Nhà Vườn Núi Cấm Đón Tết
Đối với loại cây có múi như quýt, cư dân núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) mang giống từ miệt Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… về trồng rất thích hợp. Độc đáo hơn, trái cho thu hoạch vào dịp Tết, trở thành loại đặc sản quý hiếm ở An Giang.
Đặc sản đón Tết
Ông ba Tùng (khu vực chùa Phật nhỏ) là người đầu tiên thực hiện mô hình vườn đồi, vườn rừng và mở ra triển vọng trồng cây có múi trên đỉnh núi Cấm. Theo ông Lê Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên, đây là miếng vườn quýt hiếm thấy, bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng núi non, không phải chỗ nào muốn trồng cũng được như vậy.
Chẳng hạn, vườn quýt đường giống Cái Bè của thầy giáo Trần Hoàng Anh (ở vồ Đầu) cũng thuộc loại có hạng, rốt cuộc cũng thành công mỹ mãn, đất không phụ lòng người ở chốn non cao. Quýt đón Tết của thầy giáo Hoàng Anh được bạn hàng, người tiêu dùng rất ưa thích do trái lớn, hương vị thơm ngon.
Thầy giáo Trần Hoàng Anh khoe, thu hoạch 2 công đất trồng quýt đường được trên 5.000kg trái. “Coi như thành công rồi. Mới thu hoạch một hai đợt, từ đây tới Tết còn ăn dài dài nữa. Cây mới cho trái năm thứ hai, thấy ham lắm” – anh Hoàng Anh hồ hởi. Cây của anh trồng là giống quýt đường ghép gốc bưởi, màu sắc không rực rỡ như quýt tiều, quýt hồng. Thế nhưng, trái to, hương vị rất thơm và ngon ngọt. “Ở độ cao hơn 600 mét, cây quýt sống được, phát triển tốt, cho trái đạt yêu cầu. Phải nói mừng hết cỡ. Trên đỉnh núi Cấm, chỉ có vườn quýt của tôi, xung quanh đâu ai trồng” – anh Hoàng Anh tự tin.
Đỉnh núi Cấm có quýt đón Tết trở nên quý hiếm, cư dân xứ núi đồn đãi khắp vùng. Theo anh Nguyễn Văn Lường (cư dân vồ Đầu, núi Cấm), thời tiết trên đỉnh núi mấy năm nay thay đổi, thầy giáo Trần Hoàng Anh lập vườn trồng quýt đường và bán vào dịp Tết là một thành công lớn và anh đã… đi tắt đón đầu khi núi Cấm vào mùa hành hương, du lịch, đông đảo du khách gần xa về đây thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh kỳ vĩ của Bảy Núi. “Diện tích ít, sản lượng không nhiều, chỉ cần bán tại đỉnh núi cũng sướng” – anh Lường nói vui.
Triệu phú vườn đồi
Hướng dẫn thăm những vườn quýt đón Tết trên đỉnh núi Cấm, anh Phạm Việt Tân, Trưởng ban Nhân dân ấp Vồ Đầu, tấm tắc: “Phải nói mấy ông này kỳ công thiệt, tận dụng điều kiện khó khăn để biến thành lợi thế. Nhờ siêng năng mà họ đã thành công”. Như bên vồ Rau Tần, trên 1.000 cây quýt hồng của anh Nguyễn Thiện Chí cũng cho trái tươi tốt và hứa hẹn một cái Tết sung túc.
Về phần mình, anh Chí cho hay, ngoài 10 tấn trái thu hoạch đợt đầu đã bán, số còn lại hiện đang o bế tiếp tục đón Tết, với sản lượng chừng đó lấy lên. “Đợt đầu bán được 23.000 đồng/ kg, Tết tới chắc chắn quýt sẽ lên giá nữa, vì núi Cấm này, người lập vườn trồng quýt không nhiều, vả lại có quýt bán dịp Tết trở nên hiếm” – anh Chí phấn khởi.
Hôm tìm đến thăm vườn anh Trần Văn Danh (đồi Latina), thật không khỏi ngỡ ngàng trước 12 công quýt đường (giống Định Quán, Đồng Nai) lại lọt thỏm giữa khu rừng bên sườn núi Cấm.
Vợ chồng anh rất thiệt tình, khoe mới bán được 25 tấn trái, đây là đợt thu hoạch năm đầu tiên, mới tính trên 70% số cây đang cho trái và 30% còn lại là để đón Tết sắp tới. “Theo bạn hàng cho biết, quýt này tiêu thụ về Hà Tiên, Phú Quốc và bán qua Campuchia. Do giống quýt của tôi là giống ghép trên gốc cây cam sành, cam mật, dù hơi lạ hơn giống cùng loại nhưng nên họ rất thích” – anh Danh cho biết.
Cây quýt trên núi Cấm trở thành câu chuyện được bạn nhà nông trong khu vực để ý, nó giống như những giai thoại đầy chất huyền bí, gắn với con người và vùng đất núi non này. Anh Si Sô Vath, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo, thừa nhận, việc lập vườn trên núi Cấm coi vậy rất khó, không phải ai muốn làm cung được. Quýt cho thu hoạch trái và bán dịp Tết cũng là cái giá mà họ phải trả rất đắt.
“Từ độ cao 400m – 500m trở lên, khí hậu núi Cấm rất ổn định, thích hợp với loại cây có múi. Người lập vườn trên núi Cấm đã chủ động, nên cây quýt phát triển tốt, có trái bán dịp Tết là một thành công lớn” – ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên, nói.
Related news
Từ chối mức lương ổn định hàng tháng để quay về quê nhà lập cơ sở sản xuất nấm cho riêng mình. Đó là cách nghĩ, cách làm của chàng kỹ sư trẻ Trần Minh Kiển (29 tuổi) ở khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi đợt sản xuất.
Hơn 1 tháng nay, ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… cũng như nhiều địa phương trong cả nước, dưa hấu giá rẻ chưa từng có chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, loại chất lượng hơn cũng chỉ giá 8.000 đồng, thậm chí bán tại ruộng chỉ 1000 đồng/kg.
Với địa hình bằng phẳng, có nguồn nước dồi dào từ Ngòi Thia, suối Nung, suối Nậm Tộc không những đã tạo cho thị xã Nghĩa Lộ điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp mà còn là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển ngành chăn nuôi thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá xen lúa.
Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vừa hoàn thành giai đoạn một về xây dựng mô hình điểm sản xuất cà phê catimor chè an toàn. Qua đó bước đầu đã đúc kết, chuyển giao nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật canh tác mới cho hộ gia đình đồng bào thiểu số địa phương.
Đó là ông Võ Tuấn Tú, hiện ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Quê ở xã Phước Hòa - Tuy Phước, là vùng cuối nguồn sông và ven đầm Thị Nại, ông gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản từ lâu trên đất quê mình, nên có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề.