Nông dân giỏi tạo vị thế mới cho nông thôn
Đó là lời khen ngợi và cũng là mối bận tâm mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu tại buổi tiếp Đoàn đại biểu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” tại Phủ Chủ tịch sáng 13.10.
Chương trình có sức cổ vũ, động viên mạnh mẽ
Phát biểu tại buổi tiếp kiến, thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội NDVN và nông dân cả nước, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Hội NDVN, đại biểu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” và dành thời gian tiếp đoàn.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu ghi nhận vai trò to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam.
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” là hoạt động do Trung ương Hội NDVN chỉ đạo tổ chức hàng năm nhằm động viên, cổ vũ gương nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội nông thôn.
Chương trình được triển khai lần đầu năm 2013 đã tạo ấn tượng sâu sắc; được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành ủng hộ; cán bộ, hội viên, nông dân cả nước hoan nghênh, hưởng ứng.
Các nông dân đạt danh hiệu xuất sắc năm 2013, 2014 đến nay vẫn tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã báo cáo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kết quả công tác chuẩn bị và bình chọn, tôn vinh, trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”; nêu bật mục đích, ý nghĩa của chương trình này.
“Chương trình là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của xã hội đối với giai cấp nông dân”- ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định.
Cần hỗ trợ thêm nông dân trong hội nhập
" Nông dân ta rất giỏi, sáng tạo, sáng chế, cải tiến ra rất nhiều loại máy móc, thiết bị...
Trí tuệ người Việt Nam ở đâu cũng có, không phân biệt thành phố, nông thôn, thành phần dân tộc, quan trọng là môi trường, có cơ hội để phát huy”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
Ba điển hình nông dân Việt Nam xuất sắc đại diện cho 3 miền, gồm ông Phạm Văn Hinh (tỉnh Lào Cai), bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (Kon Tum) và ông Nguyễn Hoàng Nam (Trà Vinh) đã phát biểu bày tỏ niềm tự hào được Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội NDVN trân trọng, tôn vinh và tạo điều kiện để các điển hình nói riêng cũng như người nông dân nói chung vươn lên khẳng định mình trong sản xuất và cuộc sống.
Các điển hình cũng đã chia sẻ một số thông tin cơ bản về mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình và đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Hội NDVN một số vấn đề liên quan đến thị trường nông sản, cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh, cơ chế hỗ trợ nông dân sáng tạo… Các ý kiến đều mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân hiện nay.
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các đại biểu nông dân xuất sắc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ vui mừng được tiếp đoàn đại biểu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015”.
Phó Chủ tịch nước khẳng định vai trò, vị trí của Hội NDVN, giai cấp NDVN trong lịch sử, nhất là trong các thời kỳ cách mạng có Đảng lãnh đạo đến nay và bày tỏ phấn khởi trước những đóng góp to lớn của nông dân Việt Nam đối với những thành tựu của đất nước.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, chính sự thông minh, sáng tạo, cần cù của người nông dân nói chung, mà điển hình là những nông dân xuất sắc, đã đem đến vị thế mới cho nông nghiệp, diện mạo mới cho nông thôn nước ta.
Phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức của nông nghiệp, nông dân, nông thôn khi vào cuối năm nay, Việt Nam chính thức gia nhập thị trường chung ASEAN, chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phó Chủ tịch nước đề nghị Hội NDVN tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ, tập huấn giúp nông dân vượt qua thách thức của hội nhập.
“Nông dân ta rất giỏi, sáng tạo, sáng chế, cải tiến ra rất nhiều loại máy móc, thiết bị.
Trí tuệ người Việt Nam ở đâu cũng có, không phân biệt thành phố, nông thôn, thành phần dân tộc, quan trọng là môi trường, có cơ hội để phát huy…” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước cũng nhất trí với kiến nghị của các đại biểu đối với Đảng, Nhà nước, nhất là đề xuất cần phải nghiên cứu nông dân sâu hơn, hỗ trợ thêm cho nông dân về thông tin thị trường, liên kết sản xuất, thúc đẩy các chính sách cho nông dân chuyển động nhanh hơn, hiệu quả hơn nữa.
Cuối buổi tiếp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tặng quà lưu niệm cho 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” và chụp ảnh lưu niệm với đoàn.
Đưa thông tin đến nông dân nhiều hơn
Trang trại của tôi có 10ha chuyên trồng rau, hoa quả như dâu tây, bơ, cà chua… đang tiến tới áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Các tập đoàn lớn đang tiến vào nông nghiệp do hội nhập nhưng nông dân đang gặp thách thức bởi sản xuất quy mô nhỏ, giới hạn về đất đai (tối đa chỉ tích tụ được 30ha).
Đề nghị Đảng, Nhà nước, địa phương đưa thông tin, nhất là thông tin thị trường tới nông dân nhiều hơn… ND Nguyễn Thị Thiện Mỹ (Kon Tum)
Giúp nông sản tăng sức cạnh tranh
Gia đình tôi làm trang trại, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 100 tấn lợn thịt, gia cầm, cá.
Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi còn kém cạnh tranh, nhất là với nông sản của Trung Quốc.
Điều này có nhiều lý do, trong đó có chi phí cho sản xuất còn cao.
Cả tỉnh Lào Cai chưa có nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến thực phẩm nào.
Đề nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là địa phương vùng cao, miền núi... ND Phạm Văn Hinh (Lào Cai)
Hỗ trợ bảo hộ quyền sáng chế
Thủ tục công nhận sáng tạo, sáng chế cho nông dân còn rườm rà.
Hiện nay nông dân phải đợi 36 tháng sau đăng ký mới được công nhận sáng chế.
Tôi làm ra cái máy tỉa đậu, không dám đưa ra bởi đưa ra là sợ bị copy.
Chờ 36 tháng sau mới được cấp thì lúc này nông dân thu đậu và trồng dưa rồi.
Tôi đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận tạm thời cho nông dân sáng chế trong thời gian chờ bằng chứng nhận chính thức. ND Nguyễn Hoàng Nam (Trà Vinh)
Related news
Thực hiện các chương trình cải tạo, nâng cấp và phát triển đàn bò vàng Việt Nam, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều dự án nhằm lai tạo và cải thiện đàn bò của tỉnh như Sind hóa, Zebu hóa đàn bò. Hiện nay, Vĩnh Phúc có tổng đàn bò trên 94.000 con, trong đó, đàn bò lai đã chiếm trên 70%.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi từ mô hình nuôi con năng suất thấp sang mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi cá chép lai cho năng suất cao.
Ngay đầu vụ nuôi năm 2014, tình hình dịch bệnh trên các hồ tôm ở Phú Yên nói chung và huyện Đông Hòa nói riêng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ nuôi. Riêng ông Lê Thanh Hải ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), nhờ áp dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc vào nuôi tôm nên mang lại kết quả cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nuôi ong lấy mật là nghề không còn xa lạ đối với người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều hộ dân trong tỉnh chủ yếu nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số hộ dân đã biết tận dụng diện tích vườn đồi, rừng và trang trại để phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao.
Đại Từ được coi là “vựa chè” của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích chè cho thu hoạch hơn 6.000 ha, chiếm 1/3 diện tích của tỉnh Thái Nguyên, và là huyện có diện tích chè đứng thứ hai so với cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng.