Nỗi lo treo ao khi cá tra rớt giá
Niềm vui khi giá cá tra tăng vọt chưa lâu (những tháng cuối năm 2014) thì bước sang đầu năm 2015 đến nay, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Hiện cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được các doanh nghiệp (DN) thu mua với giá 19.000 - 19.500 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay, với mức giá này, người nuôi đang lỗ khoảng 3.000 đồng/kg.
Chú Lê Văn Tiên ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp ngậm ngùi: “Giá cá hiện nay xuống quá thấp, đã vậy việc nhận tiền bán cá cũng rất khó khăn, nhiều hộ nuôi ở đây không còn vốn để tái đầu tư nên đã treo ao”.
Ông Lê Đình Châu ngụ ấp Tân Phú, xã An Nhơn tâm sự: “Hiện nay hầu như người nuôi cá tra nào cũng phải sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất. Để sản xuất một kilogram cá tra thành phẩm, người nuôi cá tra phải chịu nhiều loại lãi suất như: lãi suất ngân hàng, lãi suất từ đại lý thức ăn... ngay cả khi đã bán cá cho DN nhưng do DN chiếm dụng vốn lâu nên còn phải trả thêm phần lãi suất do bị chiếm dụng này. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, bao nhiêu thứ lãi suất đè nặng trên vai nông dân. Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nuôi để vốn vay đến được tận tay nông dân”.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm, Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho biết, do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là những khó khăn từ thị trường nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu cá tra của các DN không được thuận lợi. Mỹ, EU, Nga là các thị trường nhập khẩu lớn đối với sản phẩm cá tra phi lê Việt Nam, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan nên từ đầu năm đến nay, kim ngạch suất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường này giảm đáng kể.
Hiện nay, Mỹ đang áp mức thuế chống phá giá cá tra Việt Nam tăng cao gấp nhiều lần so với trước đây, hiện không có nhiều DN ở Đồng Tháp xuất khẩu cá tra được sang thị trường này. Song song đó, việc đồng EURO mất giá so với đồng USD cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó khăn khi cá tra nhập khẩu sang các thị trường này. Nga cũng là thị trường nhập khẩu lớn đối với sản phẩn cá tra phi lê, tuy nhiên 4 tháng đầu năm 2015 thì hầu như DN không xuất khẩu được sang thị trường Nga.
Hiện nay nhiều DN chuyển sang xuất khẩu thị trường mới như: Trung Đông, Châu Á, một số nước Đông Nam Á... Tuy nhiên, lợi nhuận xuất khẩu sang các thị trường này ở mức trung bình và thấp. Vì vậy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng song cả DN và người nuôi cá đều gặp khó khăn.
Theo ông Thái An Lai - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, với việc các nhà nhập khẩu liên tục thay đổi và áp dụng nhiều rào cản kinh tế thì tình hình xuất khẩu cá tra sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành kinh tế mũi nhọn này được tỉnh Đồng Tháp quan tâm. Trong đó, giải pháp mà ngành nông nghiệp đang thực hiện là tiến hành rà soát, quy hoạch vùng nuôi phù hợp. Song song đó, tỉnh cũng đang thực hiện xây dựng các vùng nuôi được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, đây là nền tảng trong việc đảm bảo kiểm soát chất lượng cá tra từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiến hành hướng đến việc xây dựng gắn kết các thành phần trong chuỗi sản xuất cá tra thành một chuỗi thống nhất. Trong đó, có sự tham gia gắn kết chặt chẽ giữa DN, người nông dân. Với chuỗi sản xuất khép kín này, cả DN và người nông dân đều được đảm bảo quyền lợi. Đây là giải pháp lâu dài mà tỉnh đang hướng tới.
Related news
PV NNVN đã tìm hiểu thông tin xoài Trung Quốc “ngậm hóa chất” NK về nước đội lốt xoài Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII Lào Cai, tỏ ra bất ngờ trước những thông tin này.
Giai đoạn 2 của dự án vũng neo đậu tàu thuyền huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được coi là dự án rất quan trọng của huyện đảo Lý Sơn, nhất là trong việc giải quyết nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân trong mùa mưa bão. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dùng ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% vốn đầu tư Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn giai đoạn 2.
Sau một thời gian dài giảm và giữ giá ở mức thấp, hiện giá gà trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tăng trở lại từ 5.000 - 10.000 đ/kg khiến người chăn nuôi rất phấn khởi.
Gạo, cao su, than đá, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… - những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc trong 6 tháng qua.
Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, là thời điểm thích hợp để nông dân chăm sóc, bón phân cho càphê, cao su, hồ tiêu… sau mùa thu hoạch. Năm nay, nguồn cung phân bón khá dồi dào, giá cả không có biến động nhiều, chủng loại khá đa dạng, phong phú.