Nhờ Phát Triển Cây Ngô Lai Mà Thoát Đói Nghèo
Nông dân Đắk Lắk thí điểm trồng giống ngô lai mới là max 07, đã có hiệu quả kinh tế, giúp nhiều gia đình thoát được đói nghèo...
Nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã rất thành thục trong việc phát triển cây ngô lai, và chính cây ngô lai đã mang lại hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. Trên thị trường hiện có đến cả chục loại giống ngô, một số giống chất lượng không ổn định, tạo nên hàng trăm héc ta ngô không hạt, khiến người trồng lao đao.
Vụ mùa này, nông dân Đắk Lắk thí điểm một giống ngô lai mới, có tên là max 07. Giống ngô này có ưu điểm vượt trội về khả năng chịu hạn, về hiệu quả kinh tế. Nhà cung ứng giống cũng cam kết bảo hiểm chất lượng hạt giống, để nông dân không phải chịu những thiệt hại như đã từng xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Sáu, thôn 7, xã Ea Hoa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Bà đã trồng cây ngô lai từ hơn 15 năm nay. Nhờ phát triển cây ngô lai mà gia đình bà đã thoát được đói nghèo. Tháng 6 vừa qua, bà Sáu được đại lý hạt giống ngay tại xã giới thiệu về giống ngô mới, có tên là max 07, nên quyết định trồng thử trên một nửa diện tích ruộng ngô của mình. Vụ thu hoạch này, cùng một vườn ngô, nhưng hai loại giống khác nhau cho năng suất hoàn toàn khác nhau.
“Giống max 07 trồng chịu hạn rất tốt. Cây phát triển tốt đều đặn. Qua thời gian trồng có gặp một đợt hạn, nhưng bây giờ cũng được kết quả. Tôi thấy giống ngô này hơn hẳn những giống ngô khác” - bà Sáu nói.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Hoa khẳng định: vụ mùa này, ở xã Ea Hoa, người nào trồng giống ngô max 07 thì đều có năng suất cao hơn các giống khác từ 1,5 đến 2 tấn/ha. Như vậy, mỗi ha sẽ có thu nhập cao hơn từ 4 đến 5 triệu đồng.
Ông Thiện khẳng định giống max 07 rất phù hợp với đồng đất Ea Hoa: “Quá trình sản xuất của bà con, cũng đã trồng rất nhiều loại giống bắp. Tuy nhiên đối với giống max 07 này, vụ hai này thấy cho hiệu quả và năng suất ổn định. So với các giống khác, giống này tại địa bàn xã Ea Hoa phù hợp và hiệu quả”.
Phạm Xuân Hưng, Giám đốc công ty TNHH phát triển Phương Nam- đơn vị cung ứng giống ngô max 07 trên thị trường Việt Nam cho biết: Vụ trước Công ty đã cung ứng 15 tấn giống, tương đương diện tích 1 nghìn ha ở các tỉnh miền đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Vụ tới, công ty sẽ cung ứng 100 tấn hạt giống, đủ gieo trồng 7 nghìn ha, đồng thời chịu trách nhiệm bảo hiểm các rủi ro xuất phát từ chất lượng hạt giống.
“Chúng tôi hợp tác với tác giả của loại giống này ở Thái Lan triển khai nghiên cứu từ lúc khảo nghiệm cho đến sản xuất thử và được công nhận. Giống được trồng rất nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam. Kết quả cho thấy giống này chịu được rất nhiều điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai đều cho kết quả rất cao.
Đặc biệt, ưu điểm của giống là thời gian sinh trưởng không dài, thuộc dạng ngắn ngày, so với các giống khác, chiều cao cây giống này thấp hơn 20 đến 50 cm, vị trí đóng bắp cũng thấp, thuận chăm sóc và thu hoạch”- Ông Hưng chia sẻ.
Theo ông Trần Quang Tây, Phó Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Max 07 là giống ngô mới được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công nhận và cấp phép gieo trồng tại nước ta. Thực tế tại Đắk Lắk cho thấy, ngoài yếu tố năng suất, chất lượng sản phẩm và sức kháng bệnh của cây, giống ngô Max 07 còn là giống ngô ngắn ngày, phù hợp với đặc thù khí hậu của địa phương, nên có khả năng nhân rộng. Như vậy, người trồng ngô ở Đắk Lắk có thêm sự lựa chọn, nhằm có được hiệu quả kinh tế cao hơn.
Related news
5 năm trở lại đây, mô hình trồng đu đủ phát triển mạnh tại xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) mang lại đời sống khấm khá hơn cho nhiều hộ gia đình.
Không chỉ là nông dân SX giỏi, ông còn biết tận dụng lợi thế từ những điều kiện sẵn có để tạo ra nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm thông qua việc trồng dâu kết hợp với du lịch sinh thái.
Thời gian gần đây, thị trường cây ăn trái phát triển khá đa dạng. Với ưu thế vượt trội, cây quýt đường được nhiều nông dân lựa chọn. Từ trồng thử nghiệm 8 sào quýt đường đem hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Nguyễn Hữu Toàn, ngụ ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú - Bình Phước) đã phát triển lên 3 ha và dự kiến có thu nhập 600 triệu đồng mỗi năm.
Năm nay, cây vải thiều ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) được mùa nhưng người dân vẫn tiếp tục gặp khó khăn do giá vải rẻ và đầu ra bấp bênh... Những khó khăn này đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến các hộ nông dân nản lòng và đang đứng trước cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Công ty TNHH chế biến rau, củ, quả Toàn Cầu (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) vừa triển khai chương trình liên kết với nông dân trong sản xuất, bao tiêu cho sản phẩm chuối tiêu. Doanh nghiệp (DN) cũng đã triển khai thực hiện trong thực tế với hình thức hỗ trợ nông dân trồng chuối VietGAP và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.