Nhóm Thanh Niên Cùng Sở Thích Chăn Nuôi Bò Ở Đắk DRô

Thông qua sự “tiếp sức” của tổ chức Đoàn, một số thanh niên trên địa bàn xã Đắk Drô (Krông Nô) đã có điều kiện để phát triển chăn nuôi, hình thành nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Vê, ở thôn Jang Cách, từ lâu đã ấp ủ đầu tư chăn nuôi bò, nhưng mãi chưa thể thực hiện được vì không đủ vốn. Tuy nhiên, sau khi trình bày nguyện vọng tại các buổi sinh hoạt chi đoàn thôn, năm 2013, anh được Đoàn xã xét để được vay nguồn vốn từ Dự án chăn nuôi bò của huyện do tổ chức Đoàn quản lý. Với khoản vốn vay gần 13 triệu đồng, cộng thêm tiền của gia đình, anh đã mua một cặp bò mẹ về nuôi.
Sự “tiếp sức” đúng lúc của tổ chức Đoàn đã giúp anh Vê có được nguồn vốn cần thiết để thực hiện nguyện vọng bấy lâu. Hiện tại, không chỉ phát triển đàn bò của gia đình lên được 5 con mà anh còn hỗ trợ giống cho một thanh niên khác, có thêm điều kiện chăn nuôi, làm ăn. Tương tự, gia đình anh Y Thiếp, trú tại bon K62, cũng được hỗ trợ vốn để mua 1 con bò mẹ đã có chửa, nên chỉ sau một thời gian nuôi đã có thêm bò con.
Anh Y Thiếp tâm sự: “Nguồn vốn của tổ chức Đoàn đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để khởi nghiệp từ việc chăn nuôi bò. Ngoài vay vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò nên việc chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, bò sinh trưởng tốt, ít đau bệnh”.
Điều đáng nói, không chỉ làm ăn riêng rẽ, các bạn trẻ được Đoàn hỗ trợ vốn còn thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò. Hiện nhóm có 7 thành viên, khoảng gần 20 con bò và đã bắt đầu hỗ trợ con giống cho các bạn trẻ khác trên địa bàn để cùng nhau sinh hoạt, phát triển chăn nuôi. Một số thành viên trong nhóm đã bắt đầu trồng được 3 sào cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Anh Nguyễn Hữu Khai ở thôn Jang Cách cho biết: “Nuôi bò bây giờ không thể hoàn toàn dựa vào tự nhiên được mà cần phải có nguồn thức ăn quanh năm nên tôi đã đầu tư trồng 1 sào cỏ. Nuôi bò còn giúp gia đình có thêm nguồn phân chuồng cho vườn cà phê, giảm bớt chi phí đầu tư”. Được biết, hiện tại hầu hết các gia đình thanh niên trong nhóm cùng sở thích nuôi bò đã học hỏi và biết cách ủ phân chuồng, phân vi sinh để bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập.
Theo chị Phạm Thị Hồng Tươi, Bí thư Đoàn xã Đắk D'rô thì xuất phát từ tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như nguyện vọng của các bạn trẻ, Đoàn xã đã định hướng và phối hợp với Dự án chăn nuôi bò của huyện để giúp các gia đình thanh niên nghèo, dân tộc thiểu số có thêm nguồn vốn, điều kiện phát triển chăn nuôi bò.
Đặc biệt, việc thành lập nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò là nhằm tập hợp các bạn trẻ lại với nhau, học tập nhau cách làm ăn và hỗ trợ các thanh niên khác trong giai đoạn khởi nghiệp. Hàng tháng, nhóm sinh hoạt một lần, các thành viên cùng trao đổi những kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng bệnh cho đàn gia súc theo mùa, theo thời điểm. Thông qua sinh hoạt nhóm, các thành viên cũng ngày càng thắt chặt tình đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ về mọi mặt, từ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho đến xây dựng gia đình hạnh phúc.
Vì vậy, cùng với việc huy động các nguồn vốn để giúp đỡ thì Đoàn xã cũng đang tiếp tục khuyến khích, vận động các bạn trẻ hình thành thêm những nhóm cùng sở thích trong các lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là cách để đa dạng hóa hình thức tập hợp thanh niên nông thôn để các bạn trẻ cùng quy tụ, sinh hoạt dưới sự quản lý, hướng dẫn của tổ chức Đoàn, phát huy sức trẻ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Related news

Từ ngày 6-9 tới, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện, nơi có cơ sở nuôi chim yến, trường hợp đã nuôi chim yến trước ngày 6-9 thì phải khai báo chậm nhất vào ngày 31-12-2013. Khi có sự thay đổi về quy mô diện tích và số lượng của cơ sở nuôi chim yến, tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải khai báo chậm nhất vào ngày 30-10 hàng năm.

Ngay sau khi kết thúc gieo cấy hơn 36.000 ha lúa mùa, những ngày này nông dân các địa phương bắt tay ngay chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh giúp lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề quan trọng đạt năng suất, sản lượng đề ra.

Thời gian gần đây, hoạt động nuôi tôm phát triển mạnh theo hướng tự phát đã kéo theo sực bùng phát dịch bệnh, môi trường bị suy thoái và ô nhiễm do nuôi tôm với mật độ quá cao, sử dụng kháng sinh và hóa chất với liều cao...

Công ty APDC cho biết đang ứng dụng kỹ thuật thụ tinh chọn giới tính theo ý muốn. Theo đó, người chăn nuôi có thể chọn giới tính cho bê trước khi sinh sản bằng cách chọn tinh giới tính (đực/cái) để thụ thai cho bò mẹ.

Gần đây do một số loại cây trồng, vật nuôi bị dịch bệnh tấn công cũng như giá cả đầu ra liên tục rớt giá, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân; trong khi đó, nhiều hộ nông dân đang băn khoăn nên trồng cây gì, nuôi con gì để có đầu ra ổn định mà đặc biệt là để cải thiện kinh tế gia đình thì ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi gà và cho hiệu quả kinh tế khá cao.