lại có cơ hội "quay về" với gà sau nhiều phen "chết dở". Chuyện là vài năm trước, nhận thấy thị trường thịt gà đang "khát" nên anh Hưng cũng tập tành nuôi… thử!. "Nuôi thử nhưng mất thật. Nguyên nhân là vì mình chưa có kinh nghiệm nên mua phải con giống không đảm bảo chất lượng, lại bị dịch cúm hoành hành nên gà cứ chết dần chết mòn", anh Hưng nhớ lại. Thậm chí nhiều bận gà đã đến kỳ xuất chuồng, bỗng dưng lăn đùng ra chết sạch do nhiễm vi rút cúm H5N1 khiến anh trắng tay. "Nhờ vào CLB mà mình có kinh nghiệm chọn được con giống tốt hay bí quyết "né" dịch nên tỷ lệ gà chết thấp, lợi nhuận vì thế cũng cao hơn", anh Hưng vui vẻ nói. Nhìn đàn gà 1.000 con khỏe mạnh, chuẩn bị xuất chuồng, anh Hưng phấn khởi: Năm nay gà được giá (95.000 - 100.000 đồng/kg) nên sau khi trừ chi phí, đàn gà này cũng cho lãi vài chục triệu đồng.

Vẫn còn lắm băn khoăn

CLB chăn nuôi An Tỉnh hiện có 22 hội viên với lượng gà, heo lên đến gần chục nghìn con. Điều đáng mừng là tuy chăn nuôi với số lượng lớn như thế, nhưng từ năm 2010 đến nay, đàn gà của các hội viên trong CLB chưa hề bị dịch hay "tắt" đầu ra. "Có được thành quả trên là nhờ hội viên thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau trong việc "kê đơn, bốc thuốc" cho gà; đồng thời bố trí lịch chăn nuôi xen kẽ, gối đầu nên tránh được hiện tượng quá tải, ứ đọng sản phẩm", anh Huỳnh Quốc Hưng - chủ nhiệm CLB cho hay.

Bên cạnh việc hỗ trợ kiến thức cho nông dân, thì CLB cũng là nơi giúp họ nâng cao ý thức chăn nuôi, hạn chế tình trạng dùng bừa bãi các chế phẩm như: Thuốc kháng sinh, chất kích thích… vì mỗi hội viên đều phải có "Sổ tay chăn nuôi", ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và thời gian sử dụng các loại thức ăn, tiêm phòng dịch bệnh... Mặt khác, nhờ liên kết chăn nuôi nên nông dân có điều kiện tiếp cận và lựa chọn các loại giống gà chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. "Trước đây mình mua giống ở chợ nên gà thường bị chết yểu, lại chậm lớn nên hay lỗ vốn. Từ khi CLB cho nuôi giống gà Cô Khanh (Bình Định), lợi nhuận cao hơn vì ít hao hụt, gà lại nhanh phát triển", chị Trần Thị Bích Thùy cho hay.

Tuy trở thành "bà đỡ" cho người chăn nuôi, nhưng hiện CLB chăn nuôi An Tỉnh cũng luôn thấp thỏm về "sự tồn vong" của mình, nhất là lời giải cho bài toán đầu ra sản phẩm và giá thành con giống. Bởi lẽ hiện nay, các loại gà được người tiêu dùng ưa chuộng như: Cô Khanh, Minh Dư… giá quá cao (22.000 đồng/con), gấp đôi giá gà địa phương nên người chăn nuôi khó có lãi. Mặc khác, dù nhu cầu thịt gà của thị trường hiện nay khá lớn, nhưng các hội viên lại không thể mở rộng quy mô chăn nuôi vì sợ điệp khúc "được mùa, rớt giá"! Để tránh tình trạng này, CLB đã bố trí lệch thời gian nuôi giữa các hộ, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, nhất là doanh nghiệp (DN). "Nhiều DN ngỏ ý muốn đầu tư, tiếp sức để CLB phát triển bằng cách cho mượn thức ăn, cung ứng con giống giá rẻ, nhưng khi đề cập đến việc bao tiêu sản phẩm thì họ… lơ và hứa!", ông Nguyễn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Thắng cho hay.

Việc nông dân chủ động liên kết trong chăn nuôi là hướng đi đúng, vừa giảm thiểu những rủi ro, tăng lợi nhuận, vừa thúc đẩy phong trào chăn nuôi ở địa phương phát triển theo hướng quy mô, hiệu quả. Tuy nhiên, để các mô hình này không bị chết "yểu", thực sự là chỗ dựa vững chắc cho nông dân thì rất cần sự trợ giúp của các "nhà", chứ không phải để nhà nông mãi "tự bơi" như hiện nay.

Related news

Lão Nông Sang Nhật “Săn” Giống Đậu Bắp Lão Nông Sang Nhật “Săn” Giống Đậu Bắp

Mong muốn tìm ra được loại giống đậu bắp thuần chủng đạt chuẩn, kháng sâu bệnh, năng suất cao, đáp ứng được thị trường xuất khẩu, lão nông Lê Văn Trung (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã sang Nhật và “săn” được giống tốt.

Saturday. June 15th, 2013
Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng-Vật Nuôi, Theo Hướng Phát Triển Bền Vững Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng-Vật Nuôi, Theo Hướng Phát Triển Bền Vững

Huyện Thuận Bắc có 6 xã với dân số gần 39.000 người, trong đó dân tộc Raglai và dân tộc Chăm chiếm đến 70%. Tuy là địa phương có diện tích đất tự nhiên tương đối rộng, với gần 320 km2, nhưng phần lớn là đồi núi, đất dốc và sỏi đá, tiềm năng để tạo động lực phát triển còn hạn chế, đời sống đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn.

Saturday. June 15th, 2013
Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thep Phương Pháp Sinh Học Đạt Hiệu Quả Cao Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thep Phương Pháp Sinh Học Đạt Hiệu Quả Cao

Về thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, hỏi những người nuôi tôm ai cũng biết anh Phạm Sơn, người nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả nhất của xã Cẩm Thanh nói riêng và thành phố nói chung trong hai năm qua. Một trong những bí quyết thành công của anh là nuôi tôm thẻ theo phương pháp sinh học, hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình nuôi, một hướng nuôi tôm bền vững đang được ngành nông nghiệp khuyến cáo.

Saturday. June 15th, 2013
Thoát Nghèo Từ Mô Hình Trang Trại Thoát Nghèo Từ Mô Hình Trang Trại

Những năm gần đây, ở xã miền núi huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định không ít nông dân tận dụng tốt tiềm năng đất đai để đầu tư sản xuất và đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong đó có chị Huỳnh Thị Sương ở thôn Định An, thị trấn Vân Canh.

Saturday. June 15th, 2013
Nuôi Cá Bống Tượng Xóa Nghèo Nuôi Cá Bống Tượng Xóa Nghèo

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong những năm gần đây ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều gia đình khá lên nhờ mô hình nuôi cá bống tượng trong lồng bè. Trong số đó phải kể đến anh Lương Ngọc Hải - một trong số những người đầu tiên nuôi cá bống tượng.

Saturday. June 15th, 2013