Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Cái Nước Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm

Nông Dân Cái Nước Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm
Publish date: Monday. June 30th, 2014

Theo kế hoạch, năm 2014 huyện Cái Nước sản xuất 3.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, tập trung ở một số xã nằm trong vùng khép kín như: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Hoà Mỹ và Tân Hưng. Đến thời điểm này đã có hơn 2.200 hộ dân đăng ký với diện tích trên 3.100 ha và sẵn sàng xuống giống khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Để thực hiện thắng lợi vụ lúa trên đất nuôi tôm, ngay từ đầu năm, công tác tuyên truyền được chính quyền các địa phương đẩy mạnh. Nhờ đó, người dân thấy được lợi ích của việc cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm và đăng ký tham gia.

Anh Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, tâm sự, mặc dù năng suất vụ lúa trên đất nuôi tôm của gia đình anh năm 2013 không đạt như mong muốn, nguyên nhân là do thời tiết mưa ít, nắng nhiều dẫn đến việc rửa mặn chưa tốt.

Rút kinh nghiệm, năm nay sau khi mùa mưa bắt đầu, anh tranh thủ rửa mặn sớm, bằng cách bơm tát toàn bộ lượng nước mặn trong vuông tôm ra bên ngoài, để hứng nước mưa vào vuông làm cho độ mặn trong vuông tôm giảm xuống và tiếp tục bơm rửa nhiều lần, khi độ mặn trong vuông nuôi tôm phù hợp mới tiến hành gieo sạ.

Anh Mai Phước Toàn cho biết thêm, gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm không khó, nhưng cái khó nhất là khâu rửa mặn, nếu rửa mặn triệt để xem như vụ lúa - tôm thành công. Ưu điểm lớn nhất của vụ lúa trên đất nuôi tôm là không có sâu bệnh, vốn đầu tư cũng ít, nên bất kỳ nông dân nào có vuông tôm nằm sâu trong nội đồng hoặc trong vùng khép kín cũng có thể thực hiện được.

Chính từ ưu điểm này, năm nay huyện Cái Nước còn quy hoạch khép kín thêm 200 ha lúa tôm tại địa bàn ấp Tân Bửu (xã Tân Hưng) và được ngành chức năng tiến hành lắp đặt 2 trạm bơm có công suất lớn, để bơm chống ngập úng khi thời tiết mưa lớn kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, phấn khởi chia sẻ, nếu như năm trước khi triển khai thực hiện mô hình gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, bà con nông dân rất ngại vì sợ bị thiệt hại do thời tiết bất lợi, còn năm nay có được 2 trạm bơm nước để phục vụ cho gieo cấy lúa, nên bà con nông dân rất an tâm và sẵn sàng xuống giống khi thời tiết thuận lợi.

Ðiểm mới trong công tác chỉ đạo sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, ngoài việc khuyến cáo bà con chọn những giống lúa chịu mặn, có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện gieo trồng trên ruộng lúa - tôm, ngành chức năng huyện Cái Nước còn vận động bà con chọn giống lúa cấp xác nhận để nâng cao năng suất và chất lượng lúa thương phẩm, giúp bán được giá, tăng thu nhập cho nông dân.

Ðặc biệt, năm nay ngành chuyên môn sẽ không tổ chức tập huấn kỹ thuật vào đầu vụ như những năm trước, lý do là hiện nay hầu hết bà con nông dân đều am hiểu kỹ thuật, từ khâu cải tạo, rửa mặn, chọn giống, cho đến khâu chăm sóc bón phân và phòng ngừa sâu bệnh.

Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, là một trong những nông dân có thâm niên gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm, rất đồng tình với quan điểm này.

Ông cho rằng, kể từ khi chuyển đổi sản xuất sang luân canh lúa - tôm kết hợp, hầu như năm nào ngành chuyên môn cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật và nội dung cũng không có gì mới lạ, nên không nhất thiết phải tập huấn nữa.

Ông đề nghị ngành chuyên môn nên tổ chức hội thảo đầu bờ để bà con nông dân có điều kiện tham gia, trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn, như thế sẽ thiết thực và hiệu quả hơn.

Sau hơn 10 năm chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang luân canh lúa - tôm kết hợp, nông dân Cái Nước luôn nỗ lực thực hiện chủ trương gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm và có không ít hộ dân đã vươn lên khá, giàu từ mô hình này.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, năm nay lượng mưa phân bố khá đều, sẽ thuận lợi cho vụ lúa trên đất nuôi tôm phát triển. Vì vậy, bà con nông dân không nên nóng vội, mà hãy chọn thời điểm gieo cấy thích hợp và đúng lịch thời vụ, nhằm giúp cây lúa phát triển tốt, đạt vụ mùa bội thu.


Related news

Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Cá Rô Thu Nhập Cao Nhờ Nuôi Cá Rô

Về xã Tân Trung, hỏi ông Hai Xích nuôi cá rô rất nhiều người biết bởi cái tính chịu khó, luôn tìm tòi trong sản xuất kinh tế. Ngay con đường vào nhà ông là hai ao nuôi cá rô được ông thiết kế bài bản, tạo sức hấp dẫn đối với những ai đến tham quan mô hình nuôi cá của ông.

Sunday. March 10th, 2013
Không Nuôi Chim Yến Tại Các Khu Đô Thị Mới Và Khu Vực Trung Tâm TP. HCM Không Nuôi Chim Yến Tại Các Khu Đô Thị Mới Và Khu Vực Trung Tâm TP. HCM

UBND TP.HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển TP.HCM nông thôn dự thảo Quy định về quản lý nuôi chim yến và quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Monday. June 24th, 2013
Tỉnh Sóc Trăng Cân Nhắc Việc Sản Xuất Lúa Xuân Hè Tỉnh Sóc Trăng Cân Nhắc Việc Sản Xuất Lúa Xuân Hè

Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng diễn ra ngày 8/3, các đại biểu đã thảo luận nội dung trọng điểm của địa phương là tình hình xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa Xuân Hè (còn gọi là lúa vụ 3) tại các địa địa bàn trong tỉnh.

Monday. March 11th, 2013
Làm Giàu Nhờ Cần Cù, Tiết Kiệm Làm Giàu Nhờ Cần Cù, Tiết Kiệm

Với tính cần cù, chịu khó, tinh thần say mê lao động, sau khi xuất ngũ vào năm 1980, ông Ngô Văn Chúa (ấp Tân Thới A, xã Tạ An Khương Đông) về quê bắt tay vào đa canh trên 2 ha đất do cha mẹ cho. 14 năm làm ruộng, 18 năm nuôi tôm, ông luôn là người thực hiện tốt phương châm “tích tiểu thành đa”.

Monday. June 24th, 2013
Thu Nhập Cao Từ Ổi Ruột Trắng Thu Nhập Cao Từ Ổi Ruột Trắng

Xã Phú Xuân (huyện Tân Phú - Đồng Nai) là nơi có nhiều diện tích đất đồi trồng cây ăn quả. Trong đó, ông Lâm Toàn Sơn ở ấp 1 là người đầu tiên đưa giống ổi ruột trắng Thái Lan về trồng trên vùng đất này. Với hơn 1,2 hécta đất vườn trũng, mỗi năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ vườn ổi giống mới này.

Monday. March 11th, 2013