Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía

Nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía
Publish date: Monday. November 30th, 2015

Theo quy hoạch sản xuất năm 2000, huyện Thới Bình thuộc vùng Bắc Cà Mau, là vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, trong đó mía là 1 trong 2 cây trồng chủ đạo.

Từ nhiều năm trước, cây mía đã gắn bó mật thiết với nông dân nơi đây, nhiều hộ khá giả cũng nhờ cây mía, nhưng đến nay, hàng ngàn héc-ta mía của huyện chỉ còn lại hơn 710 ha.

Thực trạng buồn của cây mía

Diện tích mía chuyển đổi cơ cấu sản xuất nay lên tới hơn 5.200 ha.

Trong đó, giai đoạn trước khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất năm 2013, người dân đã chuyển đổi hơn 4.160 ha đất mía sang luân canh lúa - tôm.

Từ năm 2013 đến nay, tiếp tục hơn 1.000 ha đất mía được người dân "phá rào" chuyển qua trồng hoa màu (245 ha) và làm lúa - tôm (814 ha).

Nhiều năm nay, người dân huyện Thới Bình đã “xé rào” chuyển qua làm lúa - tôm.

Trước thực trạng trên, sau khi khảo sát, đánh giá tình hình chuyển dịch tự phát của người dân, Tổ Liên ngành 249 đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện Thới Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa, mía sang luân canh lúa - tôm như hiện trạng.

Cụ thể, huyện được phép chuyển và giữ nguyên hiện trạng gần 5.000 ha đất trồng mía sang sản xuất lúa - tôm và 245 ha đất trồng mía chuyển qua trồng màu theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Vậy hơn 710 ha mía còn lại sẽ như thế nào? Người đã chuyển đổi được giữ nguyên hiện trạng thì sao cản được người chưa “xé rào”.

Theo dự báo, diện tích mía còn lại tập trung tại các xã: Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch Ðông, Tân Bằng… sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Nguy cơ xoá sổ vùng nguyên liệu mía tại Thới Bình đang hiện hữu.

Thực trạng trên được nhận định do canh tác lâu năm, năng suất mía giảm, giá mía quá rẻ, người trồng mía không có lời.

Trong khi, nhiều người dân chuyển qua làm mô hình tự phát mang lại hiệu quả cao hơn trồng mía nhiều lần.

“Xé rào” hiệu quả

Về xã Trí Phải, Trí Lực những ngày này, chúng tôi ghi nhận hình ảnh những cánh đồng lúa trong mô hình luân canh 1 vụ lúa - tôm của bà con xanh mướt.

Những luống gừng được người dân “xé rào” cũng tươi tốt, đan xen là những vườn mía èo uột, thân cây mía tỏ ra nặng nề trông thấy khi những lá mía bám thân từ gốc đến ngọn chẳng được người dân chăm sóc, bóc tỉa.

Sự nặng nề của cây mía dường như đã phần nào thể hiện cho sự thiếu mặn mà, nản lòng của người dân.

Nhiều bà con cho biết, mía năm nay được giá 800 - 900 đồng/kg, cao hơn năm trước, nhưng tính ra 1 ha lời chỉ khoảng 10 - 20 triệu đồng mà thôi.

Nhớ lại thực trạng cây mía năm rồi, ông Trịnh Thanh Triều, xã Trí Lực, bộc bạch rằng: "Năm rồi chúng tôi thua lỗ mỗi công 1 - 2 triệu đồng, bà con quanh đây đốn mía bán tháo bán chạy, nhiều người nản quá đốt bỏ luôn, chuyển mía qua làm lúa - tôm hoặc trồng màu".

Gia đình ông Triều có hơn 7 ha đất trồng mía, gắn bó với cây mía đã lâu bỏ cũng không đành, để thì khó sống, ông mới thực hiện chuyển khoảng 3 ha sang làm lúa - tôm, phần còn lại vẫn giữ trồng mía.

Tính từ đầu năm đến nay, ông đã thu nhập gần 100 triệu đồng từ nuôi tôm, trong khi ông chỉ phải đầu tư vào đó 15 triệu đồng (không tính tiền san lấp khi thực hiện chuyển đổi).

Ngược lại, hơn 4 ha đất trồng mía, ông tính sơ, mỗi công đến nay ngốn hết khoảng 6 triệu đồng (chưa tính tiền công thu hoạch).

Cả năm vất vả cùng cây mía, bạc trăm triệu đã đổ vào, nhưng đến khi thu hoạch không biết có được bằng con tôm hay không.

Theo đánh giá, tình hình chuyển dịch sản xuất tự phát của huyện Thới Bình, lấy bình quân từ năm 2012-2014, hiệu quả của mô hình chuyên lúa khoảng 19 triệu đồng/ha/năm; cây mía cho lợi nhuận thấp nhất, khoảng 18 triệu đồng/ha/năm; mô hình “xé rào” luân canh lúa - tôm mang lại hơn 60 triệu đồng/ha/năm.

Ðặc biệt, mô hình tự chuyển dịch trồng màu có lợi nhuận lên tới hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Vậy nên cũng khó trách, trong hơn 2 năm qua, có đến hơn 1.000 ha đất trồng mía biến thành vuông tôm, rẫy màu.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, chia sẻ: "Rất khó cho địa phương, thực tế đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mía, nhưng đất đã bị thoái hoá do trồng mía nhiều năm liền nên năng suất liên tục giảm, giá cả bấp bênh, bà con trồng mía lợi nhuận thấp.

Ngược lại, một số mô hình tự phát mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Trong đó, mô hình lúa - tôm đã được Hội đồng Khoa học Cà Mau khẳng định là mô hình bền vững".

“Về kế sách lâu dài, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đã đề xuất quy hoạch lại vùng trồng mía.

Kế hoạch sẽ thực hiện chuyển đổi phần diện tích này qua mô hình luân canh lúa - tôm và một phần chuyển qua trồng màu (chủ đạo là cây gừng)”, ông Nguyễn Hoàng Lâm nói.


Related news

Phú Thọ gieo cấy gần 1.500ha lúa mùa Phú Thọ gieo cấy gần 1.500ha lúa mùa

Đến nay Phú Thọ đã thu hoạch được hơn 37 nghìn ha lúa chiêm xuân, đạt 99,5% tổng diện tích gieo cấy, năng suất ước đạt 58,6 tạ/ha; ngô đã thu hoạch gần 5.000ha/5.900ha, năng suất ước đạt 46,6 tạ/ha; lạc đã thu hoạch hơn 3.100ha/ 3.469ha, năng suất ước đạt 18,9 tạ/ha; rau các loại đã thu hoạch hơn 4.000 ha/4.220ha, năng suất ước đạt 135,7 tạ/ha.

Tuesday. June 23rd, 2015
Yên Lập khẩn trương làm vụ mùa Yên Lập khẩn trương làm vụ mùa

Hiện nay, nông dân huyện Yên Lập đang tập trung làm đất gieo cấy lúa vụ mùa. Anh Nguyễn Tiến Dần ở xã Hưng Long phấn khởi nói với chúng tôi: “Năm nay nắng nóng đầu vụ cứ lo mất mùa nhưng lúa năm nay được mùa các chị ạ. Mỗi sào lúa cũng phải được trên 2 tạ”. Từ kết quả vụ chiêm xuân, Yên Lập có thêm nhiều kinh nghiệm cho sản xuất vụ mùa.

Tuesday. June 23rd, 2015
Chuyển lúa trồng bắp Chuyển lúa trồng bắp

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho các vùng sản xuất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số diện tích trồng lúa thiếu nước kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn, đặc biệt là cây bắp.

Tuesday. June 23rd, 2015
Khuyến khích phát triển sâm Ngọc Linh Khuyến khích phát triển sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh mọc chủ yếu trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh huyện Nam Trà My ở độ cao 1.200 - 2.100m. Đây là loại dược liệu cực kỳ quý hiếm nên sau 5 năm trồng và chăm sóc cho lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng/ha. Vì thế, đây là cây thoát nghèo của người dân địa phương.

Tuesday. June 23rd, 2015
Phước Sơn chống hạn Phước Sơn chống hạn

Vụ hè thu 2015, huyện Phước Sơn tổ chức sản xuất trên khoảng 40% diện tích so với tổng diện tích đông xuân 2014 - 2015. Tuy không bị áp lực cao bởi nắng hạn do vụ hè thu thường xuất hiện mưa dông, song do quản lý vận hành một số công trình thủy lợi, hồ chứa chưa tốt đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Tuesday. June 23rd, 2015