Người Trồng Tiêu Giỏi Nhất Thế Giới

Nông dân Trần Hữu Thắng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) được Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) tặng danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”. Đằng sau danh hiệu này là câu chuyện vươn lên không biết mệt mỏi của người nông dân nghèo miền Bắc, lập nghiệp trên vùng đất phương Nam.
Lập nghiệp từ số 0
Sinh ra tại tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nông dân nghèo có đông anh em, năm 1984, lúc mới 15 tuổi, anh Thắng vào ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Những ngày đầu ở vùng đất mới, anh làm thuê, cuốc mướn rồi dần tích góp được ít tiền mua đất trồng cây, phát triển kinh tế gia đình. 10 năm gắn bó với ruộng vườn mà vẫn không tích góp được gì để ổn định cuộc sống.
Sau nhiều năm suy nghĩ, năm 1997 anh quyết định trồng cây tiêu. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu xanh tốt dưới cái nắng gây gắt, anh chỉ tay vào gốc tiêu sum sê có đường kính hơn 1m, cao hơn 5m và nói: “Ở thời điểm năm 1997, trồng tiêu rủi ro rất cao do dịch bệnh hay hoành hành và tôi đã phải khốn đốn vì điều này”. “Thất bại là mẹ thành công”, từ những thất bại ban đầu, anh rút ra được kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng tiêu. Anh Thắng quyết định chia 3 sào đất của mình thành 3 vườn tiêu riêng biệt và chăm sóc theo 3 quy trình khác nhau. Phương pháp này đã giúp anh Thắng tìm ra được cách trồng tiêu hiệu quả nhất để trồng nhân rộng ra trên 1ha. Nhờ đó, trong liên tục gần 6 năm qua, vườn tiêu của anh Thắng luôn cho năng suất đạt trên 8 tấn/ha, cá biệt có 3 sào áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, năng suất luôn đạt ở mức kỷ lục trên 10 tấn/ha - đó là con số mà bất cứ người trồng tiêu nào trên thế giới cũng phải mơ ước.
Ứng dụng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm
Anh Thắng cho rằng, tiêu là một trong những loại cây có giá trị kinh tế lớn, song lại rất hay bị nhiễm sâu bệnh, nên không nhiều nông dân thành công với loại cây này. Trước tình hình đó, anh đã quyết tâm mày mò tìm cách khắc phục. Nhờ sự tư vấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, năm 2000, anh Thắng là người đầu tiên ở Đồng Nai mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu của mình, kinh phí xây dựng hệ thống do tỉnh Đồng Nai hỗ trợ hoàn toàn. Không ngờ với hệ thống này, thành công mang lại vượt ngoài mong đợi, không những vườn tiêu của anh xanh tốt mà còn ngăn chặn được sự xuất hiện và gây hại của bệnh chết nhanh, chết chậm - hai loại bệnh vốn đã và đang gây thiệt hại nặng nề nhất trên các vườn tiêu cả nước. Và đó là bí quyết đã giúp vườn tiêu của anh đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện anh Thắng có gần 3ha tiêu và 4ha cao su, lợi nhuận hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng. Đâu chỉ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm đối với những người trồng tiêu trong tỉnh Đồng Nai, anh Thắng còn tư vấn qua điện thoại cho các nông dân trồng tiêu ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Bình Phước…
Nói về anh Trần Hữu Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Lê Hữu Thiện cho biết: “Anh Thắng là một nông dân sản xuất giỏi, khả năng nổi trội nhất là anh luôn có cách để giữ cho vườn tiêu của mình đạt năng suất cao…”. Ngoài danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”, vào trung tuần tháng 4-2013, anh còn nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, năm 2010, anh được tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007 - 2010.
Related news

Trong thời gian gần đây, bệnh trên cây mì liên tục xảy ra, nên hầu hết người trồng khoai mì trên địa bàn xã chọn phương án trồng cây tràm ghép cao sản để cải tạo đất, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, thương lái mua tại đám từ 60 triệu đến 65 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu chỉ trồng khoai mì, 1ha đất chỉ đạt hơn 20 triệu đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Trang, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) trồng 30 nghìn gốc măng tây từ tháng 10 - 2013 với diện tích hai ha, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng/ha, đến nay đang có nguồn thu ổn định 2,5 triệu đồng/ngày.

Xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đã có bước tăng trưởng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhưng đang có nhiều tiềm ẩn bất trắc. Vì vậy, việc khai phá các thị trường khó tính đang được ngành nông nghiệp và doanh nghiệp (DN) Việt Nam hết sức quan tâm.

Ngày 12/8/2014, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Trà Vinh trao giấy chứng nhận VietGAP sản phẩm măng cụt cho Hợp tác xã Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè và sản phẩm quýt đường cho Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long. Đến nay, Trà Vinh đã có 3 sản phẩm trái cây sản xuất đạt chuẩn VietGAP là măng cụt, quýt đường và thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long.

Quản lý dịch chổi rồng ở ĐBSCL thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Đó là nhận định chung được đưa ra tại hội nghị quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua tại Vĩnh Long.