Những Hai Vuông Thành Công Trong Sản Xuất Lúa
Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho việc gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Tân Hoà và ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, lại tiếp tục xuống giống thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Với diện tích 1 ha, nhờ tích luỹ kinh nghiệm nhiều năm, ông Nguyễn Thanh Bình luôn thành công với việc gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm bằng giống Một bụi đỏ. Ông chia sẻ, để gieo cấy thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, trước tiên phải chủ động rửa mặn ngay từ đầu vụ.
Khi mùa mưa bắt đầu là phải xổ nước trong vuông tôm ra cho cạn, sau đó hứng nước mưa và tiếp tục xổ ra nhiều lần. Ðến khi độ mặn trong vuông nuôi tôm giảm xuống còn 2-3%o thì ngưng xổ, hứng nước mưa trữ lại. Làm như thế, vừa bảo đảm tôm nuôi trong vuông không bị ảnh hưởng, vừa ổn định cho việc gieo cấy lúa.
Khâu gieo mạ trên bờ liếp cũng hết sức cẩn thận và lấy tháng âm lịch làm chuẩn. Thông thường, thời vụ gieo mạ thường bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, để khi mạ đến tuổi nhổ ra cấy vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch. Với kinh nghiệm như thế, nhiều năm liền ông Bình luôn sản xuất thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Cùng với ông Bình, ông Mai Văn Quốc cũng có nhiều năm kinh nghiệm làm vụ lúa trên đất nuôi tôm hiệu quả, dù thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, ruộng của ông được Viện lúa ÐBSCL, Trường ÐH Cần Thơ và Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau chọn kết hợp làm điểm thực nghiệm để tìm ra những giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phục vụ cho việc sản xuất lúa tôm của bà con.
Riêng vụ lúa - tôm năm nay, với diện tích 1 ha ông đã gieo cấy gần 100 giống lúa các loại bằng nhiều hình thức khác nhau, để giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu. Hiện diện tích lúa - tôm của ông sinh trưởng và phát triển rất tốt, trong giai đoạn đẻ nhánh hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Ông Mai Văn Quốc bộc bạch, những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, để gieo cấy thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, ngoài những kinh nghiệm, người nông dân phải áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ví dụ, sau khi gieo sạ gặp thời tiết nắng hạn cục bộ, mà nguồn nước dưới sông, rạch có độ mặn dưới 5%o thì cũng phải cho nước vào ruộng để hạn chế độ mặn trong vuông tôm tăng nhanh làm ảnh hưởng đến cây lúa.
Ðồng thời kết hợp dùng phân bón lá phun đều trên bề mặt lá lúa, nhằm giúp cho cây lúa kéo dài thời gian để chờ mưa. Khi thời tiết có mưa trở lại, phải tiếp tục rửa mặn, kết hợp với bón phân cho cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh tốt để không bị ảnh hưởng năng suất.
Với những kết quả đạt được cho thấy, ông Nuyễn Thanh Bình và ông Mai Văn Quốc không chỉ cần cù trong lao động mà còn biết tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào sản xuất. Ðây sẽ là địa chỉ tin cậy để bà con nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, gieo cấy thành công 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Related news
Những mô hình này đã tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị của hạt gạo, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún lâu nay của người dân. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và bộ ngành tập trung chỉ đạo thực hiện để đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất.
Với mục tiêu giúp các hộ chăn nuôi giảm tỷ lệ tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng trọng, giảm chi phí thức ăn khoảng 10-15%, từ đó nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi lợn, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với trạm khuyến nông các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, tổ chức thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn lên men lỏng, tại 46 hộ thuộc 3 huyện trên, với quy mô 5-10 con/hộ.
Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, tỉnh Long An đã thu hoạch xong 2.780ha tôm, đạt hơn 80% diện tích nuôi. Nông dân lãi từ 250 đến 350 triệu đồng/ha, có hộ lãi hơn 500 triệu đồng/ha.
Ngày 31-7 giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ đã lên mức 187.000-188.000 đồng/kg trong khi giá bán tại các hộ bảo quản tốt, độ ẩm dưới 12% là 200.000 đồng/kg.
Quang Bình là một huyện có các tiềm năng lợi thế về đất đai, lực lượng lao động dồi dào để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện có 2 tuyến đường quan trọng, đó là Quốc lộ 279 và Tỉnh lộ 183 chạy qua, nối từ Quốc lộ 2 với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái.