Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Nở rộ mô hình nuôi dê ở đồng bằng sông Cửu Long

Nở rộ mô hình nuôi dê ở đồng bằng sông Cửu Long
Author: Thành Hiệp
Publish date: Monday. March 5th, 2018

Tính đến nay xã Thành Đông, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đã có tới hàng trăm hộ chăn nuôi với tổng đàn trên 1.500 con... 

Dê Boer chất lượng cao

Ông Nguyễn Thái ở xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long là người nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hiện đàn dê của ông thường xuyên duy trì ở mức 70 con, trong đó có 50 con thịt nhưng không đủ để giao hàng, nhất là trong dịp tết. Nhờ trồng được 2 công cỏ và 1 vườn chuối để làm thức ăn cho dê nên chi phí không đáng kể. Bình quân mỗi năm ông còn lời trên 300 triệu đồng từ tiền bán dê, lợi nhuận cao và bền vững hơn nuôi heo nhiều vì ông đã từng nuôi heo nhưng thất bại.

Ông Trần Văn Hùm, 72 tuổi là người nuôi dê nổi tiếng ở ấp Thành Tiến, xã Thành Đông, huyện Bình Tân cho biết, hiện đàn dê của ông lên đến 150 con, gồm dê sinh sản và dê thịt. Ông nuôi dê hoàn toàn bằng thức ăn thiên nhiên như rau lang, chuối cây, cỏ và phụ phẩm nông nghiệp như xác đậu nành nên chất lượng thịt bảo đảm. Nhờ vậy mà nhiều quán nhậu quen biết thường đến mua dê của ông để chế biến thành những món đặc sản phục vụ cho khách hàng.

Ông Hùm cho biết, dê rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, do đó người nuôi rất an tâm, không lo tổn thất. Nhưng muốn đạt năng suất, chất lượng cao, người nuôi phải có mặt bằng, chuồng trại thông thoáng, đủ ánh sáng, tránh mưa tạt, gió lùa và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Trần Văn Hùm cho dê ăn

Loài dê sinh sản khá nhanh, cứ 2 năm/3 lứa, mỗi lứa 1 - 4 con. Sau 2 - 3 tháng tuổi có thể xuất chuồng, con giống có giá từ 2 - 3 triệu đồng/con. Thông thường người nuôi dê thịt sau 4 - 5 tháng (trọng lượng 40kg) là bán với giá dao động từ 85.000 - 100.000đ/kg. Dê quá già thị trường ít tiêu thụ.

Nhờ chịu khó học hỏi thông qua các tài liệu, báo chí, đồng thời tham gia nhiều lớp tập huấn của Hội Nông dân nên ông Hùm đã phát triển chuồng trại, tăng đàn nhanh mang lại hiệu quả cao, bình quân mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí gia đình ông còn lời trên 400 triệu đồng. Ngoài ra ông còn nguồn thu nhập từ phân dê bán cho các người trồng hoa kiểng. Từ kết quả đó, ông đã nhận được Kỷ niệm chương của Hội Người cao tuổi Việt Nam và Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long năm 2016 về thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Năm 2014 địa phương đã thành lập tổ hợp nuôi dê, các tổ viên được vay vốn từ quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn dê phát triển nhanh. Tính đến nay xã Thành Đông đã có tới hàng trăm hộ chăn nuôi với tổng đàn trên 1.500 con. Trong số đó, ông là người vừa cung cấp con giống vừa hướng dẫn bà con cách chăm sóc. Nhờ vậy mà nay đã có nhiều hộ tự xóa nghèo và vươn lên khá giả. Hầu hết người nuôi dê ở xã đều phấn khởi, tin tưởng vào sự phát triển bền vững, nâng cao cuộc sống gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Thái thường xuyên theo dõi đàn dê

Hiện đa số các hộ chăn nuôi đều chọn những loại dê giống tốt, từ Bách thảo, dê lai đến giống Boer (Nam Phi), nuôi rất mau lớn cho hiệu quả kinh tế cao.


Related news

Giá điều thô các nước tăng ảnh hưởng đến xuất khẩu điều của Việt Nam Giá điều thô các nước tăng ảnh hưởng đến xuất khẩu điều của Việt Nam

Đó là dự báo tình hình xuất khẩu điều trong năm 2018 của Hiệp hội Điều Việt Nam trong Hội nghị Tổng kết hoạt động ngành điều Việt Nam năm 2017-2018

Monday. March 5th, 2018
Tiếp thị giống 'rau ngoại' kiểu Ô-sin Nhật bán cá Tiếp thị giống 'rau ngoại' kiểu Ô-sin Nhật bán cá

Lúc đầu họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan. Người nào mua thì chị bán, người nào chê thì chị tặng...

Monday. March 5th, 2018
Khởi nghiệp từ thỏ Khởi nghiệp từ thỏ

Ở tuổi 22 tuổi, Phan Văn Cư đã sở hữu trang trại nuôi thỏ quy mô lớn, thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm sau nhiều phen thất bại trong khởi nghiệp.

Monday. March 5th, 2018