Nhật Bản Đầu Tư Thí Điểm 180 Tàu Cá Composite Tại Việt Nam
Phía Nhật Bản đặt mục tiêu từ 2015, mỗi năm đội tàu này sẽ xuất khẩu khoảng 4.500 tấn cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản.
Ông Yukio Kikuchi, giám đốc dự án tại Việt Nam của Công ty Yanmar (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư thí điểm khoảng 180 tàu composite giúp ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu.
“Chúng tôi sẽ lập ở mỗi tỉnh 10 tổ, đội với 60 tàu (mỗi tổ đội sáu tàu với 36 lao động) tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương. Các đội tàu hoạt động theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật (ngư dân được quyền chọn mua cổ phần đến 100% giá trị tàu)”, ông Yukio Kikuchi nói.
Theo vị chuyên gia này, mỗi chuyến biển đánh bắt theo công nghệ của Nhật Bản chỉ 15 ngày. 10 tổ, đội với 60 tàu cá thu về ít nhất khoảng 150 tấn cá ngừ đại dương. Sản phẩm cá ngừ tươi nguyên con sẽ xuất bằng đường hàng không đưa đến các phiên chợ đấu giá thủy sản ở Nhật bán khoảng 10 USD mỗi kg (cao gấp năm lần so với giá cá ngừ đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam hiện nay).
Công ty Yanmar đặt mục tiêu, từ năm 2015, các tổ, đội của ba tỉnh miền Trung nói trên sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4.500 tấn cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản mỗi năm.
Hiện Công ty Yanmar đang phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học thủy sản Nha Trang thiết kế, sản xuất tàu cá vỏ composite đầu tiên (bao gồm ngư cụ, công nghệ xử lý và bảo quản cá ngừ của Nhật Bản) có công suất 350CV, vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng (trong khi chi phí đóng tàu gỗ và sắt có công suất tương đương lần lượt là 4,5 và 10,5 tỷ đồng). Dự kiến đầu tháng tới, chiếc tàu này sẽ được hạ thủy tại Khánh Hòa.
Ông Yukio Kikuchi phân tích, ưu thế của loại tàu composite là tiết kiệm nhiên liệu hơn 30% so với tàu gỗ, chi phí bảo dưỡng mỗi năm khoảng 50 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tàu gỗ lẫn tàu sắt. Vận tốc tối đa của tàu composite đạt 12 hải lý mỗi giờ (cao hơn 4 đến 6 hải lý) so với tốc độ của tàu gỗ, tàu sắt có công suất máy lớn.
“Do chuyến biển ngắn ngày, mỗi tàu chỉ 6 lao động, các chuyên gia Nhật hỗ trợ, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, thủy sản lại được bao tiêu với giá ổn định nên tôi tin thu nhập của bà con ngư dân sẽ cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, ông Yukio Kikuchi khẳng định.
Theo nhiều ngư dân miền Trung, tàu cá vỏ composite có ưu thế nổi bật so với tàu vỏ gỗ là tính an toàn và khả năng bảo quản sản phẩm.
TS Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Trường Đại học thủy sản Nha Trang chia sẻ, composite là loại vật liệu công nghệ cao, được ứng dụng sản xuất tàu thủy tại Việt Nam từ năm 1990 nhưng vì một số rào cản nên chậm phát triển. Rào cản ấy giờ đây đã được tháo gỡ một khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ ngư dân là "cơ hội vàng" để bà con ngư dân phát triển đội tàu cá xa bờ bằng chất liệu composite bên cạnh tàu vỏ thép và vỏ gỗ.
Related news
Bằng nguồn vốn Chương trình Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) hỗ trợ trình diễn mô hình trồng ca cao xen dừa tại huyện Càng Long và Cầu Kè (Trà Vinh) với 11.000 cây giống trồng trên diện tích 22ha.
Thời điểm này nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang vào chính vụ thu hoạch tiêu, mặc dù giá đang giảm mạnh nhưng đây vẫn là mặt hàng có giá bán cao nhất trong các mặt hàng nông sản. Hiện người trồng tiêu đang có lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha.
Ngày 24/2, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc (TP Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết, tất cả 25 hộ thành viên của HTX đăng ký trồng rau theo mô hình VietGAP trên diện tích 13.380m2 vào cuối năm 2011 đến nay đã không còn trồng rau theo mô hình này.
Hiện nay, giá cà phê các đại lý ở Đồng Nai mua của nông dân hơn 38 ngàn đồng/kg, tăng trên 8 ngàn đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2013.
Trong năm 2013, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã thực hiện hiệu quả các mô hình điểm. Trong chương trình cánh đồng sản xuất tập trung, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai được 22 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, tổng diện tích 4.233 ha, với 2.977 hộ tham gia.