Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu

Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu
Publish date: Tuesday. December 1st, 2015

Việc phát triển diện tích hồ tiêu đã giúp nông dân có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu gần 500 gốc đang phát triển xanh tốt, ông Nguyễn Mạnh, ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp cho biết: “Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây cà phê và hồ tiêu.

Những năm trước, dịch bệnh xuất hiện cùng giá cả xuống thấp làm nản lòng không ít nông dân nhưng tôi vẫn kiên trì giữ lại vườn tiêu, nỗ lực chăm sóc và tìm kiếm các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nên vườn tiêu của gia đình tôi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, gần 150 triệu đồng/năm.

Vài năm trở lại đây giá tiêu phục hồi nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi.

Sắp tới tôi dự tính sẽ trồng mới thêm 200 gốc tiêu nữa”.

Với lợi thế có vùng đất đỏ bazan màu mỡ, nhiều năm trước đây hồ tiêu được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa.

Tuy nhiên, qua một thời gian dài do dịch bệnh hoành hành cùng với giá tiêu xuống thấp đã khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn giảm sút nhanh chóng.

Vài năm trở đây cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây hồ tiêu của chính quyền địa phương và trợ giúp của các tổ chức xã hội nên diện tích cây hồ tiêu không ngừng tăng lên.

Ông Lê Long, ở thôn Tân Xuyên (Tân Hợp) tranh thủ thời tiết thuận lợi vừa trồng xen thêm 300 gốc hồ tiêu trên diện tích cà phê gần 1,5 ha của gia đình.

Ông Long cho biết: “Giá cà phê mấy năm nay xuống thấp nên thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng, bên cạnh trồng các loại cây như gừng, lạc để lấy ngắn nuôi dài, gần đây giá tiêu hạt khá cao và ổn định nên tôi quyết định trồng xen hồ tiêu trên diện tích cà phê để tăng thu nhập”.

Đây được xem là một trong những giải pháp được nhiều nông dân huyện Hướng Hóa lựa chọn trong thời gian qua để đối phó với tình trạng bấp bênh về giá cả của cây cà phê.

Không chỉ ở xã Tân Hợp, nông dân ở các địa phương có cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây hồ tiêu như: Tân Liên, Hướng Phùng, thị trấn Khe Sanh, người dân cũng tích cực mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Đến thăm gia đình anh Võ Công Trí, ở thôn Đại Thủy, một trong những nông dân có diện tích cây hồ tiêu khá lớn ở xã Tân Liên.

Anh Trí cho biết: “Cây hồ tiêu gắn với gia đình tôi từ lâu, hiện trong vườn nhà tôi có 400 gốc tiêu.

Vụ hồ tiêu năm ngoái với sản lượng thu hoạch gần 600 kg tiêu khô, gia đình tôi thu nhập hơn 120 triệu đồng.

Nếu so với trồng cà phê thì thu nhập từ cây tiêu ổn định hơn nhiều”.

Anh Trí cho biết thêm, ngoài diện tích được trồng tại vườn nhà, anh còn mở rộng thêm một vườn hồ tiêu hơn 500 gốc, đến nay được hai năm tuổi, đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch lứa đầu vào năm sau.

Được biết anh Trí là thành viên tích cực của câu lạc bộ chăm sóc vườn tiêu do UBND xã Tân Liên thành lập năm 2013, với sự hỗ trợ của tổ chức Roots of Peace (ROP) về phục hồi và phát triển mới diện tích hồ tiêu được thực hiện tại địa bàn xã Tân Liên.

Hiện toàn xã Tân Liên có 50 hộ tham gia dự án này thông qua hai câu lạc bộ trồng tiêu bền vững, với hình thức hỗ trợ 50% chi phí vật tư, cây giống, kinh phí tập huấn kỹ thuật, người dân tham gia tự đối ứng 50% vốn còn lại.

Đây là mô hình liên kết khá hiệu quả trong việc phát triển cây hồ tiêu đang được huyện Hướng Hóa khuyến khích nhân rộng.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 200 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh.

Với việc giá tiêu hạt đứng ở mức cao như hiện nay, dự báo diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên để cây hồ tiêu ở Hướng Hóa phát triển bền vững, trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu Quảng Trị, bên cạnh khuyến khích người dân mở rộng diện tích.

Vấn đề phòng chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu chọn giống, chăm sóc và thu hái hồ tiêu cần được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Có như vậy người dân mới yên tâm mở rộng diện tích hồ tiêu, tránh những rủi ro bởi hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, một số dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị, nguy cơ lây lan trên diện rộng vẫn tiềm tàng nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Khả cho biết: Theo kế hoạch năm 2015, toàn huyện Hướng Hóa sẽ trồng mới 18 - 20 ha hồ tiêu.

Để tránh nguy cơ do dịch bệnh nảy sinh, trong quá trình trồng và chăm sóc hồ tiêu, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng, chú ý đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng tiêu từ khâu chọn giống, ươm trồng và trong quá trình chăm sóc.

Khi phát hiện dấu hiệu hồ tiêu dịch bệnh cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có giải pháp phòng trừ hiệu quả.

Đặc biệt người dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu một cách tự phát mà cần tuân thủ quy hoạch chung của của các cơ quan chức năng...


Related news

Đồng Bằng Sông Cửu Long Nuôi Tôm “Cầm Chừng” Đồng Bằng Sông Cửu Long Nuôi Tôm “Cầm Chừng”

Giá tôm trên thị trường hiện nay tại ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức khá cao. Tôm sú 30 con/kg, giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Friday. August 2nd, 2013
Giới Thiệu Sơ Lượt Về Cá Koi (Cá Chép Nhật) Giới Thiệu Sơ Lượt Về Cá Koi (Cá Chép Nhật)

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Monday. April 15th, 2013
Giải Nguy Người Nuôi Cá Tra Giải Nguy Người Nuôi Cá Tra

Hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lâm vào cảnh điêu đứng, gian nan. Đã có người treo ao, bán đất vì làm ăn thua lỗ, nợ nần bủa vây. Một số người cố gắng duy trì nuôi cá theo hình thức gia công cho DN để trả nợ ngân hàng. Họ chờ đợi, và cầm cự. Trước mắt người nuôi cá mong muốn ngân hàng sớm vào cuộc giải cứu...

Friday. August 2nd, 2013
Hiệu Quả Mô Hình Canh Tác Mè Trên Nền Đất Lúa Hiệu Quả Mô Hình Canh Tác Mè Trên Nền Đất Lúa

Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Wednesday. August 22nd, 2012
Cá Tra Lại Cần Gỡ Khó Cá Tra Lại Cần Gỡ Khó

Bộ NNPTNT vừa ban hành Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020.

Sunday. August 26th, 2012