Nhân Rộng Ngân Hàng Bò, Thêm Nhiều Hộ Nghèo Hưởng Lợi
Trong các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, nổi lên Dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam được triển khai, thực hiện từ năm 2010 trên địa bàn 6 huyện 30a.
Từ hiệu quả thực tế, tỉnh ta triển khai kế hoạch nhân rộng Dự án “Ngân hàng bò” trên địa bàn toàn tỉnh với việc huy động nguồn lực đóng góp của toàn xã hội giúp thêm nhiều hộ nghèo có bò sinh sản.
Tháng 7.2013, gia đình ông Nguyễn Văn Phiến, thôn Bản Rắn, xã Ngọc Long (Yên Minh) được nhận một con bò sinh sản từ Dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội CTĐ triển khai.
Gia đình ông Phiến vui mừng, phấn khởi bởi “ước mơ” có con bò sinh sản chăn nuôi từ nhiều năm nay đã trở thành hiện thực. Ông tâm sự: “Do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi cố gắng nhiều năm mà vẫn không mua được bò về nuôi vừa phục vụ sản xuất, vừa phát triển kinh tế gia đình.
Tin vui đến với gia đình khi được bà con trong thôn bình chọn là hộ được nhận hỗ trợ bò từ dự án. Có bò sinh sản, gia đình tôi hứa với chính quyền địa phương, với bà con trong thôn sẽ chăm sóc tốt, đẻ thêm bê con để trả lại dự án luân chuyển cho hộ nghèo khác chăn nuôi. Nếu không có dự án hỗ trợ, thực sự gia đình không biết đến bao giờ mới có bò chăn nuôi bởi hiện nay giá bò giống rất cao, nằm ngoài khả năng lo kinh phí của gia đình”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phiến là 1/100 hộ nghèo ở huyện Yên Minh được nhận bò sinh sản từ Dự án “Ngân hàng bò” triển khai trong năm 2013.
Ngay sau khi nhận được kế hoạch triển khai Dự án Ngân hàng bò, Hội CTĐ huyện tham mưu cho chính quyền địa phương chọn lựa 4 xã triển khai là Na Khê, Lũng Hồ, Ngọc Long, Đường Thượng (mỗi xã 25 con, mỗi con được hỗ trợ 10 triệu đồng) bởi đây là địa bàn có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sinh sản và còn nhiều hộ nghèo, đặc biệt khó khăn chưa có bò nuôi.
Trên cơ sở kế hoạch phân bổ, các xã phân bổ đến từng thôn và hướng dẫn các thôn tiến hành họp dân để bà con bình xét dân chủ, công khai, trọn lựa hộ hưởng lợi đúng tiêu chuẩn.
Các hộ được hỗ trợ tự đi tìm mua bò dẫn về trụ sở xã trực tiếp nhận tiền hỗ trợ từ BQL Dự án, trong số 100 hộ được hỗ trợ bò lần này có rất nhiều hộ vay mượn thêm tiền của anh em, bạn bè để mua bò có giá trị lớn hơn số tiền được hỗ trợ để bò phát triển nhanh hơn.
Đồng chí Trần Hồng Thức, Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết: “Để thực hiện công tác quản lý đàn bò hiệu quả, huyện cũng đã thành lập BQL Dự án và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bà con được nhận bò hỗ trợ rất vui và đều hứa sẽ chăm sóc tốt để trả bê con cho dự án theo đúng cam kết.
Đến nay, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, có 4 bò mẹ sinh bê con, 15 bò mẹ đang có chửa. Không chỉ được hỗ trợ bò sinh sản, các hộ còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đàn bò được cán bộ Thú y thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh”.
Yên Minh là 1 trong 6 huyện 30a của tỉnh nằm trong vùng triển khai Dự án “Ngân hàng bò” của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam từ năm 2010. Mục đích của Dự án nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi bò giống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo quy định của dự án, các hộ nghèo được nhận bò giống, sau khi nuôi đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ nuôi dưỡng, chăm sóc bê con thêm 6 tháng tuổi, sau đó chuyển giao con bê cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống.
Và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống sẽ gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều gia đình nghèo được hưởng lợi. Trong trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bê đực, BQL Dự án các huyện chịu trách nhiệm bán con bê, tiền bán 2 con bê đực được dùng để mua 1 con bê cái hỗ trợ cho hộ nghèo khác.
Hội CTĐ tỉnh tham mưu cho tỉnh thành lập BQL Dự án từ tỉnh đến các huyện nhằm thực hiện tốt công tác triển khai thực hiện cũng như công tác quản lý chung trong những năm tiếp theo. Đồng thời phối hợp với chính quyền các huyện và một số ngành chức năng cùng thực hiện công tác triển khai, quản lý từ khâu chọn hộ hưởng lợi đến công tác chăm sóc, phát triển đàn bò sinh sản.
Từ năm 2010 đến nay, “Ngân hàng bò” đã thực hiện hỗ trợ trên 500 con bò sinh sản, trị giá mỗi con bò hỗ trợ 10 triệu đồng, trong đó có 8 triệu của Dự án “Ngân hàng bò”, 2 triệu từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Đã có trên 100 con bò mẹ sinh sản ra bê con đã luân chuyển và chuẩn bị luân chuyển cho hộ nghèo khác nuôi. Bò được hỗ trợ từ Dự án được đeo thẻ tai để không nhầm lẫn với bò của dân.
Bò là con vật nuôi có ý nghĩa đối với bà con vùng cao bởi đây không chỉ là công cụ phục vụ sản xuất mà nó còn là tài sản lớn.
Với điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ nghèo trên các huyện vùng cao của tỉnh không có khả năng mua bò chăn nuôi và Dự án “Ngân hàng bò” đã giải quyết được khó khăn đó cho bà con. Với hình thức hỗ trợ có luân chuyển thì số hộ nghèo được hưởng lợi sẽ nhân lên theo thời gian.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Ba, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: “Sau 3 năm triển khai, Dự án “Ngân hàng bò” thực sự phát huy hiệu quả, do đó, tháng 6.2013, Tỉnh ủy Hà Giang đã triển khai kế hoạch phát triển Dự án Ngân hàng bò trong năm 2013 - 2014 trên tinh thần chỉ đạo đó là “Ngân hàng bò” – chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, các xã biên giới xây dựng Nông thôn mới”.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch đó là vận động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh trao tặng cho các huyện 30a mỗi huyện từ 30 con bò sinh sản trở lên, mỗi con trị giá 10 triệu đồng. Với các huyện còn lại vận động và trao tặng các hộ gia đình tại địa phương, mỗi huyện từ 20 con bò sinh sản trở lên.
Đến nay, kế hoạch nhân rộng “Ngân hàng bò” được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 26 cơ quan, đơn vị, cá nhân trao tặng 110 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, trị giá trên 1 tỷ đồng.
Theo đặc thù chăn nuôi của từng vùng, các địa phương cũng linh hoạt chuyển hỗ trợ trâu, bò sang hỗ trợ dê sinh sản. Hiện nay các ngành, địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai, thực hiện kế hoạch nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển Dự án “Ngân hàng bò” năm 2013 – 2014 mà tỉnh đã đề ra.
Dự án “Ngân hàng bò” của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam và kế hoạch phát triển “Ngân hàng bò” của Tỉnh ủy Hà Giang có ý nghĩa lớn giúp tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên phát triển kinh tế.
Related news
Nhiều vườn mắc ca ở tỉnh Đắc Lắc trồng cách đây cả chục năm nhưng không mang lại hiệu quả. Từ thực tế nhiều vườn mắc ca trong tỉnh, trồng cách đây cả chục năm nhưng không mang lại hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh Đắc Lắc đã yêu cầu các huyện trong tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế trồng loại cây này.
Lâu nay, chúng ta thường nghe thuật ngữ “trái cây sạch”, “rau sạch”… nhưng gần đây ở Thành Phố Hồ Chí Minh ta đã và đang xuất hiện thêm mô hình “chăn nuôi heo sạch” còn gọi là chăn nuôi 4 không trên nền đệm lót sinh học.
Hiện tại, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có 5 hộ dân ở xã Vị Đông và Vĩnh Tường đang thực hiện mô hình nuôi dê, với số lượng 44 con. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với mỗi con dê trưởng thành có giá hơn 3 triệu đồng, quy mô nuôi 4 dê cái và 1 con dê đực là gần 20 triệu đồng.
Theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 mà Bộ NN&PTNT đã phê duyệt, trang trại là một hướng phát triển được quan tâm để đảm bảo cho sản xuất, chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Dù chỉ chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhiều hộ nông dân tại xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã biết liên kết với nhau để cùng mua cám với số lượng lớn. Sự liên kết này đã giúp họ mua được cám với giá rẻ của đại lý, nên chi phí chăn nuôi giảm và lợi nhuận tăng đáng kể.