Nhộn Nhịp Vùng Mía Kim Tân Những Ngày Cuối Năm
Vào mỗi dịp cuối năm, bà con nông dân trồng mía tím Kim Tân lại tất bật cho việc thu hoạch mía. Những xe tải ra Bắc, vào Nam chở đầy mía tím đủ nói lên thành công của việc phục hồi và phát triển cây trồng hàng hóa của huyện Thạch Thành (Thanh Hoá).
Từ xa xưa, giống mía tím trồng trên vùng đất Thạch Thành đã nổi tiếng mềm và ngọt. Kim Tân - tên địa danh trồng mía đã được dân gian dùng để gọi tên cho giống mía. Và, chỉ có trồng ở vùng đất đỏ màu mỡ, giàu khoáng chất Kim Tân thì loại mía này mới ngon và giữ được đặc trưng của nó. Tương truyền, các vị vua thời Nguyễn xưa cũng rất thích sản vật này. Năm nào địa phương cũng phải cử đoàn đưa xe ngựa, chở nguyên từng bụi mía còn cả gốc vùi trong cát ẩm đưa vào tiến vua trong kinh thành Huế.
Cách đây hơn chục năm, các nhà máy đường lớn được xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu, nhiều người lo ngại cho “số phận” của cây mía Kim Tân bởi sự lấn át của cây mía thương phẩm cho các nhà máy đường. Thế nhưng, giá trị tự thân của loại mía này đã “cứu” chính mình.
Thương lái các tỉnh tự tìm đến đặt mua mía nên nông dân đã tái canh, phát triển thành các vùng hàng hóa. Diện tích mía tím Kim Tân những năm gần đây lại tăng nhanh, huyện Thạch Thành cũng đã có quy hoạch các vùng chuyên canh mía đặc sản này.
Vào mỗi độ cuối năm, khi tiết trời trở lạnh với gió hanh heo thổi về, cây mía bắt đầu cô mật và là lúc mía ngọt nhất. Đây cũng chính là thời điểm bà con nông dân huyện Thạch Thành vào vụ thu hoạch mía. Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, Kim Tân là tên gọi chung cho cả vùng đất xưa kia. “Thủ phủ” của cây mía tím Kim Tân, chính là vùng đất xã Thành Tân hiện nay.
Để tìm hiểu thêm về sự phát triển của cây trồng hàng hóa này, chúng tôi cùng ông Lê Đình Thảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đồng hành về hai xã Thành Tân và Thành Trực - 2 đơn vị có truyền thống canh tác mía tím trong huyện. Ven đường đi những ruộng mía tím ngút ngàn. Mía được trồng trên đồi, trong vườn, ven ngõ đi, dưới ruộng và tận dụng mọi nơi có thể.
Tiếng nói cười của những người thu hoạch mía như khuấy động những vùng đồi tĩnh lặng; những chuyến xe tải mang biển kiểm soát Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định..., có cả xe các tỉnh phía Nam tìm về tận vùng miền núi xa xôi này để thu mua mía.
Theo ông Hà Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tân, từ năm 2009, xã đã có chủ trương phát triển mía tím Kim Tân thành vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa. 5 năm qua, nhân dân trong xã đã chuyển đổi 26 ha đất cấy lúa không ăn chắc của các thôn Thạch Lỗi, Cát Thành, Tú Sơn sang trồng mía tím. Vụ mía này, toàn xã canh tác 63,5 ha mía tím Kim Tân, riêng thôn Cát Thành trồng 43 ha. Các hộ dân trồng mía trong xã cho biết, giá mía tím Kim Tân luôn ổn định, chưa bao giờ bị ế hàng.
Nhiều thương lái tỉnh ngoài còn đến đặt tiền các gia đình mua cả ruộng từ khi cây mía mới cao hơn 1m. Hiện tại, giá mía bán tại ruộng trung bình 5.000 đồng/cây. Mỗi ha mía tím này cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, nhiều khu ruộng phát triển tốt có thể thu nhập tới 160 - 170 triệu đồng/ha.
Nông dân chuyên canh mía Kim Tân nhiều hộ thoát nghèo và trở nên khá giả. Tại thôn Cát Thành, hiện có 220 hộ dân thì có 210 hộ coi việc chuyên canh mía Kim Tân là hướng mưu sinh chính. Anh Nguyễn Trọng Tâm, người trồng mía, đồng thời là trưởng thôn Cát Thành, khẳng định: Nhờ cây mía hàng hóa này mà đời sống bà con trong vùng mới khởi sắc như ngày hôm nay.
Điển hình như gia đình anh Lê Ngọc Hùng, trước đây rất nghèo, nhờ đấu thầu đất đồi trồng 15 sào mía tím, nay trở thành hộ khá giả trong thôn. Hộ anh Phạm Văn Hòa cũng trở nên khấm khá nhờ có gần 1 ha chuyên canh tác mía tím. Mía Kim Tân là cây trồng hằng năm cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở địa phương cũng như nhiều xã trong vùng.
Tại xã Thành Trực hoạt động thu hoạch mía của bà con cũng khá nhộn nhịp. Nhiều diện tích cấy lúa 1 vụ không ăn chắc đã và đang được khuyến khích đổ đất tôn cao để trồng mía tím Kim Tân. Cây mía đặc sản này còn được phát triển nhỏ lẻ trên địa bàn hàng chục xã, thị trấn.
Theo thống kê từ UBND huyện Thạch Thành, vụ mía này, nông dân toàn huyện đã canh tác khoảng 200 ha mía tím. Huyện đã và đang quy hoạch và mở rộng diện tích trồng mía tím Kim Tân tạo vùng sản phẩm hàng hóa và thị trường gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mía tím đặc sản này.
Related news
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nắm thời cơ cùng với quyết tâm vượt khó, anh Đào Văn Tạ mỗi năm, trang trại tổng hợp cho gia đình anh lãi gần 1 tỷ đồng.
Những ngày gần đây, tại ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nhiều bà con nông dân đã đua nhau trồng cây lan bạch trinh biển
Không chỉ trồng thành công 3ha chè giống mới theo quy trình VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, anh Thắng còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương
Nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc. Hiện vườn nhãn nhà bà Thủy có khoảng 200 gốc cho trái, với năng suất gần 1 tấn/công.
Ông Tuyển nhận thấy giống nhãn Hương Chi có nhiều ưu điểm lại khá phù hợp với thổ nhưỡng nhà mình. Chỉ sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, nhãn đã cho thu hoạch