Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vấn Đề Ethoxyquin Trong Tôm Nuôi Của Việt Nam

Vấn Đề Ethoxyquin Trong Tôm Nuôi Của Việt Nam
Publish date: Friday. March 15th, 2013

Tôm Việt Nam đang bị mất ưu thế về giá trên thị trường EU và Mỹ, trong khi thị trường tôm lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản lại đang gia tăng kiểm soát Ethoxyquin. Trong khi có tới 50% lượng thức ăn nuôi tôm trên thị trường Việt Nam có hàm lượng Ethoxyquin vượt ngưỡng 10 ppb.

Quy định mức dư lượng tối đa

Hai năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã rất vất vả khi Nhật Bản tăng cường kiểm tra dư lượng Trifluralin và Enrofloxacin với mức rất khắt khe, thấp hơn 10 lần so với tôm xuất sang EU. Sang năm 2012, tiếp tục chất Ethoxyquin cũng bị phía Nhật Bản kiểm soát đối với riêng tôm Việt Nam mà không kiểm soát chất này trong tôm Thái Lan, Indonesia…

Trong khi đó, Ethoxyquin không phải là chất kháng sinh gây nguy hại mà chất này được dùng để chống oxy hóa trong sản phẩm bột cá - thành phần chính của thức ăn chăn nuôi. Các nước phát triển và cả Nhật Bản đều cho dùng trong bột cá với mức 75-150 ppm.

Đến ngày 11/7, sau khi phát hiện Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Nhật Bản đã quyết định áp dụng kiểm tra 100% đối với một công ty tại Đồng bằng sông Cửu Long và 30% lô tôm từ các doanh nghiệp khác. Nếu tiếp tục phát hiện thêm một doanh nghiệp vi phạm nữa thì có thể Nhật sẽ áp dụng kiểm tra 100% đối với tất cả các lô hàng tôm nhập khẩu vào nước họ. Như vậy, Việt Nam có thể sẽ mất thị trường tiêu thụ tôm lớn này.

Ngày 31/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản để đề nghị Nhật Bản quy định mức dư lượng tối đa Ethoxyquin ở tôm như ở cá. Theo đó, đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản tạm thời áp dụng mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của Ethoxyquin đối với tôm là 1 ppm, tương tự như quy định của Nhật Bản đối với sản phẩm cá vì lượng nhập khẩu sản phẩm tôm và cá của người dân Nhật Bản là tương đương nhau.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm việc với cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản về mức MRL của Ethoxyquin trong tôm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD) tiếp tục làm việc với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản về tình hình dư lượng Ethoxyquin và một số hóa chất, kháng sinh khác trong các lô hàng thủy sản Việt Nam.

Biện pháp

Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản kiểm tra, rà soát, lập danh mục các sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu). Yêu cầu Tổng cục Thủy sản đề xuất định mức cho phép của hàm lượng chất Ethoxyquin có trong thức ăn thủy sản, đề xuất các biện pháp kiểm soát sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản và cách thức sử dụng phù hợp thức ăn thủy sản chứa Ethoxyquin.

Để tránh thiệt hại cho sản xuất và bảo vệ uy tín sản phẩm tôm Việt Nam, ngày 15/06/2012 Tổng cục Thủy sản đã có công văn số 906/TCTS-NTTS yêu cầu các Sở Nông nghiệp và PTNT, các Chi cục Thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tăng cường kiểm tra Ethoxyquin bán trên thị trường cũng như ra quy định các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản phải công bố thành phần thức ăn trên bao bì sản phẩm, đề nghị cam kết không đưa vào thức ăn chất Ethoxyquin, trên nhãn mác của bao bì thức ăn cần ghi rõ "không chứa Ethoxyquin".

Tổng cục Thủy sản cũng đã thông báo và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa thành phần Ethoxyquin công bố về thành phần và hàm lượng Ethoxyquin trên nhãn sản phẩm theo quy định của Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, phổ biến tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản, quy định của Nhật Bản về Ethoxyquin, qua đó hướng dẫn các cơ sở nuôi thủy sản ngừng sử dụng thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin trong thời gian tối đa có thể đáp ứng được quy định của Nhật Bản.

Với Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Hội này phổ biến, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện biện pháp kiểm soát việc sử dụng thức ăn thủy sản trong quá trình nuôi nhằm đảm bảo không để tồn dư Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản.

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản sẽ tiếp tục làm việc với phía Nhật để nâng mức giới hạn lên 100 lần so với hiện nay. Vì sau một thời gian phía Nhật Bản nới lỏng kiểm soát chất Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, khi lấy mẫu ngẫu nhiên đối với một số lô hàng tôm xuất khẩu vẫn thấy tồn dư nên Nhật Bản lại siết chặt kiểm tra 30% các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam đối với chất Ethoxyquin với mức giới hạn cho phép là 0,01 ppm. Trong khi Ethoxyquin không phải là chất kháng sinh gây nguy hại, mà chỉ là chất chống oxy hóa được sử dụng rộng rãi trong sản phẩm bột cá dùng làm thức ăn chăn nuôi thuỷ sản. Việc trước mắt hiện nay, theo ông Phùng Hữu Hào - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người nuôi sử dụng đúng thức ăn, thời gian thu hoạch và tăng cường kiểm soát Ethoxyquin trong sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản và nuôi trồng thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết: Việc duy trì kiểm tra Ethoxyquin ở mức 0,01 ppm là điều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Việc áp dụng quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế. Không chỉ tôm Việt Nam, tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Nhật cũng “khốn đốn” vì Ethoxyquin. Ấn Độ đang tích cực có những kiến nghị để phía Nhật Bản sửa đổi mức áp dụng như hiện nay. Nếu Nhật Bản không chấp thuận, Ấn Độ có thể kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do đó, bên cạnh việc trước mắt phải hạn chế sử dụng chất Ethoxyquin trong nuôi tôm, phía Việt Nam cũng có thể kiện lên WTO nếu phía Nhật Bản không sửa đổi việc áp đặt mức Ethoxyquin như hiện nay.


Related news

Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Và Hội Nhập Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Và Hội Nhập

Tính đến năm 2014, tỉnh Sóc Trăng có gần 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản các loại, 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, 4 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và các doanh nghiệp còn lại xuất khẩu mặt hàng bánh pía - lạp xưởng, vàng, ngọc trai...

Wednesday. October 22nd, 2014
Xuất Khẩu Gạo Cuối Năm Lại Gặp Khó Xuất Khẩu Gạo Cuối Năm Lại Gặp Khó

Thị trường XK gạo đang gặp khó trở lại khi nguồn cung trên thế giới tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trong khi nhu cầu NK đã giảm sau mấy tháng sôi động vừa qua.

Wednesday. October 22nd, 2014
“Vị Đắng” Mía Đường “Vị Đắng” Mía Đường

Dù đã bước vào niên vụ sản xuất mía đường chính vụ, nhưng không khí tranh thu mua nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL năm nay không tái diễn. Hiện tượng này được đánh giá là khá “lạ”, bởi 15 năm qua, các nhà máy đường ở khu vực luôn trong cảnh tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu khi vào vụ. Năm nay, phải đến giữa tháng 10, các nhà máy đường mới bắt đầu vào vụ, trong khi đó, vụ mía đường chính hàng năm mở màn từ tháng 9.

Wednesday. October 22nd, 2014
Xuất Khẩu Mực, Bạch Tuộc Tăng Trưởng “Trái Chiều” Xuất Khẩu Mực, Bạch Tuộc Tăng Trưởng “Trái Chiều”

Từ đầu năm tới nay, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc và EU cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ thì giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm do các hàng rào kỹ thuật và sang Nga, Australia thiếu ổn định.

Wednesday. October 22nd, 2014
Xuất Khẩu Cây Thủy Sinh Sang Đan Mạch, Singapore Xuất Khẩu Cây Thủy Sinh Sang Đan Mạch, Singapore

Theo ông Dũng, 18 giống cây thủy sinh xuất bán đều được nhập khẩu từ chính Đan Mạch và Singapore. Sau khi được nhân giống trong phòng thí nghiệm và nuôi lớn đến mức có thể sống trong môi trường nước, công ty sẽ xuất khẩu trở lại các nước này.

Wednesday. October 22nd, 2014