Nỗ Lực Vượt Khó
Theo kế hoạch, năm 2015, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã và đang nỗ lực với những giải pháp, việc làm cụ thể nhằm đạt kế hoạch đề ra.
Xuất phát từ một xã nghèo, thuần nông, khó khăn có thể nói vào bậc nhất trong 11 xã được chọn xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện giao thông hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp, hộ dân tộc Khmer nhiều… đã gây nhiều trở ngại cho xã.
Cụ thể, năm 2011, hộ nghèo chiếm 29%, nhưng đến cuối năm 2013, xã Vị Thủy đã giảm hộ nghèo xuống còn hơn 14% và theo kế hoạch, năm nay sẽ tiếp tục giảm thêm 4%. Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thủy Phan Văn Tổng, cho biết: Xác định giảm nghèo mới xây dựng được xã nông thôn mới bền vững, chính vì vậy mà mấy năm qua, xã luôn vận động nhân dân làm ăn để cải thiện thu nhập.
Nhờ ý thức của người dân cộng thêm sự hỗ trợ của đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, các chương trình của Chính phủ như Chương trình 134, 135 mà công tác giảm nghèo đã chuyển biến đáng kể. Ngoài ra, có sự trợ lực của các đoàn thể, cán bộ nông nghiệp tận tình hướng dẫn, cách thức làm ăn mà đáng tự hào nhất là mấy năm nay xã Vị Thủy không có hiện tượng tái nghèo.
Để hộ thoát nghèo bền vững, xã Vị Thủy còn tranh thủ các nguồn vốn cho hộ nghèo vay làm ăn. Ngoài ra, cán bộ địa phương thường xuyên theo dõi mô hình mà hộ nghèo đăng ký thực hiện để có hướng kịp thời tiếp sức. Chị Hồ Thị Thủy, ở ấp 4, là một trong những hộ thoát nghèo bền vững của xã.
Năm 2013, chị được vay tiền chăn nuôi vịt. Ban đầu, chị nuôi 130 con vịt tơ, bán lứa vịt đó, chị thu lợi nhuận gần 2 triệu đồng. Từ số tiền có được, chị nuôi thêm vịt đẻ trứng, đến nay, quy mô lên gần 200 con gồm vịt đẻ và vịt thịt.
Chị Thủy cho biết: “Tôi đâu có vốn nhiều, chủ yếu cho vịt đi ăn mót lúa chét của các ruộng xung quanh nhà để đỡ tiền thức ăn. Ngoài ra, còn băm chuối trộn cám thêm cho vịt ăn. Cực mấy cũng ráng vươn lên để cuộc sống đỡ hơn”.
Ngoài ra, khi đăng ký mô hình này, chị cũng được địa phương cho tham gia các lớp nghề như chăn nuôi gia cầm để biết cách phòng, trị bệnh. Nhờ đó, mà chị nắm được kỹ thuật nuôi, tỷ lệ bệnh, hao hụt cũng giảm đi. Mô hình cũng duy trì được lâu, cuộc sống gia đình dần cải thiện.
Ngoài những hộ đã thoát nghèo bền vững, năm nay, xã Vị Thủy có đến 95 hộ đăng ký thoát nghèo. Vừa qua, địa phương đã có cuộc khảo sát đến từng nhà đã đăng ký để nắm được mong muốn của bà con và có hướng hỗ trợ, giúp đỡ.
Đáng nói nhất, đa số hộ nghèo đăng ký đều có quyết tâm, tự thân vươn lên để thoát nghèo. Ông Bùi Văn Dũng, 50 tuổi, ở ấp 2, là hộ nghèo không nghề nghiệp, không đất sản xuất, lại phải nuôi mẹ già trên 70 tuổi.
Để có thể thoát nghèo như đăng ký, năm nay, ông Dũng ngoài việc đi làm thuê còn dự tính đi bán vé số vào những ngày rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Nhưng theo ông, nếu có được ít vốn thì mong muốn này mới thành hiện thực. Hiện nay, xã cũng đang xem xét, sẽ hỗ trợ một phần để giúp ông thực hiện được dự định.
Để nâng cao thu nhập của người dân, UBND xã đã chỉ đạo các ấp phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, vận động hộ nghèo vươn lên bằng các hình thức như: tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động;…
Kèm theo đó, từ đầu năm đến nay, xã đã hỗ trợ cho hàng chục hộ dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách huyện với số tiền trên 600 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có 7 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện thắp sáng, 10 hộ nghèo dân tộc Khmer được hỗ trợ máy trục với số tiền 50 triệu đồng, bước đầu làm ăn có hiệu quả. Nhiều hộ được thoát nghèo với mô hình bền vững như ông Danh Luôl với mô hình nuôi ba ba, ông Danh Tộ nuôi cá lóc vèo, bà Thị Thìn trồng rau màu,…
Tuy nhiên, xã Vị Thủy cũng rất cần sự trợ giúp của các ngành, các cấp. Ông Lê Minh Cường, Bí thư Huyện ủy Vị Thủy, cho biết: Dù biết rất khó nhưng quyết tâm của huyện là cố gắng hỗ trợ xã Vị Thủy, nhất là các tiêu chí khó như hộ nghèo, thu nhập. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức đêm văn nghệ vận động quỹ an sinh xã hội để gây quỹ hỗ trợ cho xã Vị Thủy xây dựng nông thôn mới, nhất là giúp một phần vốn cho hộ nghèo.
Ngoài ra, địa phương cũng đang chờ nguồn vốn Chương trình 167 phân bổ đợt 2 để tiếp tục giúp xây nhà ở cho hộ nghèo, hoàn thành tiêu chí nhà ở.
Related news
Nhờ Trung tâm Nghiên cứu khoai tây và Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp TP. Đà Lạt chọn lọc nguồn giống 7 và Lá láng phù hợp thổ nhưỡng để nhân giống cung cấp cho nhà vườn, cộng với thời tiết thuận lợi nên sản lượng khoai năm nay tăng cao.
Ngày 27.3, tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình tổ chức hội nghị để đánh giá tiềm năng của giống lúa OM8017. Đây là giống lúa được trồng thử nghiệm đầu tiên của công ty tại tỉnh Bình Định.
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, XK, NK phân bón hay có hoạt động liên quan đến phân bón, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón.
Thị trường Trung Quốc đang thu mua dưa với giá 9.000 đ/kg. Mua 1 xe dưa 30 tấn hết 90 triệu đồng, chi phí vận chuyển 30 triệu đồng, bán xe dưa 30 tấn được 270 triệu thì tư thương còn lãi hơn trăm triệu đồng. Không hiểu sao có nhiều vùng họ thu mua dưa chỉ 2.000 - 3.000 đ/kg?
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng giá trị XK cua ghẹ tính đến 15/2/2014 đạt gần 11 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.