Nhộn nhịp mùa cá cơm cuối vụ Nam

Từ đầu tháng 7 đến nay, ngư dân ở xã Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam, Ninh Thuận) được mùa cá cơm. Bà con rất phấn khởi vì có những chuyến ra khơi “trúng đậm” sau một thời gian dài “biển đói”.
Ngư dân Phạm Thiện (thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm), cho biết: Hơn 1 tháng nay, chuyến ra khơi nào cũng đánh bắt được nhiều cá cơm. Có chuyến đi trong vòng 1 ngày đêm thu về 300 giỏ (25kg/giỏ). Giá cá tươi bán tại cảng hiện nay ở mức 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 70 triệu đồng/chuyến.
Được mùa cá cơm, các cơ sở cá hấp ở xã Cà Ná hoạt động nhộn nhịp trở lại.
Ông Nguyễn Văn Bông, chủ đội tàu 6 chiếc làm nghề pha xúc cho biết: Thông thường mùa cá cơm bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 9. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thay đổi, đến đầu tháng 7 mới có cá. Các tàu đánh bắt liên tục suốt ngày đêm, nhờ được mùa cá cơm nên không ít chủ tàu có tiền trả công cho người “đi bạn” với mức 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Tín hiệu đáng mừng là mật độ cá cơm ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Diêm, cho biết: Gần 2 tháng nay, ngư dân khai thác được 16.500 tấn cá cơm, gần gấp 3 lần sản lượng hải sản đánh bắt được trong 6 tháng đầu năm 2015. Riêng nửa đầu tháng 8 khai thác được khoảng 10.500 tấn, sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Không riêng gì ngư dân vui mừng, mà các chủ lò cá hấp cũng rất phấn chấn vì có nhiều nguyên liệu để hoạt động. Chị Trần Thị Tư, cho biết: Làm nghề cá hấp đã lâu, nhưng chưa thấy năm nào nguyên liệu thiếu hụt như năm nay. Liên tiếp 6 tháng liền lò không hoạt động, may mà cuối vụ Nam cá cơm lại nhiều. Tranh thủ thời điểm nhiều cá, lò hấp “chạy” hết công suất, mỗi ngày hấp khoảng 10 tấn cá.
Được biết các cơ sở các hấp ở xã Phước Diêm, Cà Ná hoạt động trở lại đã giải quyết công ăn việc làm cho hằng trăm lao động, với mức thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày.
Related news

Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình xây dựng thực phẩm sạch nhằm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nuôi tôm hùm lồng trên biển ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX và phát triển mạnh từ năm 2000 cho đến nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, cần phải có sự quản lý và quy hoạch một cách hợp lý nhằm đưa nghề nuôi có giá trị kinh tế cao này hướng đến sự phát triển một cách bền vững.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng của tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.

Để giúp nông dân phòng chống bệnh rệp sáp tấn công, ngành Nông nghiệp huyện Chư Jút đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn nông dân mua các loại thuốc đặc trị rệp sáp về phun và khuyến cáo nông dân nên tiến hành cắt và tiêu hủy những cành, chùm quả đã bị khô nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp.