Khởi nghiệp từ thỏ
Ở tuổi 22 tuổi, Phan Văn Cư (ở thôn Xuân Hòa 2, xã Phước Ninh, H.Nông Sơn, Quảng Nam) đã sở hữu trang trại nuôi thỏ quy mô lớn, thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm sau nhiều phen thất bại trong khởi nghiệp.
Phan Văn Cư đang cho đàn thỏ trong trang trại mình ăn. ẢNH: M.C
Học hết bậc THPT và trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng không hiệu quả, Cư quay về quê tìm hướng lập nghiệp mới. Sau khi tính toán kỹ, Cư nhận thấy nghề nuôi thỏ phù hợp với khí hậu địa phương, ít dịch bệnh…
Khởi nghiệp từ đầu năm 2015 bằng nguồn vốn vay mượn và tiền dành dụm, anh xây dựng trang trại rộng hơn 1.000 m2. Ban đầu, Cư chỉ đủ tiền để mua 50 con thỏ giống. “Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, thiệt hại rất nhiều. Nhưng mình vẫn không nản lòng mà xem đó là bước đệm để… làm lại”, anh tâm sự.
"Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, thiệt hại rất nhiều. Nhưng mình vẫn không nản lòng mà xem đó là bước đệm để… làm lại". Phan Văn Cư, 22 tuổi, chủ “trại thỏ Phan Cư”
Sau thất bại, Cư tìm đến các trang trại nuôi thỏ gần đấy để học hỏi kinh nghiệm nuôi thực tế và tiếp tục vay mượn thêm tiền để mua thỏ giống. Dần dà, trang trại của anh hiện đã có hơn 700 con thỏ thịt thương phẩm, cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Trung bình mỗi năm thỏ mẹ đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 5 - 6 con; hiện thịt thỏ trên thị trường có giá 120.000 -150.000 đồng/kg. Thỏ là động vật ăn tạp nên có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên như cây cỏ, lá, mía…
Theo anh Cư, nuôi thỏ không quá khó, nhưng nuôi với số lượng lớn mà vẫn ngăn được dịch bệnh thì lại là chuyện khác. Để thỏ phát triển nhanh và mạnh khỏe, chuồng trại đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông.
Không dừng lại ở việc phát triển trang trại của mình, khi tiếp cận được thị trường ổn định ở Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế…, anh Cư mở rộng các chuỗi liên kết. Anh cho biết mình sẵn sàng hướng dẫn cho các hộ dân muốn chăn nuôi thỏ về mặt kỹ thuật, cung cấp con giống sinh sản chất lượng và cam kết bao tiêu đầu ra. Đến nay, “trại thỏ Phan Cư” của anh đã liên kết được với 5 vệ tinh thường xuyên và nhận thu mua tất cả thỏ thịt thương phẩm trên địa bàn H.Nông Sơn.
“Sắp tới mình sẽ mở rộng trang trại và tăng số lượng thỏ giống. Đặc biệt, sẽ mở rộng việc thu mua rồi cung cấp giống cho người dân trên địa bàn, bao tiêu sản phẩm để bà con cũng có cơ hội làm giàu”, anh chia sẻ.
Với mô hình khởi nghiệp từ trang trại nuôi thỏ và tạo lập chuỗi liên kết nhiều mô hình, Phan Văn Cư đã được Huyện đoàn Nông Sơn tuyên dương gương thanh niên có mô hình kinh tế tiêu biểu năm 2017; đồng thời, được Huyện ủy Nông Sơn đề cử là tấm gương thanh niên xuất sắc trong việc học tập và làm theo gương Bác Hồ giai đoạn 2015 - 2020.
Related news
Việc phát triển giống cam sành cũng như một số loại cây có múi tại H.Kbang (Gia Lai) đang cho hiệu quả cao, mở thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho nông dân
Đó là dự báo tình hình xuất khẩu điều trong năm 2018 của Hiệp hội Điều Việt Nam trong Hội nghị Tổng kết hoạt động ngành điều Việt Nam năm 2017-2018
Lúc đầu họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan. Người nào mua thì chị bán, người nào chê thì chị tặng...