Nhân Giống Cây Tre Bằng Cấy Mô Ở Ống Nghiệm
Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt (Dalat FBIO) đã nghiên cứu, nhân giống cây tre thành công bằng kỹ thuật invitro (nuôi cấy mô trong ống nghiệm) và xuất khẩu sang các nước.
Hướng kinh doanh này đã mở ra cánh cửa cho loài tre Việt Nam tiến sang thị trường khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Công ty Rừng hoa Đà Lạt cho biết: “Năm 2006, tình cờ tôi gặp một số đối tác người Philippines có nhu cầu tìm mua cây tre giống về trồng nên đã có ý tưởng sản xuất tre giống xuất khẩu. Theo tìm hiểu của tôi thì đến nay trong nước vẫn chưa có đơn vị nào nghiên cứu, sản xuất cây tre giống theo kỹ thuật invitro một cách đại trà cung cấp cho thị trường.”
Từ ý tưởng này, Dalat FBIO đã tìm hiểu, nghiên cứu và nhận thấy thị trường tre giống có nhu cầu rất lớn nhưng vẫn còn bỏ trống.
Khi bắt tay vào thực hiện, nhận thấy phương pháp nhân giống hữu tính rất lâu và sẽ không đáp ứng nhu cầu thị trường nên công ty đã thực hiện phương pháp nhân giống invitro đối với loài tre này.
Ban đầu, việc áp dụng công nghệ này để sản xuất giống đại trà còn gặp rất nhiều khó khăn về khâu chọn lọc giống cây phù hợp với môi trường sống, phải liên tục thay đổi các quy trình tạo giống, nguy cơ cây bị nhiễm khuẩn trong giai đoạn nhân chồi…
Tuy nhiên, sau nhiều lần thất bại thì quy trình nhân giống invitro cho cây tre cũng đem lại kết quả khả quan. Sau khi được tách ra từ phòng thí nghiệm, cây con được đưa vào vườn ươm chăm sóc để chờ ngày xuất xưởng với nhiều ưu điểm như cây khỏe mạnh, sạch bệnh, thích nghi tốt với môi trường…
Ông Nguyễn Đình Sơn cho biết thêm: “Ưu điểm của công nghệ nhân giống invitro này là từ 1 chồi gốc mẹ ban đầu trong vòng một năm có thể nhân ra từ 100.000 đến 200.000 cây con ở môi trường sạch, không bị vướng kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu.”
Theo tìm hiểu, ưu điểm của cây tre là phủ rừng nhanh, dễ thích nghi với các môi trường sống khác nhau và sau khi thu hoạch thì cây vẫn có thể tiếp tục đâm chồi, phát triển như bình thường.
Do đó, cây tre hiện nay đang được nhiều nơi trồng đại trà phục vụ phủ rừng hay làm nguyên liệu trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, thực phẩm từ măng tre…
Đặc biệt, cả một số nước khu vực châu Á gần gũi với Việt Nam như Thái Lan, Lào, Philippines, Trung Quốc… cũng đang có nhu cầu rất lớn về cây tre giống.
Do cây tre giống invitro có nhiều ưu điểm nên đã được các bạn hàng đánh giá rất cao và thị trường ưa chuộng.
Dự kiến trong năm 2012, Công ty này tiếp tục sản xuất khoảng 200.000 cây tre giống để cung cấp cho các đơn hàng ở Quảng Nam , Đà Nẵng, Nghệ An…
Ông Sơn nhận định: “Đầu ra cho cây tre giống hiện nay là rất lớn, chỉ tính riêng thị trường trong nước đã cần có vài chục triệu cây tre để cho các dự án trồng rừng, trồng làm nguyên liệu… Mục tiêu đến năm 2014 chúng tôi sẽ sản xuất trung bình mỗi năm từ 800.00 đến một triệu cây để cung cấp cho thị trường rất rộng lớn ở trong và ngoài nước”./.
Related news
Giống ROC22 có nguồn gốc từ Viện nghiên cứu mía đường Đài Loan, do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia nhập nội và đưa vào mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia vùng Nam Trung bộ từ 1999-2004, đã được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử từ năm 2004. Giống ROC22 đã được sản xuất thử từ năm 2005-2009 tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa trên diện tích từ 250-300 ha mỗi năm.
Ngày 14 - 4, Ban Quản lý Dự án Xây dựng, chuyển giao hệ thống canh tác thích hợp xóa đói giảm nghèo thôn Đá Hang và Cầu Gãy tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả mô hình giống lúa lai tại thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Hàng chục hộ nông dân là đồng bào dân tộc Raglai ở địa phương đến dự.
BG1 và BG6 là 2 bộ giống lúa thuần mới do Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang chọn tạo, đã được áp dụng thí điểm từ 2 năm nay tại một số địa phương tỉnh ta. Qua mô hình sản xuất tại xã Minh Thanh (Sơn Dương) cho thấy, các loại giống này có đặc tính cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, khả năng chịu bệnh tốt, đặc biệt là năng suất cao hơn so với các giống cũ..
Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu đỗ (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) vừa chọn tạo thành công và khuyến cáo các địa phương đưa vào gieo trồng giống đậu tương cao sản DT51.
Được thành lập từ năm 2007, Công ty cổ phần Thanh Hương (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) chuyên về nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc. Thời gian qua, công ty đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ TL14, bước đầu mang lại thành công và mở ra hướng đi mới trong việc trồng cây đặc sản trên vùng đất này.