Loay Hoay Tìm Đầu Ra Cho Rau An Toàn
Dù mới đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu dùng, nhưng đầu ra cho rau an toàn tại TP HCM vẫn là bài toán nan giải.
Với những biện pháp kết nối tiêu thụ từ cơ quan quản lý, rau an toàn (trồng theo tiêu chuẩn VietGap) của các hợp tác xã ở TP HCM đang được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, đầu ra cũng dần ổn định. Tuy nhiên, để các hợp tác xã rau an toàn sống được cần rất nhiều chính sách hỗ trợ từ chính quyền và nhận thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng từ rau
Theo nghề trồng rau hơn 6 năm, ông Vũ Văn Hưng ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn trải qua 2 năm trồng rau theo kiểu truyền thống và bán trôi nổi ở các chợ nhỏ lẻ. Năm 2009, ông theo học lớp tập huấn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap do Trung tâm khuyến nông thành phố tổ chức và phải qua 3 lần thi thực hành mới được trao chứng nhận. Gia đình ông Hưng phải thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất, 80 liếp rau đều được che lưới, đánh số và ghi chép tỉ mỉ nhật ký đồng ruộng để cán bộ khuyến nông xã kiểm tra định kỳ.
Hiện gia đình ông trồng 4 loại rau chính là mồng tơi, tần ô, rau muống và rau gia vị các loại với tổng sản lượng mỗi ngày 300 kg rau và được hợp tác xã rau an toàn Ngã Ba Giồng bao tiêu toàn bộ với giá 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng trung bình gia đình ông thu nhập gần 30 triệu đồng.
Có đầu ra sản phẩm ổn định nên ông yên tâm sản xuất và dự kiến trồng thêm vài loại rau ăn lá nữa. Ông Vũ Văn Hưng cho biết: “Hiện 3.700m2 trồng rau được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ với giá 5.000 đồng/kg. Nhờ đó ổn định quanh năm, mùa mưa giá còn cao hơn, chừng 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Trước kia làm rau an toàn chỉ có 4 tiêu chí nhưng nay rau VietGap đến 12 tiêu chí, rất khắt khe. Mỗi lần gieo trồng phải có nhật ký đồng ruộng để kiểm tra. Nếu xảy ra ngộ độc, truy ra nguồn gốc, chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Vì không đưa được chất phụ gia vào nên rau an toàn nhìn chung xấu hơn rau trôi nổi rất nhiều, bán ở ngoài giá cũng rẻ hơn”.
Rau an toàn không thể xâm nhập chợ truyền thống
Xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn là 1 trong 3 địa bàn trọng điểm về phát triển rau an toàn của thành phố nên vài năm trở lại đây, diện tích trồng rau tăng lên nhanh chóng. Trong đó, đơn vị hoạt động hiệu quả nhất là hợp tác xã rau an toàn Ngã Ba Giồng với hơn 20 xã viên, trung bình mỗi ngày đưa ra thị trường gần 6 tấn rau các loại, cung cấp cho các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Coop Mart, Maxi Mart và 20 trường học tại huyện Hóc Môn.
Nông dân phụ trách sản xuất sản phẩm theo quy trình sạch, hợp tác xã lo khâu tiêu thụ và hỗ trợ xã viên về vốn, phân bón và tập huấn đưa giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hợp tác xã Ngã Ba Giồng trở thành chỗ dựa giúp nhiều nông dân giữ nghề, tích cực góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố.
Theo bà Cao Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, “hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, không chỉ giúp nông dân đầu ra cho sản phẩm mà cả đầu vào như mua phân bón, vật tư và trợ vốn sản xuất. Từ đó giúp hoạt động sản xuất rau an toàn tại xã ổn định. Việc gắn kết tiêu thụ có hiệu quả, nhưng thành phố cần có nhiều mô hình sản xuất chất lượng cao và đưa đến người nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Theo thống kê, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 10 hợp tác xã rau an toàn, trong đó có 6 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, số còn lại vẫn hoạt động cầm chừng. Để có mặt ở siêu thị, rau an toàn VietGap phải trải qua một quy trình kiểm tra khắt khe từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến đóng gói. Được chăm sóc theo đúng quy trình, rau phát triển tự nhiên, vì thế không có vẻ ngoài bóng bẩy và xanh tươi như các loại rau dùng chất kích thích khác.
Đây cũng là lý do khiến rau an toàn không thể xâm nhập vào các chợ truyền thống mà chỉ có thể có mặt ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi – nơi kiểm tra nghiêm ngặt đầu vào sản phẩm. Khi đầu ra vẫn còn bị giới hạn thì câu chuyện mở rộng diện tích trồng rau VietGAP vẫn là vấn đề khó khăn đối với nhiều hợp tác xã.
Ông Trần Ngọc Yên – Phó Chủ nhiệm HTX rau an toàn Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết: “Phải kiểm soát được chất lượng hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, khách hàng mới tin dùng, hợp tác xã mới tồn tại được. Hiện nguồn hàng đưa vào siêu thị đã ổn định rồi nhưng còn có thể mở rộng ra nữa vì xã Xuân Thới Thượng có tiềm năng về nông nghiệp”.
Mới đáp ứng 30% nhu cầu
Với định hướng xây dựng những kênh cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, tháng 11 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất đạt chuẩn VietGAP tại các kênh phân phối trên địa bàn thành phố. Sắp tới, thành phố cũng sẽ xây dựng thí điểm mô hình chợ an toàn, trong đó ưu tiên cho ngành hàng rau củ quả, nhân rộng hệ thống cửa hàng chuyên bán và giới thiệu rau VietGAP, đồng thời tăng cường ký kết các hợp đồng giữa nhà phân phối và sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá: “Nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố hiện rất cao về rau an toàn. Thành phố cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Sở Công thương thiết kế những khu riêng biệt bán sản phẩm rau an toàn để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Ngoài hệ thống bán lẻ còn có khu chế xuất – khu công nghiệp nên các nhà cung ứng có thể yên tâm. Cần đăng ký cụ thể số lượng, loại hàng để có những hợp đồng giải quyết đầu ra”.
Hiện tại, các đơn vị cung ứng của thành phố mới cung cấp gần 30% sản lượng rau VietGap theo nhu cầu, phần còn lại được nhập về từ các tỉnh trong khu vực; đó là chưa kể nhu cầu tiêu thụ hơn 60 tấn/ngày từ các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và trường học...
Có thể thấy, tại thành phố Hồ Chí Minh, tiềm năng còn rất lớn cho rau an toàn. Để rau an toàn được tiêu thụ mạnh hơn tại “sân nhà”, không thể thiếu những biện pháp kết nối tiêu thụ linh hoạt hơn từ các nhà quản lý. Điều quan trọng nữa là chính người tiêu dùng phải nâng cao ý thức, ưu tiên chọn lựa sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe. Khi hai chủ thể của việc cung – cầu gặp nhau thì câu chuyện đầu ra ổn định cho rau an toàn sẽ không còn là vấn đề khó khăn.
Related news
Sau khi Báo Đồng Nai có tin, bài phản ánh về tình trạng bắp không hạt ở xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) do nông dân sử dụng giống bắp 30T60 của Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam, phía công ty đã làm việc với địa phương và người dân để thương lượng mức bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại.
Đến thời điềm này, các vườn thanh trà ở Thủy Bằng (Thừa Thiên Huế) đều bị mất mùa mà chưa tìm được lý do. Thiệt hại đối với mỗi hộ dân ước tính khoảng từ 20 - 50 triệu.
Từ giữa tháng 7, giá lợn hơi toàn tỉnh bất ngờ tăng mạnh trở lại, điều này cũng đồng nghĩa thu nhập của người chăn nuôi đang được cải thiện..
Do giá và đầu ra các loại thủy sản như cá lóc, cá rô đầu vuông không ổn định nên nhiều nông hộ ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển sang nuôi cá thát lát cườm. Toàn huyện hiện có gần 10ha diện tích mặt nước và hơn 300 vèo nuôi loại cá này, tập trung nhiều ở xã Bình Thành, Hòa Mỹ và thị trấn Cây Dương (Hậu Giang)…
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là sang năm 2013, “đầu ra” cho con cá tra khó khăn, trong khi đầu vào tăng cao khiến cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều điêu đứng.