Nhiều Rủi Ro, Nông Dân Bỏ Nuôi Tôm Hùm?
Từng được xem là thế mạnh kinh tế đối với vùng ven biển Nam Trung bộ, vậy mà giờ đây, nhiều người lại không còn mặn mà với nghề nuôi tôm hùm.
Niềm vui thường thấy của người dân tỉnh Khánh Hòa trong những dịp thu hoạch tôm hùm hầu như không còn mà thay vào đó là âu lo. Số tiền bán tôm chẳng thể nào giúp họ trang trải chi phí chứ chưa nói lời lãi.
Một phép tính rất đơn giản, năm nay, giá tôm hùm giống ở mức cao 400.000 đồng/con. Để có được một con tôm hùm xuất bán, phải mất đến 15 - 18 tháng nuôi, chi phí thức ăn không hề nhỏ. Trong khi đó, thời điểm hiện tại, giá tôm hùm chỉ từ 1,2 - 1,4 triệu đồng.
Nhiều nông dân cho rằng, giá thấp là một chuyện, còn một chuyện khác đẩy người nuôi tôm vào chỗ lao đao là do năm nay, tỷ lệ hao lụt trong quá trình nuôi lên đến 50%. Thả nuôi 10 con giống, đến lúc thu hoạch chỉ còn 5 con, vừa mất tiền giống, vừa mất chi phí thức ăn
Ông Phan Tiến Dũng, Xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôm mắc nhiều bệnh như bệnh sữa, đen mang, trước đây nuôi không tốn còn bây giờ, cứ nửa tháng, đánh thuốc mất 2 triệu đồng”.
Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là vùng nuôi tôm hùm có tiếng của cả khu vực miền Trung. Năm nay, cứ 10 lồng bè nuôi tôm hùm thì 7 - 8 lồng bè gặp sự cố tôm bị chết. Nhiều loại bệnh cùng xuất hiện trên tôm hùm, khiến cho người nuôi tôm phải tiêu tốn vào đây khoản tiền không hề nhỏ để trị bệnh tôm.
Tất cả những điều này đã khiến cho đa phần các hộ nuôi tôm hùm đều không có lãi. Đây cũng là thực tế chung ở nhiều vùng nuôi tôm hùm.Vậy là một hiện tượng xảy ra những người lâu nay đầu tư nuôi tôm hùm, nay rút lại vốn. Những người còn cầm cự với nghề nuôi tôm không còn tiền để mà tái đầu tư.
Cả nước có trên 49.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó Phú Yên có 29.000 lồng, Khánh Hòa 19.000 lồng. Tuy nhiên con số này đang có sự biến động khi trong năm nay, nhiều lồng nuôi tôm hùm bỏ trống hoặc chuyển sang các đối tượng thủy sản khác, mặc dù các nhà chuyên môn đã đưa ra khuyến cáo.
Tiến sĩ Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III khuyến cáo: “Bà con nên chú ý những vấn đề như là thức ăn. Thức ăn cho tôm hùm là thức ăn tươi, nên phải làm sao cho thức ăn tốt hơn, tránh nhiễm khuẩn. Khuẩn ở đây hiểu là phải làm sao cho thức ăn hết ôi thiu”.
Sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm của cả nước đạt trên 2.000 tấn. Với giá thị trường từ 1 - 1,5 tỷ đồng/tấn, tôm hùm nuôi mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, sẽ khó giữ ổn định cho ngành kinh tế biển được xem là mũi nhọn nếu như chưa giải quyết được bài toán quy hoạch vùng nuôi gắn với thị trường cũng như cơ chế kiểm soát môi trường nước từng vùng nuôi. Vấn đề này từng đặt ra từ lâu, song đến nay vẫn là bài toán khó ở các địa phương ven biển.
Related news
Chuyện làm thay đổi nếp nghĩ của bà con người Mông ở xã Xá Nhè (Tủa Chùa, Điện Biên) của ông Trưởng họ Lò A Sử: khoét núi, đào ao thả cá và cai nghiện thành công cho nhiều người trong dòng họ.
Cũng vào thời điểm này, diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến đã tăng 366 ha so với cuối năm 2013. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy vấn đề sản xuất tôm ở Cà Mau đang có dấu hiệu tiến triển tốt ngay từ đầu năm 2014.
Những ngày đầu năm mới, ngư dân vùng biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hết sức hồ hởi bởi trúng đậm “lộc” tôm nhí (tôm hùm con).
Ngày 5/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại cảng cá phường 6 và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa - Phú Yên), 77 tàu cá của ngư dân cùng hàng trăm lao động đã đồng loạt ra quân hướng vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa để khai thác cá ngừ đại dương.
Trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 tết (ngày 2 và 3.2), ngư dân xã Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) xuất hành đầu năm mới, đã trúng đậm “lộc biển” cá cơm mồm xuất khẩu và ruốc.