Tiếp thị giống rau ngoại kiểu Ô-sin Nhật bán cá
Lúc đầu họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan. Toàn những thứ không chỉ lạ ở cái tên mà còn lạ cả về hình dạng nên khi đem ra chợ Phùng bán, không mấy ai dám hỏi. Người nào mua thì chị bán, người nào chê thì chị tặng...
Niềm vui được mùa
Làm khung nhà màng không một mối hàn
Đám thùng các tông đựng thiết bị làm vườn sau 8 năm bị bỏ quên trong nhà kho nên hễ đụng tay vào liền mủn ra như cám nhưng được cái là dụng cụ bên trong vẫn còn dùng tốt. Chỉ với một số ốc vít, chốt móc trong tay, cặp vợ chồng Nguyễn Đăng Quý - Đặng Thị Cuối (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) bắt đầu tự hì hụi thiết kế cái nhà màng đầu tiên của đời mình.
Cái hay ở chỗ là toàn bộ khung nhà tuy bằng kim loại nhưng lại không hề có bất cứ một mối hàn nào mà chỉ lắp ghép với nhau bằng những cái chốt móc. Bởi thế mà khi có gió to chúng vẫn có thể đàn hồi, xê dịch được chứ không cố định lại một chỗ để rồi bị vò cho nứt rạn, gãy vụn. Mất đúng 1 tháng thì cái nhà màng có kết cấu kỳ lạ ấy được hoàn thành trong sự ngỡ ngàng không chỉ của bà con láng giềng mà ngay cả với những người chủ cũ của chị khi họ được xem các video, ảnh chụp từ Việt Nam gửi sang.
Chính những người này vẫn thắc thỏm rằng khi về nước rồi anh chị lại đi làm thuê chứ khó mà làm chủ trang trại rau sạch nổi bởi ít vốn, bởi kỹ thuật dựng nhà màng không có. Thực ra, chị Cuối đã chuẩn bị cho những việc trên ròng rã mấy năm trời.
Những lúc ông chủ cho người dựng nhà màng chị chụp ảnh kỹ càng từng con ốc, từng mối ngoàm lại còn đo khẩu độ của mỗi cái khung xem cao bao nhiêu, cách xa nhau bao nhiêu. Những lúc có các hội bảo vệ thực vật của Đài Loan đến hướng dẫn cho ông chủ cách phòng trừ sâu bệnh, không như nhiều lao động khác tranh thủ nghỉ ngơi thì chị lại xúm vào: “Cho tôi học hỏi với” và lắng nghe không bỏ sót một câu nào.
Để giờ đây, họ về quê tự tin mà áp dụng. Trong hệ thống nhà màng, anh chị bố trí ở dưới mỗi góc cửa ra vào các bẫy bằng tấm ni lông có miệng đón đúng luồng đám côn trùng trót bay lạc vào trong đang tìm mọi cách để chui ra. Con nào thoát được đám bẫy kia sẽ có các bẫy dính bên dưới tiếp tục làm nốt nhiệm vụ.
Lúc đầu họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan. Toàn những thứ không chỉ lạ ở cái tên mà còn lạ cả về hình dạng nên khi đem ra chợ Phùng bán, không mấy ai dám hỏi. Người nào mua thì chị bán, người nào chê thì chị tặng: “Không cần mua đâu, chỉ cần chị mang về ăn thử xem có ngon không, có sạch không”. Đây chính là cách mà nhân vật Ô-sin của Nhật Bản từng bán cá khi mới về nhà chồng năm xưa.
Tặng ai rau hôm trước thì hôm sau người ấy lại đến tìm chị để mua vì nó quá ngon, quá đảm bảo, thậm chí mấy người bán rau ở chợ còn mua cả rau của chị về để ăn thử rồi nghiện, rồi đặt mua lúc nào không hay. Hàng chạy. Càng làm lại càng không đủ để bán nên có bà nhập buôn còn ra điều kiện rằng: “Nếu chị không cung cấp đủ hàng thì tôi sẽ đến chọc thủng cả cái nhà màng nhà chị”.
Cây giống khỏe mới có được rau sạch
Đến nước này thì vợ chồng chị nghĩ rằng cơ hội làm ăn lớn đây rồi. Họ cắm nhà vay 500 triệu cộng thêm vay người thân quen được tổng cộng 2,6 tỉ đồng quyết chí thuê đất để mở rộng cơ sở sản xuất sau mấy tháng mở nghề. Chính quyền cơ sở lúc đầu cũng lo thay: “Người ta đại gia làm rau sạch cũng còn lụn bại nữa là nhà chị có mấy trăm triệu cũng dám lao đầu vào”. Còn họ hàng hai bên nội ngoại cũng lắm kẻ khuyên can: “Có một cục tiền đi nước ngoài về thì đem gửi tiết kiệm hay đem đầu tư buôn bán chứ sao lại cắm mặt vào đất để làm gì? Sướng không muốn lại muốn khổ à?”.
Nhưng mặc ai nói ra nói vào, anh chị vẫn một niềm tin tưởng. Vậy là 5ha đất được thuê thêm để trồng rau. Ngoài khoảng 4.000m2 nhà màng còn lại phần lớn là trồng ngay ngoài trời. Để có được rau sạch từ nhà màng không quá khó nhưng để có được rau sạch từ trồng ngoài trời thì ngoài tuân theo tạo hóa, mùa nào thức ấy còn phải chăm sóc sao cho cây có sức đề kháng tốt nhất với sâu bệnh.
Nước sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch. Trước khi trồng anh kỳ công đem bình ga cùng vòi phun lửa ra khò qua đất một lượt để diệt mầm bệnh, bỏ phân, trộn đều rồi khò thêm một lượt nữa rồi mới trộn với phân gà ủ hoai mục để trồng rau. Nước được lọc thật sạch hơn cả nước sinh hoạt rồi mới bơm vào hệ thống tưới. Họ hoàn toàn không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Thửa ruộng nào bị sâu thì bắt, bị bệnh thì nhổ bỏ rồi lại tráng đất qua lửa để diệt hậu họa. Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sau một buổi tham quan cũng phải ngạc nhiên trước những giống rau hay những kỹ thuật quá mới mẻ ở đây.
Uống cả thuốc trừ sâu tự chế
Hay nhất là những loại rau trồng một lần nhưng thu hoạch quanh năm của cánh đồng. Su hào ăn lá trồng từ tháng 8 năm nay nhưng thu hoạch đến tận tháng 4 năm sau, ngày nào cũng hái, 1 cây cho thu tới 40 - 50 lần. Súp lơ mi ni cũng vậy, phải thu mấy chục lần mới tàn. Cánh đồng đặc biệt này đã tạo công ăn việc làm cho 10 - 12 lao động, nam 200.000đ/ngày, nữ 150.000đ/ngày. Mỗi ngày từ đó anh chị thu hái 2 - 3 tạ rau, đem bán được 4 - 5 triệu đồng trong đó lãi chiếm 50%, 1 tháng 70 - 80 triệu đồng lãi.
Thế nhưng cả hai vẫn không thỏa mãn bởi đang đặt mục tiêu phấn đấu nửa năm nữa, mỗi ngày mở mắt ra là phải thu được 10 triệu đồng trong đó lãi 5 triệu đồng. Sản phẩm hiện nay làm ra không đủ cung cấp cho các đầu mối thu mua với giá loại rẻ là 20.000đ/kg, loại đắt là 30.000đ/kg nhưng anh chị lại chấp nhận bán cho 3 trường mầm non là Tân Lập, Tân Hội, Song Phượng với giá đổ đồng chỉ 20.000đ/kg. Thế nhưng lãnh đạo của các trường này vẫn còn kêu đắt nên huyện Đan Phượng phải hỗ trợ thêm phần chênh lệch để cùng chung tay cho một thế hệ măng non được hưởng những sản phẩm sạch từ trong trứng nước...
Thuốc sâu tự chế từ ngâm ủ sâu với men sinh học
Một số cán bộ bảo vệ thực vật của địa phương đến hướng dẫn cho chị phun những thuốc được phép sử dụng trong danh mục nhưng chị đều nhất định chối từ. “Đã mang tiếng là làm rau sạch mà khoác chiếc bình thuốc sâu lên vai, dân họ nhìn vào chẳng biết phải giải thích ra sao?”.
Phương pháp của chị chủ yếu là chọn giống có sức đề kháng tốt, trồng đúng mùa vụ, chăm bón cân đối để hạn chế tối đa sâu bệnh. Thế mà cũng có buổi phải huy động 4 - 5 người để bắt sâu, thu một lúc được cả cân. Có thời điểm sâu nhiều quá bắt không xuể nên chị mới nghĩ đến cách bài trừ sâu của người Đài Loan bằng ngâm những con sâu trong một dung dịch gồm đường, sữa, men vi sinh để chế thuốc BVTV.
Thuốc này khi phun lên lá không làm cho sâu chết được nhưng sẽ đau bụng, ngừng ăn rau, nằm im đợi ngày hóa kén. Trong một lần đang phun thuốc như thế, chị bỗng thấy một người đàn ông dừng lại ở ven đường, rút điện thoại ra chuẩn bị quay.
Nhanh như chảo chớp, chị chạy tới túm ngay cái điện thoại và hỏi: “Anh đang làm gì thế?”. “Tôi quay cảnh cô phun thuốc sâu”. Người đàn ông đáp. “Thế anh quay đã hỏi ý kiến của tôi chưa?”. Chị chất vấn tiếp khiến cho anh ta lúng túng ra mặt. Thấy vậy chị liền nói: “Anh có biết tôi phun thứ gì lên rau không? Nó không phải là thuốc sâu thông thường độc hại đâu nhé, không tin hả, tôi uống luôn cho anh xem”.
Vậy là chị chắt bình thuốc sâu ra, uống ngon lành trước con mắt ngạc nhiên tột độ của người đàn ông xa lạ. Hỏi ra thì anh ta thú nhận cũng đang trồng rau sạch nhưng bị rau sạch của chị cạnh tranh mạnh mẽ quá nên khi thấy cảnh phun thuốc định quay lại để cho lên mạng. Âu cũng là một bài học cho việc chỉ thấy cái vỏ bên ngoài của hành động mà không thấy được nội dung ẩn bên trong.
Lúc tôi đến, có một anh tên là Thái ở chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội) đang được chị Cuối tỉ mẩn truyền nghề. Không hề sợ cạnh tranh mà bất kỳ ai đến học hỏi kinh nghiệm để trồng rau sạch chị đều hướng dẫn như vậy cả bởi một quan niệm rằng: “Những nông dân nhỏ lẻ phải giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, cùng làm ra các sản phẩm sạch với số lượng lớn, đa dạng hàng hóa mới mong có thể vào cho các siêu thị, nhà hàng được”.
Tôi chỉ vào tấm biển: “Khu sản xuất rau hữu cơ” ở đầu ruộng, chị Cuối cười: “Đó là địa phương cắm lên để chúng tôi phấn đấu theo đó thôi, chứ đất này dù hiện tại không dùng thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học cũng phải qua 2 - 3 năm nữa mới thực sự là hữu cơ vì vẫn còn tồn dư từ kiểu sản xuất ngày trước”.
Related news
Đây còn được xem là chương trình phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp TP, trở thành nền nông nghiệp đô thị sinh thái, bền vững và hiệu quả
Việc phát triển giống cam sành cũng như một số loại cây có múi tại H.Kbang (Gia Lai) đang cho hiệu quả cao, mở thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho nông dân
Đó là dự báo tình hình xuất khẩu điều trong năm 2018 của Hiệp hội Điều Việt Nam trong Hội nghị Tổng kết hoạt động ngành điều Việt Nam năm 2017-2018