Bảy Ánh Cá Chình

Đó là ông Nguyễn Hữu Ánh (Bảy Ánh, 51 tuổi, ở phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Người địa phương nói vô vuông cá chình nhà ông Bảy Ánh chỉ có 500m, nhưng chúng tôi phải dò dẫm trên “con đê” trơn nhớt mất gần cả tiếng đồng hồ mới tới nhà ông.
Nói là nhà nhưng thật ra đó là cái chòi khá lớn để trông giữ những cái vuông nuôi cá chình của ông Bảy Ánh – một người chí thú với nghề nuôi cá chình. Nhưng để giàu sụ từ con cá chình, Bảy Ánh đã trải qua nhiều lận đận.
Chủ cây xăng Vạn Lợi thố lộ: Hồi xưa, ông nội ông là điền chủ tại khu vực này. Trong nhà ông nuôi rất nhiều người ăn kẻ ở. Cha mẹ Bảy Ánh là một trong số bần nông ấy. Họ làm việc rất siêng năng, không nề hà cực nhọc. Tiền bạc kiếm được họ ăn uống dè sẻn, để dành, lần hồi có được một số vốn kha khá. Khi điền đất và cơ ngơi của ông chủ suy yếu, cũng là lúc Bảy Ánh bắt đầu sự nghiệp của mình.
Từ năm 2000 trở về trước, khu vực vuông nuôi cá chình của Bảy Ánh là nơi trồng lúa. Tiền dành dụm được từ hồi ở đợ, Bảy Ánh làm đủ thứ nghề kiếm thêm tiền mua 7 công ruộng, một năm 2 vụ lúa, năng suất bình quân từ 20 đến 25 giạ/công.
Làm quần quật chỉ đủ ăn nhưng Bảy Ánh lấy làm vui vì thoát kiếp nghèo. Không cam phận, khi thấy anh em trong hội nông dân địa phương phác họa mô hình nuôi cá chình, nuôi tôm, nuôi cá bống tượng… thay cây lúa, Bảy Ánh thấy lóe lên một tương lai xán lạn.
Không hấp tấp làm theo, Bảy Ánh cẩn trọng đi đến tìm hiểu tận tường một vài nơi nuôi cá thành công để tìm hiểu, rút kinh nghiệm. Ông thấy con cá chình rất hạp với môi trường nước ngọt lợ địa phương này. “Chúng rất dễ nuôi vì ít bị bệnh, hao hụt thấp, nuôi ăn cũng đơn giản. Chỉ cần những con cá rô phi đầy dẫy, rẻ rề ở xứ này thì việc nuôi cá chình chi phí rất thấp.” - vậy là ông tính chuyện nuôi cá chình.
Dù bị vợ gay gắt phản đối vì đây là loại “sinh vật lạ” ở đồng đất Cà Mau này, Bảy Ánh vẫn giữ vững quyết tâm sắt đá của mình để vừa nuôi bốn con nhỏ vừa tiến lên làm giàu. Để thử thời vận, ông đào 5 vuông, mỗi vuông 1.000 thước vuông, nuôi cá chình.
“Liều mạng” như vậy, 18 tháng sau, thu hoạch, Bảy Ánh lời khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí. Thật đúng như những người nuôi cá chình trước ông tiết lộ, nuôi cá chình lời gấp 5 lần làm ruộng. Gió lên thì thuyền lên, ba mùa vụ cá chình đi qua, số tiền Bảy Ánh kiếm được từ con cá chình đủ để mua thêm 2,5ha đất. Ông đào 25 vuông, vẫn nuôi cá chình.
Để nuôi cá chình thành công như vậy, ngoài bí quyết học nghề từ những người đi trước, Bảy Ánh còn tự rút kinh nghiệm tìm hiểu sau quá trình nuôi của mình. Kinh nghiệm đó cho biết muốn nuôi cá chình thành công đòi hỏi mỗi vuông cần có diện tích 1.000m2 trở lên.
Nuôi quảng canh với mật độ thưa, từ 2 đến 3 con/m2. Mỗi vuông thả từ 250 đến 280 con cá giống. Cá giống phải chọn những con khỏe mạnh, nhiều nhớt. Nguồn nước nuôi cá rất quan trọng. Nếu nước nhiều phèn, cá bỏ ăn, không phát triển, bị bệnh.
Độ phèn phải thích hợp. Lại nữa, nước từ đáy đến mặt phải từ 1,5m trở lên. Nước cạn dưới mức này không phải là điều kiện tốt giúp cá phát triển toàn diện. Thức ăn cho cá, cá rô phi phải tươi sống và băm sao cho vừa đủ để cá chình có thể ăn.
Cá băm lớn nhỏ phải tùy theo độ phát triển của cá chình, còn nhằm tránh hao tốn thức ăn nuôi cá. Cho cá ăn cũng là việc phải quan tâm chu đáo: cho ăn theo định kỳ: sáng hoặc chiều. Nhưng tốt nhất là lúc 4 giờ chiều.
Việc nuôi cá chình của Bảy Ánh ngày càng thuận lợi, ông mở rộng làm ăn bằng việc làm chủ vựa nuôi cá chình. Nhưng việc đời đâu phải gặp toàn may mắn. Bảy Ánh vấp phải việc “thân sơ thất sở” vì cái vựa cá chình này, khi không có đầu ra.
Thua keo này, Bảy Ánh bày keo khác. Ông vẫn bám chặt nghề nuôi cá chình. Lấy nó “trả nợ” nó. Trời không phụ người, việc nuôi cá chình của Bảy Ánh ngày càng thuận buồm xuôi gió. Có tiền, ông mua máy cắt cá để đỡ tốn công mệt sức cắt cá rô phi bằng kéo. Việc cho cá chình ăn gặp rất nhiều thuận lợi.
Cá lớn như thổi. Bảy Ánh là một thương hiệu cá chình có tiếng ở đất địa này, thương lái TPHCM biết tiếng đến thu mua khi cá chình lớn đến độ. Ngoài bán cá chình trong nước, họ còn xuất ra nước ngoài, như: Hàn Quốc, Singapore… Và, Bảy Ánh trở thành người giàu sụ từ con cá chình.
Làm giàu từ con cá chình, Bảy Ánh nhớ lại thân phận mình trước đây mà thương những phận đời khốn khó xung quanh. Ông chỉ vẽ cặn kẽ cho họ việc nuôi cá chình sao cho đạt kết quả tốt nhất. Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành, Phạm Minh Thúy, chia sẻ: “Bảy Ánh là người biết lấy ngắn nuôi dài để làm giàu. Anh không ích kỷ, giấu nghề, trái lại chỉ bảo tận tình cho những người khác làm giàu theo. Thu nhập mỗi năm của Bảy Ánh hàng tỉ đồng. Anh hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi cá chình của địa phương. Bảy Ánh được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh ba năm liền…”.
Vuông cá nằm sâu đằng sau cây xăng Vạn Lợi của Bảy Ánh là nơi khởi đầu cơ nghiệp nên ông nguyện giữ nó suốt đời, dù đường vào ngày mưa đất trơn, lầy lội. Còn nhà của ông ở gần cầu Cái Nhút cặp con đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, cách TP Cà Mau khoảng 10km. Đó là ngôi nhà tường khang trang, bề thế, nơi Bảy Ánh sống thư thả bên người con út. Để rồi, cứ đến hẹn là ông chạy xe gắn máy đến vuông chạy máy xắt cá mồi trước khi cho cá chình ăn. Cá chình là “máu thịt” của ông mà!
Related news

Đang làm thợ tại một xưởng cơ khí trong xã, có thu nhập ổn định, nhưng chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hào (27 tuổi), ở thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) quyết định bỏ việc để mở trại nuôi thỏ. Nhờ cần cù, chịu khó và quyết tâm dám nghĩ dám làm, đến nay anh Hào đã gây dựng cho mình một trang trại nuôi thỏ. Đây là một mô hình làm kinh tế khá mới mẻ và sẽ mở ra một hướng làm kinh tế mới cho người dân trong vùng...

Mạnh dạn đưa cây rau chế biến vào sản xuất vụ đông năm 2014, vừa qua, nông dân xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch được hơn 30 tấn dưa chuột bao tử và đang thu hoạch những lứa ngô bao tử đầu tiên. Kết quả này khẳng định hai cây trồng trên phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sản xuất tại địa phương, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân vùng cao.

Các hộ trồng điều trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) vừa cho biết, hiện giá điều đầu vụ đạt 26.500 đồng/kg, tức tăng 4.000 đồng so với thời điểm năm ngoái.

Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết, năm 2014 sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhiều thành tựu. Kết quả uớc giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2.041 tỷ đồng, tăng 0,17% so kế hoạch; trong đó trồng trọt đạt 834,055 tỷ đồng, chăn nuôi ước đạt 202,044 tỷ đồng, thuỷ sản ước đạt 304,800 tỷ đồng.

Dự án do Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Bình Định và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp thực hiện, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng kiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao trình độ thâm canh cây kiệu cho nông dân trồng kiệu ở huyện Phù Mỹ.